Đây là sự kiện quan trọng, không chỉ hướng đến kỷ niệm 23 năm ngày Truyền thống Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) (17/9/1997-17/9/2020) mà còn đánh dấu quá trình hoạch định chiến lược phát triển của Học viện với tầm nhìn đến năm 2030 trở thành trung tâm về GD&ĐT, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ và tri thức trong lĩnh vực TT&TT có uy tín, khả năng cạnh tranh, hội nhập quốc tế.
Dự buổi lễ có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ TT&TT và Học viện, cùng toàn thể các thầy, cô giáo, sinh viên Học viện.
Đưa Học viện trở thành đại học hàng đầu của Việt Nam và khu vực về đào tạo công nghệ số
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Học viện công nghệ BCVT hoạt động theo mô hình có Hội đồng trường là một bước tiến mới. Học viện đã bầu ra 19 thành viên của Hội đồng Học viện gồm có đại diện Bộ TT&TT, chuyên gia GD&ĐT, 3 tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam là Viettel, VNPT và CMC. Hội đồng Học viện đã bầu ra Chủ tịch là GS. TS. Từ Minh Phương với số phiếu đạt 100%. "Đây là sự nhất trí cao, đoàn kết, yếu tố mà bất kỳ tổ chức nào cũng luôn cần để phát triển bền vững".
"Lãnh đạo Bộ vui mừng với kết quả này, tin tưởng vào sự ra đời Hội đồng Học viện. Giờ đây, với rất nhiều quyền của Bộ trước đây đối với Học viện sẽ được chuyển giao cho Hội đồng Học viện và việc việc tự chủ đại học sẽ thực chất hơn rất nhiều", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho rằng Học viện đang trong quá trình chuyển giao thế hệ và tin tưởng thế hệ trẻ sẽ gánh vác sứ mệnh đưa Học viện trở thành Đại học hàng đầu của Việt Nam và khu vực về đào tạo công nghệ số, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Cũng theo Bộ trưởng, mô hình quản lý hiện nay của Học viện đang là 1 lớp, nay chuyển sang 2 lớp, vừa có Hội đồng trường, Ban Giám đốc, Chủ tịch và Phó giám đốc sẽ là một thách thức, khó khăn vì mới mẻ. Nhưng nếu biết cách làm, công khai cho rõ, hỗ trợ nhau sẽ rất tốt, sức mạnh nhân đôi.
Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ trước mắt của Hội đồng Học viện là cần xây dựng quy chế hoạt động của trường, khung chiến lược, kế hoạch 5 năm tới. Từng thành viên trong Hội đồng Học viện, trong đó có đại diện Bộ TT&TT, chuyên gia GD&ĐT, 3 tập đoàn công nghệ đều có trách nhiệm.
Ba tập đoàn công nghệ Viettel, VNPT và CMC tham gia Hội đồng không chỉ với vai góp ý kiến, mà phải tham gia vào hoạt động của Học viện, xây dựng các nền tảng, tham gia đóng góp chủ lực 40% ngành học chuyên sâu cho sinh viên theo mô hình 30% học kiến thức chung, 30 % học kiến thức nền tảng, ngành nghề, 40% học chuyên sâu.
Học viện sẽ cùng với 3 tập đoàn công nghệ thành lập một doanh nghiệp (DN) nghiên cứu trong Học viện, vừa để huy động các nguồn lực nghiên cứu trong Học viện, vừa gắn kết nhu cầu nghiên cứu DN, vừa kết hợp tư duy đại học, tư duy DN. Đây sẽ là mô hình tốt.
Về mối quan hệ giữa phát triển, ổn định, đổi mới, Bộ trưởng cho rằng cần coi phát triển là mục tiêu, ổn định là tiền đề, đổi mới là động lực. Học viện có nền, cái gốc của mình, đây là cái bất biến và khi nắm chắc điều này sẽ tạo ra cái vạn biến thành công, cái mới. Những chương trình đào tạo mới phải được xây trên cái gốc, thân của Học viện thì mới sống được, mới tạo ra bản sắc.
Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng đào tạo
Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ chuyển đổi số cho Học viện. "Mục tiêu của chuyển đổi số Đại học là nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng giảm tải cho giáo viên, là đổi mới mô hình dạy và học, hỗ trợ các công cụ giảng dạy mới cho giáo viên".
Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số Đại học là tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo, thông qua việc áp dụng các công nghệ số. Học viện cần đầu tư xây dựng các nền tảng số, đáp ứng 70% nội dung giảng dạy trên nền tảng số. Giáo viên sẽ tập trung việc tạo ra giá trị, tăng thêm trên nền tảng này. Đây chính là nền tảng mở, liên tục được cập nhật, tốt lên từng ngày. Nền tảng này không chỉ là nội dung, còn là cách thức giảng dạy, thi, kiểm tra. Khi Học viện làm xong nền tảng này thì mặt bằng của Học viện sẽ nâng lên,
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: năm học 2020 - 2021, Học viện cần tập trung nền tảng số. Các DN công nghệ trong ngành có thể hỗ trợ, vì khi Học viện nâng cao chất lượng đào tạo thì việc hưởng lợi đầu tiên chính là các DN công nghệ. Học viện sẽ giống công ty công ty công nghệ hơn là trường Đại học truyền thống. Và thực sự Học viện sẽ là công ty công nghệ, phát triển công nghệ và nội dung dạy học công nghệ, nhưng cũng sẽ là một công ty công nghệ bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ để đưa trí thức của mình lên các nền tảng.
Chuyển đổi số Đại học, việc đầu tiên là đưa toàn bộ Học viện thành quốc gia số thu nhỏ, toàn bộ hoạt động Học viện, giáo viên, sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số, theo Bộ trưởng.
"Mỗi người trong Học viện sẽ có một định danh số. Học viện là một xã hội thu nhỏ, người trẻ năng động với công nghệ sẽ rất thuận lợi để xây dựng một xã hội số tại đây. Muốn đào tạo nhân lực chuyển đổi số hãy cho họ sống, học tập, làm việc trong môi trường số, đây là cách đào tạo công nghệ số tốt nhất".
Với sự ra đời Hội đồng Học viện, Bộ trưởng tin tưởng tương lai tươi sáng của Học viện, tin tưởng vào sự đóng góp của Học viện trong sự nghiệp chuyển đổi số quốc gia.
"Học viện đã hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời là sự xuất hiện của các công nghệ đào tạo mới, các mô hình đào tạo mới mang tính đột phá. Địa lợi là công nghệ số đã trở thành kỹ năng thiết yếu, nhu cầu thiết yếu của toàn xã hội. Nhân hòa là Học viện đang có sự thống nhất, đoàn kết cao trong lãnh đạo", Bộ trưởng nói.
Tập trung trí tuệ, tâm huyết để Học viện vững mạnh, phát triển
Với trọng trách, cương vị mới là Chủ tịch Hội đồng Học viện, GS. TS. Từ Minh Phương cho biết sự ra đời Hội đồng Học viện theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi là tiền đề quan trọng để Học viện phát huy đầy đủ quyền tự chủ của mình.
Theo GS. TS. Từ Minh Phương, "Vận hành tốt thiết chế mới này chúng ta có cơ hội để xây dựng cơ chế quản trị đại học tiên tiến, tạo ra các nguồn lực mới, giúp Học viện xác định đúng và tập trung vào các mục tiêu chiến lược, minh bạch hóa hoạt động. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, là mục tiêu hướng tới của Hội đồng Học viện trong nhiệm kỳ tới".
Là Chủ tịch Hội đồng Học viện, GS. TS. Từ Minh Phương cam kết tập trung trí tuệ, tâm huyết, tiếp thu kinh nghiệm, không ngừng học hỏi, chung sức đồng lòng cùng với các thành viên Hội đồng và tập thể cán bộ giảng viên, sinh viên Học viện vì mục tiêu xây dựng Học viện vững mạnh và tiên tiến.
"Các thành viên Hội đồng với vị trí và kinh nghiệm của mình, với tinh thần tham gia cầu tiến sẽ đưa ra phương pháp quản trị hiện đại, phát huy cao nhất trí tuệ của đội ngũ giảng viên để làm được những điều to lớn, đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà", GS. TS. Từ Minh Phương bày tỏ tin tưởng.