"Rộng cửa" đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc

PV| 23/11/2022 10:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Trung Quốc đang có nhu cầu tiêu thụ nhiều loại nông sản nhập chính ngạch từ Việt Nam, mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm Việt chinh phục thị trường hơn 1,3 tỷ dân. Các chiến lược bài bản như đầu tư đồng bộ vùng nguyên liệu, chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ… được xem là những giải pháp để nông sản Việt đứng vững tại thị trường quan trọng này.

Nhiều nông sản được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường "Tỷ dân"

Chỉ trong thời gian ngắn, đã có 3 loại nông sản của Việt Nam được Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch, mới nhất là khoai lang và tổ yến, trước đó là sầu riêng. Cùng đó, chanh leo cũng được xuất khẩu thí điểm qua một số cửa khẩu được chỉ định từ tháng 7/2022. Tính đến nay, Việt Nam có 13 loại nông sản xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc (gồm: thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, sầu riêng, chanh leo, khoai lang, tổ yến).

Với trái sầu riêng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam. Riêng tỉnh Đắk Lắk, bình quân mỗi năm có đến hơn 70% sản lượng sầu riêng xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Vì vậy khi Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch các loại nông sản nói trên sẽ là cơ hội lớn để mặt hàng này phát huy lợi thế.

Đây cũng là những tín hiệu đáng mừng đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam, mở hướng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp. Khi xuất khẩu chính ngạch, doanh nghiệp sẽ không còn lo rủi ro cho lô hàng hay bị ép giá. Đơn cử như trường hợp Công ty cổ phần Thực phẩm Đồng Giao (Doveco), ngay trong giai đoạn dịch bệnh, đơn hàng xuất khẩu trái cây chính ngạch sang Trung Quốc của doanh nghiệp này vẫn tăng mạnh.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Doveco khẳng định, nhiều nông sản Việt như chuối, xoài, dứa, chanh leo… còn rất nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu ở Trung Quốc, nhưng với điều kiện doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy trình, từ trồng, thu hoạch, đến bảo quản, đóng gói…

Sầu riêng của Việt Nam được chấp thuận xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc mở ra con đường phát triển mới ổn định đối với loại trái cây đặc sản này.

Bà Nguyễn Ngọc Huyền, CEO Mia Group (doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp, trái cây chất lượng cao) chia sẻ: "Chúng ta hay ví, Nhật Bản là thị trường khó tính, nếu hàng hóa đáp ứng được yêu cầu của khách Nhật, thì sẽ thuận lợi để vào các thị trường khác. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cũng cần chinh phục khách Trung Quốc như thị trường khó tính khác".

Ngoài trái cây tươi xuất khẩu theo mùa, có đủ cơ sở về vùng trồng được cấp phép, có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng, cơ sở đóng gói đủ tiêu chuẩn, nếu doanh nghiệp đầu tư được hệ thống nhà máy chế biến cạnh các vùng nguyên liệu, sẽ là "địa chỉ" tiêu thụ lượng nông sản lớn, vừa giúp nâng cao giá trị, vừa không lo bị ép giá.

Cục Bảo vệ thực vật sẽ thường xuyên tổ chức lớp tập huấn các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, hướng dẫn thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói các mặt hàng mới như chanh leo, khoai lang, tổ yến, sầu riêng… xuất khẩu cho các đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, xây dựng bộ tài liệu đầy đủ, toàn diện về các yêu cầu liên quan từ phía Trung Quốc và cách thức triển khai thực hiện những yêu cầu đó trong điều kiện thực tế của Việt Nam để các địa phương có thông tin tham khảo.

Xuất khẩu nông sản chính ngạch được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu để giữ chân thị trường Trung Quốc. Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới khắt khe hơn đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước. Dự báo, hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường này sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều so với trước. Bộ Công Thương cũng lưu ý cả doanh nghiệp và thương lái cần có bước chuẩn bị để đáp ứng các điều kiện mới vì hiện nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này chủ yếu vẫn theo đường tiểu ngạch.

Việc cần sớm chuyển hoạt động xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch đã nhiều lần được lãnh đạo Bộ Công Thương đề cập. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, sở dĩ các doanh nghiệp, thương nhân cần chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch bởi trên thực tế, trong những thời điểm khó khăn nhất xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông bình thường, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Chủ động tận dụng dư địa để phát triển thị trường

Mỗi năm, Trung Quốc chi khoảng 15 - 17 tỷ USD nhập khẩu rau quả. Đây là dư địa để ngành nông sản Việt Nam tăng xuất khẩu khi quá trình tổ chức sản xuất ngày càng được chuẩn hóa, tiến lên chuyên nghiệp. Trung Quốc hiện nay cũng đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nông, lâm, thủy sản Việt Nam.

Ngoài rau quả tươi và chế biến, sản phẩm tổ yến mới được xuất chính ngạch đang có tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao. Cả nước hiện có 22.087 nhà nuôi chim yến, sản lượng yến đạt trên 120 tấn, giá trị khoảng 450 triệu USD, trong khi nhu cầu nhập khẩu tổ yến của Trung Quốc rất lớn. Việc thị trường này mở cửa nhập chính ngạch tổ yến là động lực để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất quy mô lớn, tập trung hơn. Theo đó, mặt hàng này cũng được kỳ vọng sớm lọt danh sách các nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD của ngành nông nghiệp.

Vài năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp coi trọng thị trường Trung Quốc như các thị trường Mỹ, EU… thông qua chiến lược đầu tư đồng bộ vùng nguyên liệu, chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, để chinh phục thị trường tỷ dân. Riêng ngành sữa, đã có hàng chục nhà máy được cấp mã giao dịch xuất khẩu, trong đó có các tên tuổi lớn như Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu Milk, Nutifood, Hanoimilk.

Thực tế cho thấy, xuất khẩu chính ngạch đơn giản chỉ là việc ký kết hợp đồng với những điều khoản hết sức cụ thể về thời gian, địa điểm, cũng như phương thức giao hàng, thanh toán trong đó quy định trách nhiệm và quyền lợi rất rõ ràng. Như vậy việc thay đổi, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công tác truy xuất nguồn gốc sẽ đem lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản sang Trung Quốc có lợi thế không chỉ nhờ cự ly gần, đỡ tốn chi phí vận chuyển và dung lượng thị trường lớn, mà nhờ hệ thống các FTA đang thực thi, ưu đãi thuế quan cũng mang lại lợi ích đáng kể với doanh nghiệp. Cụ thể, thực hiện cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, đến nay, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có nông sản, trái cây tươi, mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường rộng lớn này.

Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (SPS) thông tin thêm: Thời gian tới, Trung Quốc sẽ phối hợp Việt Nam để xây dựng và phổ biến những quy định trong Lệnh 248, Lệnh 249 dưới dạng video, clip, nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam bảo đảm thời hạn hoàn thiện hồ sơ đăng ký trước tháng 6/2023. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các địa phương, doanh nghiệp nắm chắc yêu cầu từ phía Trung Quốc để triển khai đúng, đủ các nội dung liên quan, không chỉ đối với chanh leo và sầu riêng mà còn nhiều loại nông sản khác./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Rộng cửa" đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO