Ngày 15/5, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Viện Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và ra mắt 3 bộ sách.
Ba bộ sách gồm: "Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí" (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội) của nhà báo lão thành Phan Quang, "Tiếng nói cùng năm tháng" (NXB Dân Trí) và bộ Kỷ yếu Hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" (NXB Thông tin & Truyền thông), gồm 2 tập.
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc VOV, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương chia sẻ, cuộc gặp mặt hôm nay là dịp để chúng ta thêm một lần bày tỏ những tình cảm biết ơn, yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các bậc tiền bối của cách mạng của giới báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ; nguyện sẽ cùng nhau đoàn kết, sáng tạo, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và di chúc thiêng liêng của Người, biến những nỗ lực ấy thành kết quả thiết thực và tiến bộ trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
Nhà báo Hồ Quang Lợi đánh giá cao giá trị của 3 cuốn sách
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao giá trị của 3 cuốn sách, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về "Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí" của Nhà báo lão thành Phan Quang - nguyên Tổng Giám đốc VOV, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, cuốn sách cho thấy sự từng trải, sức làm việc miệt mài, năng lực sáng tạo thật đáng ngưỡng mộ của nhà báo Phan Quang. Đây là những tài liệu quý để chúng ta tìm hiểu và học tập phong cách báo chí, phong cách ngôn ngữ Hồ Chí Minh, học tập và làm theo những lời dạy của Người trong hoạt động báo chí.
Nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư, là đồng nghiệp với nhà báo Phan Quang tại báo Nhân Dân trong nhiều năm, đã đọc cuốn sách từ khi còn là bản thảo. Ông đã viết lời cảm nhận cuốn sách nhận xét: Phan Quang là một cây bút sắc sảo, đa tài. Để làm phong phú nội dung cuốn sách, nhà báo Phan Quang sử dụng không chỉ những bài báo của chính mình viết về Bác Hồ mà còn khai thác ở mức cần thiết những bài viết của tác giả nước ngoài do anh lược dịch hoặc trích dẫn, để qua đó thấy rõ hình tượng Hồ Chí Minh rạng rỡ như thế nào dưới lăng kính của báo giới và chính giới bên ngoài.
Nhà báo Phan Quang cảm ơn và chia sẻ tình cảm với đồng nghiệp và bạn đọc
Nhà báo Phan Quang bày tỏ: “Cuốn sách “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí” chỉ tập hợp hơn 30 bài báo nhỏ nói lên lòng kính nhớ của tôi, dù vậy tôi coi đây là tác phẩm xuyên suốt cuộc đời cầm bút của mình, vì từ bài đầu tiên đến bài gần đây nhất cách nhau những 65 năm, mặt khác đằng sau biểu trưng lòng biết ơn Bác Hồ, nó còn là chút tâm tình của một người làm báo về cuối đời muốn sẻ chia cùng đồng nghiệp”.
Giới thiệu cuốn sách "Tiếng nói cùng năm tháng", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng cho biết: Cuốn sách viết về nghề phát thanh viên và những giọng phát thanh viên tiêu biểu của VOV đã đi vào tâm khảm của các thế hệ bạn nghe Đài cả trong nước và quốc tế. Đây là tập hợp những tư liệu, hình ảnh về lịch sử người và nghề phát thanh viên tại VOV. Qua những câu chuyện, những ký ức, chúng ta cảm nhận rõ hơn những vất vả, hy sinh của những người mang duyên nghiệp phát thanh viên. Từng câu chuyện kể về nhân vật cụ thể nhưng cũng ít nhiều phản chiếu lịch sử hào hùng của VOV gần 75 năm qua. Cuốn sách có nhiều hình ảnh quý lần đầu được công bố. Nhiều bạn đọc sẽ thích thú khi nhìn thấy “thần tượng” của mình, trước đây chỉ nghe được giọng nói trên sóng mà không nhìn thấy hình.
Bìa 3 bộ sách
Còn bộ Kỷ yếu Hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" tiếp tục khẳng định, đề cao vai trò, vị thế của tiếng Việt - ngôn ngữ chính thức của nước Việt Nam thống nhất, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, bộ Kỷ yếu góp phần định hướng, cổ vũ cho việc giữ gìn và phát triển của tiếng Việt phù hợp với yêu cầu giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc qua ngôn ngữ, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ.