Rác thải điện tử được tái chế như thế nào?

Phương Nguyễn| 16/03/2021 14:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Đồ điện tử được sinh ra ngày càng nhiều trong khi vòng đời sử dụng ngày càng ngắn, vậy nó sẽ được xử lý như thế nào?

Ngày nay, khoảng 44 triệu tấn rác thải điện tử được tạo ra mỗi năm, tương đương mỗi người trên hành tinh này xả ra 6kg rác mỗi năm. Đó một phần là bởi những nhà sản xuất smartphone với chu kỳ mỗi năm ra ít nhất một phiên bản smartphone đời mới lại tạo ra cuộc chạy đua lên đời điện thoại cho người dùng.

Để giải quyết bài toán môi trường, các công ty xử lý rác thải tái chế đã ra đời (e-waste). Nhưng những nhà sản xuất đồ điện tử cũng phải có hành động tương tự. Chẳng hạn như Apple, đến iPhone 12, hãng này đã chống chế thành công cho việc không bán kèm tai nghe là vì… môi trường.

Quả thật, với hàng chục triệu chiếc iPhone đời mới được bán ra mỗi năm, Apple có lý do khá xuôi tai để không bán kèm sạc rồi tai nghe. Lý do là bởi Táo khuyết đã cam kết đến năm 2030 sẽ làm tất cả các sản phẩm từ nguyên liệu tái chế và có thể tái chế. Thỏa thuận này được biết đến với cái tên carbon neutral (trung hòa carbon).

Rác thải điện tử được tái chế như thế nào? - Ảnh 1.

Robot Daisy của Apple có thể bóc tách một chiếc iPhone ra 14 thành phần khác nhau

Trở lại với câu chuyện tái chế. Vậy các công ty tái chế sẽ xử lý rác thải điện tử như thế nào? Rất khó để nói chính xác quy trình cụ thể, nhưng nó có thể bao gồm các công đoạn như tháo rời, thu nhỏ, phân loại và tiếp tục xử lý sâu hơn.

Các công đoạn cụ thể sẽ gồm thu thập và vận chuyển rác đến nhà máy. Tại đây, rác được sơ chế, làm sạch, phân loại và phân tách thành các vật liệu nhỏ hơn. Quá trình nghiền nhỏ giúp phân tách hiệu quả kim loại và nhựa để chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo.

Ở bước tách cơ bản, một nam châm khổng lồ sẽ hút kim loại khỏi rác thải nhựa bên dưới. Sau đó, thêm các quá trình xử lý cơ học sẽ giúp tách đồng, nhôm, vàng và các kim loại khác ra khỏi bảng mạch nhựa. Công đoạn cuối cùng sẽ tách bất cứ thứ gì còn sót lại, nhưng người ta thường quan tâm đến hiệu suất hơn là quá trình. Chẳng hạn, robot Daisy của Apple có thể ‘mổ’ iPhone thành 14 thành phần khác nhau, đạt hiệu suất 200 máy/giờ, tối đa 1,2 triệu iPhone mỗi năm.

Nhìn chung, việc xử lý rác thải điện tử không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường. Các linh kiện bên trong đồ điện tử còn có giá trị rất lớn ngay cả khi thiết bị đó không còn hoạt động được. Người ta thống kê rằng trữ lượng vàng trong 1 tấn rác điện tử còn nhiều hơn 100 lần so với trữ lượng vàng trong một tấn quặng vàng, số vàng này hiện chiếm 7% trữ lượng vàng thế giới.

Rác thải điện tử được tái chế như thế nào? - Ảnh 2.

Vàng có thể được tạo ra từ việc tái chế rác thải điện tử

Tuy nhiên, xử lý rác thải điện tử sẽ tạo ra mất mát nguyên liệu ở mỗi công đoạn, chưa kể máy móc vận hành cũng tiêu tốn năng lượng. Do đó, xử lý rác thải điện tử trong một kịch bản tốt nhất vẫn đem đến ảnh hưởng cho môi trường.

Tuy nhiên, việc xử lý rác thải điện tử vẫn là rất cần thiết. Theo báo cáo của Chương trình Liên Hiệp Quốc (UNEP), chỉ 20% trong số 50 triệu tấn rác thải điện tử được tái chế, số còn lại được xử lý như rác thông thường. Ngành công nghiệp xử lý rác thải điện tử ước đạt có giá trị 62,5 tỷ USD và số rác thải ra môi trường sẽ đạt con số 120 triệu tấn vào năm 2050 nếu không có biện pháp gì xử lý, UNEP cảnh báo.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Rác thải điện tử được tái chế như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO