Rào cản nào khiến nhà đầu tư và startup Việt khó bắt tay hợp tác?

Hương Lan| 14/04/2022 14:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời gian qua, các công ty, quỹ đầu tư đều đang vô cùng cởi mở, năng động trong việc đi tìm nguồn vốn. Tuy nhiên, còn không ít rào cản khiến các quỹ đầu tư trong và ngoài nước khó hợp tác, bắt tay với các startup Việt.

Thời gian qua, các công ty, quỹ đầu tư đều đang vô cùng cởi mở, năng động trong việc đi tìm nguồn vốn. Tuy nhiên, còn không ít rào cản khiến các quỹ đầu tư trong và ngoài nước khó hợp tác, bắt tay với các startup Việt.

Làm rõ hơn vấn đề này, báo Phụ nữ Thủ đô đã có những trao đổi cùng bà Nguyễn Thu Thảo - Giám đốc công ty đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp ThinkZone Ventures.

PV: Với vai trò là đại diện của một công ty đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp, bà nhận định như thế nào về môi trường đầu tư và tình hình đầu tư cho mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay?

Bà Nguyễn Thu Thảo: Trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt từ năm 2018 trở lại đây Việt Nam là địa điểm thu hút rất nhiều vốn đầu tư mạo hiểm. Trong đó 2019 là năm đầu tiên Việt Nam vượt qua Singapore trên bảng xếp hạng các nước thu hút vốn đầu tư khởi nghiệp của khu vực Đông Nam Á. Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, các công ty khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhưng số lượng thương vụ của công ty giảm không đáng kể. Điều này chứng tỏ sức hút của thị trường Việt Nam là rất lớn.

Đơn cử như với ThinkZone, theo báo cáo của công ty trong năm 2020, những thương vụ lớn có giá trị huy động vốn khoảng vài chục đến vài trăm triệu USD diễn ra lâu hơn và có sự giảm xuống. Nguyên nhân do Covid-19 diễn biến phức tạp, việc gặp gỡ, đi lại khó khăn, trong khi để đầu tư vốn lớn, các nhà đầu tư cần nhiều thông tin, gặp gỡ Founder, dẫn tới khó khăn để có thể chốt deal những thương vụ như vậy.

Tuy nhiên, những thương vụ gần hơn, sớm hơn thì hoàn toàn không giảm vì khi xuất hiện Covid -19, trên thị trường thúc đẩy sự chuyển đổi số ở trong doanh nghiệp cũng như người dùng. Do vậy các công ty khởi nghiệp cũng tăng được tốc độ thay đổi về hành vi của người tiêu dùng, nhiều công ty đã thể hiện được sức phát triển và có khả năng thay đổi, thích ứng linh hoạt nhanh trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Thay đổi cốt lõi nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy được là các công ty, các quỹ đầu tư đều đang vô cùng cởi mở, năng động trong việc đi tìm nguồn vốn. Trong khi nhiều quỹ ngoại chưa thể tiếp cận và đầu tư vào thị trường Việt Nam do dịch bệnh, thì khoảng năm 2019 trở lại đây đã bắt đầu có những công ty quỹ nội xuất hiện và đóng vai trò lớn trong việc kết nối, đảm bảo sự an toàn khi các quỹ đầu tư cho đơn vị khởi nghiệp, giúp họ phát triển bền vững hơn trong môi trường có nhiều thay đổi và khó khăn như hiện nay.

PV: Như bà chia sẻ, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đang quan tâm và tìm cách tiếp cận thị trường khởi nghiệp tại Việt Nam. Nhưng dường như vẫn còn không ít rào cản khiến các quỹ đầu tư nước ngoài khó hợp tác, bắt tay với các startup Việt. Bà có thể làm rõ hơn về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thu Thảo: Theo tôi thấy, rào cản lớn nhất khiến các quỹ đầu tư nước ngoài khó hợp tác, bắt tay với các startup Việt đó là hành lang pháp lý còn chưa rõ ràng, chưa có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ để cho các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam phát triển cũng như chính sách để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư ngoại vẫn chưa thực sự hiểu thị trường Việt Nam như thế nào, người dùng Việt Nam ra sao. Và các nhà startup Việt Nam có nhiều kỳ vọng hơi thiếu thực tế về mặt định giá công ty cũng như khái quát được bức tranh rộng hơn về doanh nghiệp của mình.

Công ty như “đứa con tinh thần” của nhà sáng lập, trải qua quá trình “thai nghén” lên ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp nên các bạn kỳ vọng, tin tưởng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên đầu tư vào khởi nghiệp là đầu tư vào tương lai, mình sẽ nhìn vào bức tranh lớn cho công ty đó trong khoảng 3 - 4 năm, 5 - 10 năm sau sẽ như thế nào. Do đó các nhà sáng lập cần nhìn nhận vào thực tế xem mình đang ở đâu và đi đến đâu để có được định giá phù hợp khi thuyết phục các nhà đầu tư vào công ty khởi nghiệp.

Rào cản nào khiến nhà đầu tư và startup Việt khó bắt tay hợp tác? - Ảnh 1.

Đội ngũ ThinkZone Ventures.

Đó là những khoảng cách đang tồn tại giữa các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty tại Việt Nam. Trong thời gian tới tôi rất kỳ vọng Việt Nam sẽ có thêm nhiều quỹ nội hơn để có thể kết nối, xóa đi khoảng cách giữa quỹ ngoại và các nhà sáng lập Việt. Bên cạnh đó cần có nhiều hoạt động kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp, các hoạt đông của các Bộ, Ban, Ngành tổ chức để chia sẻ, cung cấp thêm nhiều kiến thức, thông tin đưa mọi người gần nhau, hiểu nhau hơn.

PV:Từ 2016, Chính phủ đã ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là đề án 844). Theo bà đánh giá, Đề án này có vai trò như thế nào trong việc cải thiện hành lang pháp lý, thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài?

Bà Nguyễn Thu Thảo: Một thuận lợi đối với các nhà đầu tư và đơn vị khởi nghiệp trong giai đoạn hiện nay đó là sự ra đời của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là đề án 844) - ISEV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016. Đây là Đề án đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo sự kết nối để các startup có nhiều sự giúp đỡ hơn về mặt kiến thức và các mối quan hệ trong cộng đồng hệ sinh thái. Đề án này cũng có những hỗ trợ nhất định cho những đơn vị phát triển lĩnh vực đầu tư khởi nghiệp trong đó ThinkZone.

Cùng với Đề án 844, Nghị định 38 quy định về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đã bắt đầu nhen nhóm phương hướng để tạo lập quỹ đầu tư cho các nhà đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên nó vẫn còn nhiều vướng mắc về vấn đề thuế, thoái vốn, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được xử lý như thế nào... Hiện nay tôi thấy nhiều quỹ đầu tư vẫn phải lập pháp nhân tại Singapore để chủ động giải ngân ở bên đó. Để nhận được vốn đầu tư của nước ngoài, các công ty Việt Nam vẫn phải sang Singapore thực hiện giao dịch.

Vấn đề pháp lý không chỉ giới hạn về mặt quỹ nội mà còn ảnh hưởng đến các quỹ ngoại khi đầu tư vào Việt Nam. Đó là những điểm tồn tại nhiều hạn chế và chưa thực sự rõ ràng để các quỹ nước ngoài quyết định đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư khởi nghiệp là hình thức đầu tư rủi ro, nên vấn đề khó khăn về thuế và chưa có chính sách ưu đãi để khuyến khích đối với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ở giai đoạn sớm như ThinkZone đang làm hiện đang rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ hành lang pháp lý.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Rào cản nào khiến nhà đầu tư và startup Việt khó bắt tay hợp tác?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO