Quyết tâm đồng lòng, chúng ta sẽ sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh

Nguyễn Văn Học| 31/08/2021 15:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của nước ta. Nhưng với tinh thần quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, cả xã hội đang đồng lòng vượt gian khó với tinh thần một người vì mọi người, mọi người vì tất cả. Hình ảnh lực lượng chức năng, các chiến sĩ áo trắng, chiến sĩ áo xanh nơi tuyến đầu chống dịch, các doanh nghiệp, công nhân cùng bảo đảm sản xuất, cho thấy sự đoàn kết, quyết chí của những trái tim yêu nước, vì sự phát triển của đất nước trong thực hiện mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Quyết tâm đồng lòng, chúng ta sẽ sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh  - Ảnh 1.

Chuyến xe nghĩa tình - Chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19” sẵn sàng chia sẻ những khó khăn cho các khu phong tỏa, khu cách ly

Xúc động tình đoàn kết

Trong hơn một năm qua, liên tục có những đợt dịch bùng phát. Từ ngày 27/4 đợt dịch thứ 4 hoành hành và cũng là đợt dịch mạnh nhất, nhiều ca bệnh nặng nhất, mức độ phức tạp nhất trong số 4 đợt dịch từ đầu năm 2020 đến nay tại Việt Nam.

Xúc động biết bao hình ảnh các bác sĩ, chiến sĩ căng mình thực thi nhiệm vụ, ở tạm bợ trong lều bạt, nhường chỗ ở cho người dân trở về từ vùng gian khó, để họ được ăn no, ấm áp, an toàn. Rồi khi mệt lả, kiệt sức, trải manh chiếu nơi bìa rừng, rìa khu cách ly tập trung, co ro trong giấc ngủ chập chờn. Có anh ngủ gục trên đầu gối và hai cánh tay, vẫn mơ về người vợ hiền đang chăm sóc con ở nhà, lo mẹ già chẳng biết có được bình an.

Xúc động biết bao các "chiến binh", với chiếc khẩu trang ngang mặt, nhưng đôi mắt vẫn ngời ngời tự tin, thăm khám, chữa trị làm việc hơn cả chức trách của mình. Kiệt sức thì gục xuống bàn, để có lúc giật mình nghe tiếng bệnh nhân gọi…

Bao lời hát đã vang lên. Bao bài thơ đã ngân hòa cùng sẻ chia ngọn lửa, lòng dũng cảm của những người "chống dịch như chống giặc". Nghe rộn lòng và hối thúc. Nghe như hàng triệu con tim đang xòe bàn tay tạo lá chắn bảo vệ đất nước. Những người làm việc gấp nhiều lần ngày thường. Những người không làm bằng sức vóc cơ thể mà bằng lửa trái tim.

Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ điểm nóng cho đến những nơi đại dịch lây lan trong cộng đồng. Bởi lòng yêu nước luôn âm ỉ, tiềm tàng trong triệu triệu con tim. Lòng yêu nước ở trong mỗi người lúc này rực lên, sáng rõ, soi rọi đến những người nghèo khổ, người bị bệnh tật tấn công. Thật xúc động biết bao tấm lòng hảo tâm đã góp của, góp ý tưởng và thời gian, để hòa vào mặt trận diệt dịch với tinh thần quyết thắng.

Chúng ta trân quý biết bao với những em học sinh hiếu học, cuộc sống còn nghèo nhưng đã nêu gương người lớn, bỏ tiền tiết kiệm góp quỹ. Chúng ta càng kính yêu những Mẹ Việt Nam Anh hùng, đã dâng con cho Tổ quốc, cuộc sống còn chưa an yên, lúc này rộn lên trong lo toan dịch giã, cũng rộng lòng quyên góp tiền tiết kiệm. 

Bao nghệ sĩ đứng lên bán đấu giá qua mạng Ineternet những tác phẩm của mình, góp quỹ… Dù có người đóng góp công khai, người khác âm thầm nhưng cho thấy tinh thần tương thân tương ái, ước ao những giá trị tốt đẹp, lâu bền được lan tỏa.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19. Rốt ráo hơn, ngày 19/7, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu đã ký Công văn số 2663/MTTW-BTT về việc đề nghị Mặt trận các cấp tăng cường vận động nhân dân tham gia công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ðồng chí Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chia sẻ: Ðể tiếp tục vận động hiệu quả nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ phòng, chống dịch và đóng góp cho Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19, trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tập trung đổi mới, đa dạng cách thức tuyên truyền với những trọng tâm chính: Chủ động phối hợp các cơ quan Ðảng, Nhà nước phát huy vai trò và sức lan tỏa sâu rộng của hệ thống Mặt trận, các tổ chức thành viên, thông qua đoàn viên, hội viên để tuyên truyền tới mọi người dân hiểu đúng, đầy đủ về chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch, nhất là mục tiêu tiêm vắc xin đại trà cho người dân. 

Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông của Mặt trận và các tổ chức thành viên để tuyên truyền, vận động tới toàn thể đồng bào ta ở trong và ngoài nước, nêu cao tinh thần đoàn kết, coi trọng các phương thức truyền thông mới, truyền thông qua mạng xã hội; thông qua hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên, phát huy sức sáng tạo của chính đoàn viên, hội viên và nhân dân để lan tỏa những sản phẩm truyền thông sáng tạo, hấp dẫn và phù hợp mọi lứa tuổi, giai tầng trong xã hội; truyền đi thông điệp của tình yêu thương, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, khơi dậy sức mạnh của lòng dân, niềm tự hào dân tộc…

Quyết tâm đồng lòng, chúng ta sẽ sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh  - Ảnh 2.

Tấm lòng thiện nguyện đến với trẻ em nghèo

Bảo vệ thành trì sản xuất

Có thể thấy trong những tháng qua, Bắc Ninh và Bắc Giang có diễn biến về dịch bệnh hết sức phức tạp. Nhưng với sự đồng lòng, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và nhân dân cả nước, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã vượt qua khó khăn, đầy lùi dịch bệnh.

Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp với 10 khu công nghiệp (KCN) tập trung đã đi vào hoạt động và 26 cụm công nghiệp. Nếu dừng sản xuất trong 14 ngày, tính riêng KCN tập trung, giá trị sản xuất công nghiệp ước giảm 50.000 tỷ đồng. Để không đứt gãy chuỗi sản xuất, trong những ngày căng thẳng bởi dịch bệnh, UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu các doanh nghiệp trong các KCN nếu muốn duy trì sản xuất phải chuẩn bị điều kiện để triển khai ngay việc bố trí người lao động (NLĐ) ăn, ở, làm việc trong khu vực nhà máy, không đi ra ngoài.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, trong lúc số ca nhiễm tăng cao, tỉnh yêu cầu tất cả các doanh nghiệp (DN) phải bố trí xét nghiệm tập trung, những người có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 tiếng mới được đến làm việc tại nhà máy. 

Đồng thời, yêu cầu công nhân, người lao động cam kết ở lại nhà máy, tuyệt đối không được ra ngoài nếu không có sự đồng ý của Ban Quản lý các KCN hoặc các cơ quan chức năng giám sát ngoài cổng (trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định). Doanh nghiệp bố trí chỗ ở tạm cho người lao động trong khu vực nhà máy để duy trì sản xuất liên tục. Các doanh nghiệp xét nghiệm cho tối thiểu 10% số công nhân viên ở lại nhà máy theo hằng tuần. Tất cả các lao động không tham gia sản xuất mà ở tại nhà trọ/nơi cư trú không được đi ra khỏi nơi cư trú theo tinh thần nhà cách ly với nhà, phòng cách ly với phòng…

Với sự quyết tâm, cách làm sáng tạo, Bắc Ninh đã đẩy lùi dịch bệnh. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh vẫn tích cực công tác phòng, chống dịch, bảo vệ việc sản xuất an toàn, không chủ quan trước chiến thắng. Tất cả các KCN đều đặt trong tình trạng nêu cao cảnh giác, gìn giữ an toàn cho toàn tỉnh nói chung và các KCN nói riêng, hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố chịu nhiều ảnh hưởng. Ngày 13/7, Bắc Ninh đã tổ chức lễ xuất quân, chi viện cho các tỉnh, thành phố phía Nam gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp. 76 chiến sĩ áo trắng ngành Y tế Bắc Ninh đã lên đường với quyết tâm hỗ trợ các tỉnh bạn nhanh chóng dập dịch thành công.

Tại Bắc Giang, khi dịch bệnh còn hoành hành, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đã thu xếp, đồng ý cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại sau khi bảo đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay hoạt động sản xuất tại các KCN trên địa bàn đã trở lại bình thường. Để phòng ngừa, Bắc Giang đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn.

Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo PCD COVID-19 tỉnh Bắc Giang cho biết: "Hiện nay, số người cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh đã giảm nhiều, các khu cách ly chủ yếu phục vụ người về từ vùng dịch ngoài tỉnh. Người có nguy cơ nhiễm bệnh đều được cách ly riêng, phòng tránh lây nhiễm chéo". Tỉnh Bắc Giang cũng đã cử cán bộ y tế, công an chi viện cho TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp.

Tại địa bàn Thủ đô Hà Nội, để bảo đảm an toàn và sức khỏe nhân dân, tối 23/7, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn để phòng, chống dịch COVID-19, theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. 

Để bảo vệ "chuỗi sản xuất", lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Giám đốc Sở Công thương chịu trách nhiệm toàn diện và triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại khu côngnghiệp bảo đảm an toàn phòng chống dịch, bảo đảm hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy; quản lý nơi ở, việc di chuyển của các công nhân, lao động. 

Nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ: sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ". Sẵn sàng phương án, kịch bản duy trì sản xuất an toàn trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa, cách ly, lấy nhà máy là nơi cách ly và ổn định sản xuất.

Hà Nội có hơn 250.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh với gần 2,7 triệu lao động. Trong đó có 9 Khu Công nghiệp và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thu hút 660 dự án đầu tư với hơn 160 nghìn lao động, hơn 80% là lao động ngoại tỉnh. 

Quyết tâm đồng lòng, chúng ta sẽ sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh  - Ảnh 3.

Công nhân Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh (Hà Nội) vừa sản xuất, vừa bảo đảm phòng dịch

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho hay: Từ giữa tháng 5/2021, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã xây dựng "Kịch bản tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và ổn định quan hệ lao động trên địa bàn thành phố trong tình hình mới", theo đó đã đưa ra các mức độ của tình hình dịch bệnh và đề xuất các giải pháp cụ thể, yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện.

Từ tháng 5/2021 đến nay, toàn TP Hà Nội đã thành lập được hơn 11.150 "Tổ An toàn COVID-19" tại 4.148 DN với gần 50.000 thành viên tham gia. Ở các đơn vị, doanh nghiệp, những nơi trực tiếp diễn ra hoạt động sản xuất đang căng mình bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, chủ động mua sắm trang thiết bị, máy đo thân nhiệt, kiểm soát chặt người ra - vào cơ quan.

Các chuyên gia y tế xác định, giải pháp căn cơ vẫn là chiến lược tiêm vắc xin. TP. Hà Nội đã sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất trong lịch sử, kéo từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022. Người dân có thể đăng ký theo bản đăng ký giấy tại xã, phường, thị trấn, sau đó cán bộ sẽ nhập các dữ liệu lên "Sổ sức khỏe điện tử"; hoặc đăng ký online (trực tuyến) trên Cổng Thông tin tiêm chủng COVID-19.

Địa bàn TP. Hồ Chí Minh với tình hình dịch bệnh phức tạp hơn. Các cơ quan chức năng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt, kịp thời để tránh tập trung đông người tạo nguy cơ lây nhiễm chéo. Ngoài lực lượng y tế công lập, trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin, TP. Hồ Chí Minh huy động đông đảo y tế tư nhân, các tình nguyện viên hỗ trợ đắc lực cho các điểm tiêm. Mỗi người tham gia đều có chung một khát vọng xuyên suốt là mong dịch bệnh sớm được khống chế, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Là người bị tiểu đường, men gan cao, khi biết vắc xin đã được đưa về phường mình, ông Nguyễn Văn C (phường An Lạc A, quận Bình Tân) vẫn phân vân khi nhận thông báo mình được tiêm. Nhưng rồi mọi lấn bấn của ông đã được xua tan. Ông C bộc bạch: "Bình Tân đang là điểm nóng về cả số ca nhiễm và các khu dân cư bị phong tỏa. Lúc đầu cũng sợ tác dụng phụ nhưng được y tá cho xem tận mắt điểm tiêm được bố trí bài bản, an toàn, tôi đã tiêm và chỉ hơi sốt nhẹ".

Rất nhiều người dân đã mạnh dạn, tích cực, thực hiện chiến dịch tiêm chủng của thành phố. Một vấn đề khác là việc nhanh chóng đưa các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đi vào hoạt động, đáp ứng đòi hỏi thực tế.

Sáng 4/8, PGS,TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã cùng đại diện lãnh đạo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế gấp rút thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 trên địa bàn.

Những ngày này các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh đã và đang gửi một triệu túi an sinh để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân, mỗi túi bảo đảm dinh dưỡng cho ba đến bảy ngày, sau đó tiếp tục điều chỉnh. Túi an sinh được gửi dưới hai hình thức là nhu yếu phẩm và suất ăn đã chế biến. 

Trong đó, người nhận các phần quà, suất ăn trong gói an sinh gồm: Các công nhân bị mất việc, người lao động mất thu nhập do tình hình giãn cách cần hỗ trợ để tiếp tục tuân thủ các quy định cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh; hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo trong hơn 4.000 khu phong tỏa tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay; các nhân viên y tế tuyến đầu nếu các bệnh viện và tổ chức y tế có nhu cầu…

Nhằm tạo sự kết nối, có đầu mối triển khai các sự hỗ trợ, TP. Hồ Chí Minh cũng đã thành lập Trung tâm An sinh nhằm hỗ trợ cấp thiết cho người lao động và người dân gặp khó khăn. Trung tâm An sinh thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý các nguồn tài trợ hàng hóa của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lực lượng tham gia phòng chống dịch; kiểm tra, giám sát việc điều phối, phân phối nguồn hàng tài trợ đến các đối tượng.

Quyết tâm đồng lòng, chúng ta sẽ sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh  - Ảnh 4.

Tặng gói an sinh tại Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Cùng đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đã thành lập Trung tâm tiếp nhận và cấp phát, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân ở cấp quận/huyện và cấp phường/xã/thị trấn). Thêm nữa, để kết nối, hỗ trợ người lao động nhập cư đang gặp khó khăn, Trung tâm Công tác xã hội Thanh thiếu niên (Trung ương Hội Thanh niên Việt Nam) vừa triển khai mô hình "ATM việc làm cộng đồng" và "ATM nhà trọ cộng đồng" tại TP. Hồ Chí Minh, nhằm chia sẻ phần nào gánh nặng lo toan của người dân; đồng thời trở thành cầu nối kết nối nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc làm của người lại với nhau. Đồng thời, kết nối nhu cầu tìm chỗ ở, chỗ trọ của người dân tới những địa chỉ nhà trọ cộng đồng trong thời điểm khó khăn này.

Ông Nguyễn Thanh Hân, Giám đốc Trung tâm cho biết: "Người lao động về quê vì không có việc làm, không có tiền trang trải chi phí sinh hoạt, thuê nhà trọ. Trong khi đó, hiện có nhiều gia đình hảo tâm sẵn sàng hỗ trợ chỗ ở tạm thời cho những người gặp khó khăn, không có chỗ ở".

Trong những ngày căng mình phòng, chống dịch bệnh, TP. Hồ Chí Minh đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Bộ Quốc phòng. Tổng cục Hậu cần, Quân khu 7 và Quân khu 9 thành lập 7 Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn phía Nam. Tiếp đó, ngày 23/8, có khoảng 1.000 cán bộ, nhân viên Quân y từ Hà Nội vào phục vụ công tác chống dịch COVID-19.

Phát biểu trước hơn 1.000 Quân y được tăng cường vào miền Nam, Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang nói, Quân đội sử dụng tất cả các lực lượng hiện có, quyết tâm bằng mọi cách, mọi biện pháp, sử dụng mọi lực lượng, với khả năng của mình, thậm chí vượt cả khả năng của mình, quyết tâm cùng với nhân dân TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai và các địa bàn có dịch khắc phục triệt để dịch bệnh, để cuộc sống của người dân có thể trở lại bình thường.

Chính phủ đã tích cực, quyết liệt triển khai phòng chống dịch với mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết. Đồng thời, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội tại những nơi an toàn về phòng chống dịch, mục tiêu cuối cùng là vì ấm no, an toàn, hạnh phúc của nhân dân. Bởi thế, rất cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng, sự chủ động và ủng hộ của người dân./.

Bài viết đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT Kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 -2/9/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm đồng lòng, chúng ta sẽ sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO