Xu hướng tất yếu
Chỉ trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, cục diện sách trên thế giới và Việt Nam đã bắt đầu có sự chuyển hướng rõ nét với lợi thế cạnh tranh đang dần nghiêng về sách điện tử.
Theo dự báo của nhiều nước phát triển, trong tương lai gần, xuất bản phẩm điện tử sẽ là một phương thức cơ bản của hoạt động xuất bản. Xuất bản phẩm điện tử có những ưu thế mà sách in không có. Mỗi máy đọc có thể chứa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn quyển sách in, đó là một thư viện bỏ túi. Người đọc có thể đọc được bất cứ thời gian nào (có thể đọc dưới ánh nắng, trong đêm tối), có thể điều chỉnh phông chữ lớn nhỏ tuỳ thích, đọc ở trang chọn lựa và làm dấu trang đã đọc, liên kết (links) với những trang mạng để đọc thêm những tài liệu liên quan đến một chủ đề, một từ ngữ, kể cả nghe nhạc và xem các hình ảnh.
Sách điện tử rút ngắn thời gian tối đa giữa người viết và công chúng với hệ thống phát hành trực tuyến trên mạng, các nhà xuất bản có thể trực tiếp bán hàng cho tất cả các khách hàng trên thế giới mà không phải mất thời gian, phí vận chuyển sách. Do có nhiều tính năng hấp dẫn như âm thanh, hình ảnh và tính tương tác cao, sách điện tử (ebook) đã thu hút được một bộ phận lớn thanh, thiếu niên tham gia vào việc đọc, thúc đẩy văn hoá đọc phát triển; sự phát triển nhanh chóng của công nghệ điện tử, kỹ thuật số qua các thiết bị cá nhân như: điện thoại thông minh, Ipad, Kindle, Nook…Khả năng cung cấp Internet ngày càng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn đã tác động mạnh mẽ đến phương thức đọc.
Hiện nay, đứng đầu trên thế giới là 5 nền tảng xuất bản sách điện tử: Amazon.com (Hoa Kỳ), BN.com Nook (Hoa Kỳ), Apple iBooks (Hoa Kỳ), Kobo.com (Canada), Google Play Books (Hoa Kỳ). Trong đó, Amazon có thị phần lớn nhất cả về doanh số và doanh thu, chiếm 71% thị phần.
Doanh thu sách điện tử toàn cầu vẫn đang trên đà tăng trưởng liên tục hàng năm. Trong đó, nhờ có sự góp mặt của thị trường Hoa Kỳ, khu vực Bắc Hoa Kỳ có doanh thu lớn nhất thế giới, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của thị trường Tây Âu và Châu Á Thái Bình Dương lại có xu hướng tăng cao hơn.
Doanh thu dòng sách hư cấu (fiction) như các thể loại tiểu thuyết, truyện, thơ… chiếm tỷ lệ cao nhất và đóng góp trên 50% tổng doanh thu sách điện tử thế giới. Theo thống kê, người đọc ở Hoa Kỳ ưa thích đọc sách điện tử bằng máy tính bảng nhất, các nước châu Âu lại có thiên hướng sử dụng máy đọc sách hơn. Trong khi đó, các nước châu Á lại chủ yếu đọc sách điện tử bằng các thiết bị đa chức năng như điện thoại thông minh.
Tại Việt Nam, tuy chỉ manh nha trong vài năm trở lại đây nhưng xuất bản sách điện tử cũng đang mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành Xuất bản. Sự phát triển của xuất bản điện tử ở Việt Nam sau một quá trình tự phát và kinh doanh nhỏ lẻ nay đã hướng đến việc nâng tầm và chuyên môn hoá.
Sau khoảng 10 năm hoạt động, thị trường ebook chính thức ở Việt Nam vẫn đang tồn tại ở mức độ cầm chừng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự phân mảng quá lớn trong khâu phát hành. Đơn vị làm ebook nào thì chỉ bán sách của đơn vị mình làm, không bán hoặc bán rất ít sách của đơn vị khác. Ngay cả các nhà phát hành ebook dạng độc lập như Waka, Alezza, Komo cũng có rất ít đầu sách nổi tiếng, sách hay, sách đang được chú ý. Lý do là các đơn vị làm sách nếu có làm ebook đều giữ riêng cho doanh nghiệp mình.
Để kinh doanh ebook, doanh nghiệp cần có hệ thống kinh doanh riêng khác biệt hoàn toàn với mô hình của sách giấy. Người dùng ebook đọc sách trên các thiết bị điện tử nên đòi hỏi các nhà phát hành và xuất bản cũng phải cung cấp cho họ một nền tảng điện tử tương thích. Nếu tự xây dựng và vận hành một nền tảng như thế, các nhà phát hành và xuất bản phải đầu tư rất nhiều chi phí, nhân lực và thời gian. Nếu làm, chi phí đầu tư này chỉ có thể lấy từ lợi nhuận của mảng sách giấy.
Thế nhưng, biên lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được từ mảng sách giấy chủ lực cũng chỉ được 3 - 5% (cho lần xuất bản đầu tiên) sau khi trừ 50% cho khâu phân phối, 10 - 15% cho tác giả, 7% xin giấy phép xuất bản và 20 - 25% cho in ấn. Điều này cho thấy sự khó khăn về nguồn lực mà các nhà phát hành và xuất bản phải đối mặt nếu mong muốn phát triển nền tảng điện tử để kinh doanh ebook.
Định dạng sách điện tử là bước đi lớn của xuất bản nhưng không vẫn không thay được sách giấy
Theo bà Thái Minh Châu, Giám đốc Đối ngoại của Fonos (một nền tảng ứng dụng sách nói có bản quyền), việc chuyển đổi những cuốn sách giấy sang định dạng sách nói, sách điện tử là bước đi lớn, bắt kịp thời đại, thể hiện sự nhanh nhạy của giới xuất bản. "Tính tiện dụng của sách nói giúp độc giả được thụ hưởng sách thuận lợi hơn. Tốc độ tăng trưởng của Fonos trong đại dịch gấp 9 lần so với trước. Khoảng 500 cuốn sách của chúng tôi được thực hiện bởi hệ thống khép kín, thu âm, chọn giọng đọc chất lượng, đảm bảo cảm xúc của người nghe", bà Minh Châu tiết lộ.
Xét về tính tiện ích của sách nói, bà Minh Châu cho rằng sự ra đời của định dạng này hướng tới nhiều đối tượng độc giả hơn. Với những người thị giác kém hoặc quá bận rộn với công việc, sách nói là lựa chọn phù hợp. Từ đó, số lượng sách đọc trên đầu người sẽ tăng. "Ứng dụng của công nghệ giúp ngành xuất bản hoạt động sôi nổi hơn. Chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số, có những bước ngoặt lớn cho toàn ngành. Xuất bản truyền thống và phi truyền thống sẽ song hành cùng nhau", bà Minh Châu nói.
Tuy nhiên, công nghệ phát triển không đồng nghĩa với việc sách giấy sẽ mất đi vị thế. Giám đốc Đối ngoại Fonos tin rằng sách giấy vẫn có vị trí với thị trường và văn hóa đọc.
Theo Thạc sĩ Thái Thu Hoài, Phó trưởng khoa Xuất bản, Đại học Văn hóa TP. HCM, xu thế của văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số là tất yếu, ứng dụng công nghệ sẽ giúp nền xuất bản số cũng như việc đọc sách có thêm nhiều phương tiện hỗ trợ, mang đến cơ hội tiếp cận sách dễ dàng hơn cho độc giả.
Còn theo quan sát của TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books, ở các quốc gia Đông Nam Á, xuất bản điện tử hiện chưa mạnh như Mỹ hay các quốc gia châu Âu, nhưng đó chắc chắn sẽ là xu thế phù hợp thời đại.
Các chuyên gia xuất bản đều khẳng định sách điện tử, sách nói là hướng đi không thể dừng lại. Song chúng vẫn không thể thay thế sách giấy.
Tuy sách điện tử (Ebook) có nhiều lợi thế, nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định, sách điện tử không thể thay thế sách giấy trong tương lai.
Bởi sách giấy không chỉ cung cấp tri thức, mà còn mang lại cảm giác trải nghiệm giác quan, cảm xúc cho người đọc, từ hình ảnh, mùi giấy đến âm thanh khi lật giở từng trang…
Ngoài ra, sách giấy còn có giá trị trưng bày, đối với những người yêu thích đọc sách, Một kệ đầy sách đa dạng tại ngôi nhà của mình giống như một bảo tàng trưng bày, thể hiện thành tựu thu thập của chủ nhân ngôi nhà đó. Bởi nhiều cuốn sách càng cũ, giá trị càng cao./.