Ra mắt cuốn hồi ký về nữ quyền
Tháng 8/2024, San Hô Books kết hợp cùng Nhà xuất bản Phụ nữ ra mắt cuốn hồi ký “Thân em” của nữ siêu mẫu đình đám Emily Ratajkowski.
Tác phẩm là lời tuyên bố của Emily về quan điểm nữ quyền trong xã hội mang đậm “nhãn quan nam giới” và hứa hẹn sẽ hé lộ những mặt tối của giới giải trí hào nhoáng, lộng lẫy.
Trong cuốn hồi ký này, Emily Ratajkowski đã lấy chính nghề nghiệp người mẫu, diễn viên của mình làm tiền đề thảo luận. Xuyên suốt 12 chương sách, Ratajkowski đã trải lòng về những trải nghiệm bị xâm hại quyền làm chủ cơ thể.
Lần đầu tiên, nữ người mẫu công bố chi tiết câu chuyện bị quấy rối trong buổi quay video âm nhạc với hơn 800 triệu lượt xem “Blurred Lines”, giao dịch ngầm giữa giới đại gia và người mẫu, hay việc bị các nhiếp ảnh ngang nhiên rao bán hình của mình,….
Thông qua các câu chuyện cá nhân, Emily Ratajkowski đã thẳng thắn chất vấn các thiết chế và định kiến xã hội chi phối quyền làm chủ cơ thể của phụ nữ: Ai có quyền định nghĩa cái đẹp? Ai là người có quyền định đoạt hình ảnh cơ thể của một người phụ nữ? Truyền thông đóng vai trò thế nào trong việc điều khiển tiêu chuẩn chung về khuôn mẫu cái đẹp?...
Và có lẽ điểm độc đáo nhất của cuốn sách chính là cái nhìn bộc trực của tác giả về khuynh hướng nội hoá những định kiến của xã hội gia trưởng trong chính giới nữ, ở những giai đoạn, thế hệ khác nhau: cách người mẹ dạy đứa con của mình về sắc đẹp (theo nhãn quan nam giới) hay cách phụ nữ so kè sức hút, vẻ đẹp với nhau.
Như vậy, chính phụ nữ cũng bị những định kiến của xã hội gia trưởng ăn sâu và vô thức trao quyền định nghĩa vẻ đẹp, giá trị của mình cho phái nam.
Bằng cách nhìn thẳng và phân tích vấn đề trên nhiều góc độ, “Thân em” nhắc nhở những người phụ nữ về quyền tự do định đoạt cơ thể và kêu gọi chúng ta cùng nhau chấm dứt tư tưởng phân biệt và kỳ thị phụ nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội ngày nay.
Ngay khi vừa ra mắt, “Thân em” đã lọt vào danh sách New York Times Bestseller và nhận được lời khen có cánh từ các tạp chí lớn. Cuốn sách được cho là cáo trạng táo bạo, thẳng thắn gửi tới những nhân tố biến phụ nữ thành thứ hàng hoá tầm thường và khẳng định lại rằng: “Giá trị của phụ nữ phải do chính họ định đoạt”./.