Với dung lượng nhỏ gọn nhưng chứa đựng một lượng tri thức lớn, sách điện tử rất thuận tiện cho nhu cầu lưu trữ, tìm kiếm và đọc sách mọi lúc, mọi nơi trên những thiết bị thông tin cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính bảng... Sự bùng nổ của Internet giúp cho sách điện tử ngày càng được nhiều người quan tâm. Hầu hết các cuốn sách giấy nổi tiếng đã được chuyển thành sách điện tử để chia sẻ trên mạng thông tin toàn cầu. Nhiều trang web đã được lập ra để bán hoặc chia sẻ sách điện tử. Ngày nay, nhiều nhà xuất bản bên cạnh việc phát hành các bản sách giấy còn phát hành thêm loại hình sách điện tử với giá cả thấp hơn. Chi phí phát hành và in ấn của sách điện tử thấp nên mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho cả nhà xuất bản và bạn đọc.
NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ
Những chiếc điện thoại thông minh ngày càng được tích hợp nhiều tính năng và trở nên phổ biến trong cuộc sống với mức giá dễ chấp nhận. Thậm chí LG đã cho ra mắt chiếc điện thoại thông minh G-Flex có màn hình cong với các phụ kiện cong tạo nên cảm giác thân thiện với người dùng. Các thiết bị điện tử cá nhân ngày càng trở nên gần gũi và quen thuộc hơn với con người. Chúng không còn là những tấm nhựa và kim loại khô cứng, lạnh lẽo nữa mà có thể uốn cong, có thể tự vá các vết trầy xước nhỏ, thậm chí có thể cuốn lại như những quyển sách hoặc gập nhỏ như những tờ giấy... Liệu chúng sẽ thay thế những trang giấy và sách in?
Một trong những người nổi tiếng đã đóng góp nhiều nhất vào sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, tỷ phú Bill Gates, đã phát biểu rằng, các cuốn sách in sẽ trở thành "cổ vật“ trong tương lai gần. Phát biểu của Bill Gates về việc sách điện tử ngày càng trở nên phổ cập và các cuốn sách in sẽ trở thành cổ vật trong thời gian không xa nữa là ý tưởng hoàn toàn thực tế. Chúng có thể đảm nhiệm một cách hoàn hảo tất cả chức năng của một cuốn sách kể cả về nội dung thông tin và hình thức trình bày và cảm nhận của người đọc. Các thiết bị đọc sách điện tử đang ngày càng nhỏ gọn hơn, thân thiện hơn, thậm chí có thể uốn cong như sách giấy, chữ viết được thể hiện bằng công nghệ mực in E-Ink giống hệt như sách giấy... Tất cả đều tạo nên cảm giác thân thuộc cho người đọc như thể họ đang cầm trên tay một quyển sách giấy truyền thống.
Là người đưa ra tiên đoán về tương lai của sách in, Bill Gates cũng là người mua quyển sách cổ "Codex Leicester“ trong một phiên đấu giá năm 1994 với cái giá 30,8 triệu USD, biến nó thành quyển sách đắt giá nhất hành tinh. "Codex Leicester“ là bộ sưu tập các tài liệu khoa học của Leonardo da Vinci. Chữ viết trong quyển sách này thể hiện những quan sát và các lý thuyết sâu sắc của Leonardo da Vinci về thiên văn học, đề cập đến các đặc tính của nước, đá, các hóa thạch, không khí và tia sáng từ vũ trụ. Quyển sách "Codex Leicester“ chỉ vẻn vẹn bao gồm 72 trang tài liệu, trình bày trên 36 trang giấy (mỗi trang giấy bao gồm hai trang nội dung) và toàn bộ quyển sách chỉ bao gồm 18 tờ giấy. Với cái giá 30,8 triệu USD mà Bill Gates đã mua ở phiên đấu thầu, mỗi trang giấy viết này có giá trị hơn 1,7 triệu USD.
Công nghệ hiện đại đang có những bước phát triển vô cùng nhanh chóng. Phải mất hàng triệu năm tiến hóa, con người mới phát minh ra được chữ viết và sau đó là các tài liệu độc bản được viết trên đá, da thú, tre trúc. Trước khi có chữ viết, kiến thức được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác chủ yếu qua truyền miệng và qua những người già trong bộ tộc. Sự ra đời của giấy đã đưa loài người lên những mức tiến hóa mới, khi kiến thức được phổ biến rộng rãi hơn. Và phải mất vài ngàn năm sau phát minh ra giấy, kiến thức mới tìm được chỗ lưu trữ cho mình trong các máy tính. Nhưng chỉ trong vòng vài chục năm ngắn ngủi, máy tính đã được cải tiến từ những thiết bị khổng lồ nặng hàng chục tấn và chiếm diện tích của vài tòa nhà trở thành các màn hình thông minh nằm gọn trong lòng bàn tay.
Trong khoảng vài chục năm gần đây đã diễn ra những chuyển biến công nghệ ngoạn mục. Máy ảnh số đã đẩy lùi máy ảnh film vào các bộ sưu tập cá nhân và bảo tàng. Email làm người ta dần quên việc viết thư tay khiến ngành bưu chính đã và đang phải tự chuyển đổi để tồn tại. Điện thoại di động phát triển rất nhanh làm cho điện thoại cố định mất số lượng lớn khách hàng. Các công ty điện thoại cố định cũng phải tự xoay sở tìm hướng phát triển mới trong lĩnh vực cáp quang, truyền hình. Sách giấy sẽ khó tránh số phận tương tự của các công nghệ đang dần đi vào quá khứ vì đó là một tất yếu của sự phát triển.
Sự ra đời của công nghệ màn hình có thể uốn cong hay các điện thoại thông minh và thân thiện sẽ ngày càng trở thành những công cụ không thể thiếu trong cuộc sống ngày thường. Tất nhiên, công nghệ cũ vẫn sử dụng như một hoài niệm liên quan đến những gì đẹp đẽ trong quá khứ. Nhưng thế hệ trẻ, lớn lên trong một môi trường khác sẽ khó chia sẻ được cảm xúc của thế hệ trước. Họ cũng sẽ không hiểu được tại sao lại tốn chỗ cho những cuốn sách cũ mèm bụi bặm trong nhà khi Google đã để sẵn cho họ một thư viện ảo chứa được hàng trăm ngàn cuốn sách, bất kỳ lúc nào cũng có thể đọc chỉ với vài giây tìm kiếm.
Nhưng trong thực tế, các tập quán và thói quen sử dụng sẽ không thay đổi nhanh chóng dễ dàng như thế. Các công nghệ mới luôn cần một khoảng thời gian nhất định để thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Thay đổi thói quen của đa số người dùng hoàn toàn không nhanh chóng dễ dàng, tuy nhiên xu thế áp dụng công nghệ mới là không thể đảo ngược.
XU THẾ TẤT YẾU
Đã qua rồi thời kỳ hoàng kim của sách in, khi người đọc phải xếp hàng để mua một quyển sách yêu thích hay truyền tay nhau một cuốn sách mượn được ở thư viện. Ngày nay, sách giấy đang mất dần ưu thế. Những hội chợ sách được diễn ra thường kỳ để tiếp cận gần hơn với khách hàng và trao đổi kinh nghiệm nhưng các nhà xuất bản vẫn không tránh khỏi tình trạng ngày càng khó khăn. Tình trạng kinh tế khó khăn chung cũng ảnh hưởng đến các nhà xuất bản. Do đó, để thu hút độc giả mua sách cũng là một trong những áp lực để nhà sách phải giảm giá nhằm tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, giảm giá cũng không phải là phương pháp tối ưu nhất bởi bên cạnh đó, nạn sách lậu cũng là một tác nhân đáng kể khiến các nhà xuất bản bị thất thu nặng.
Về doanh thu, sách điện tử đem lại giá trị lớn cho ngành xuất bản. Sự tiện lợi và tích hợp của sách điện tử cũng là một ưu thế của nó trong việc chinh phục thị trường. Hầu hết các thiết bị để đọc sách điện tử đều có chất lượng công nghệ cao, giúp người đọc cảm thấy hoàn toàn thoải mái, dễ chịu khi tiếp cận với loại sách phi truyền thống như thế. Thay vì mất hàng giờ đồng hồ đi đến hiệu sách hay thư viện để tìm kiếm, giờ đây người đọc chỉ cần click chuột và tài liệu cần tìm sẽ xuất hiện chỉ sau vài giây tìm kiếm, thậm chí màn hình cũng hiển thị kèm theo cả một danh sách những tài liệu có nội dung liên quan.
Không chỉ tiện lợi đối với người đọc, các tác giả cũng ngày càng hào hứng đối với phương thức xuất bản mới mẻ này. Cùng sự phát triển của ebook và mạng Internet, ngày càng có nhiều nhà văn đưa sản phẩm của mình lên mạng và thành danh qua sự công nhận của cộng đồng mạng. Beth Reeks - nhà văn nữ người New Zealand, người tự đăng tiểu thuyết đầu tay The Kissing Booth của mình lên trang mạng Wattpad, thu hút được 19triệu lượt xem trên mạng, đã được Nhà xuất bản Random House liên hệ in sách và được tạp chí Time đưa vào danh sách 15 người tuổi "teen" có ảnh hưởng nhất thế giới. Ở Việt Nam cũng đã có một số người viết thành công nhờ đưa tác phẩm của mình lên mạng. Thời kỳ trước đây, khi nhà văn và dịch giả chỉ có kênh duy nhất để đưa tác phẩm của mình đến với độc giả thông qua các nhà xuất bản, thậm chí dịch giả cũng như một người làm công ăn lương cho nhà xuất bản. Người ta rất khó đánh giá chất lượng các bản dịch do không có khả năng tiếp cận bản gốc và các tư liệu phân tích tác phẩm từ các nhà phê bình nước ngoài, và các từ điển cũng là những tài liệu quý hiếm. Ngày nay, mạng xã hội cho phép tất cả mọi người bình đẳng một cách tương đối về khả năng đưa thông tin của mình đến cộng đồng.
Tuy nhiên, sự phát triển của ebook và văn học mạng cũng đặt ra không ít câu hỏi cho người yêu sách nói chung, các tác giả và nhà xuất bản nói riêng. Do không qua các quy trình biên tập chuyên nghiệp nên không ít tác phẩm văn học mạng vẫn còn khá nhiều lỗi chính tả và đôi khi sử dụng một thứ ngôn ngữ không chuẩn mực hoặc có nội dung không phù hợp với văn hóa địa phương. Tuy nhiên, sự vô tư, bất vụ lợi của dòng văn học mạng được lan truyền miễn phí nhờ ebook lại đem văn học trở về thời kỳ vô tư của nó, khi viết là một nhu cầu tự thân, và thành công của một nhà văn sẽ được ghi nhận nhờ chính tác phẩm của họ chứ không phải vì tuyên truyền hay quảng cáo.
Sách điện tử không còn là chuyện xa lạ với người đọc và người viết. Số lượng người sử dụng phương thức mới mẻ này ngày càng tăng trong giới trẻ. Bên cạnh những tiện ích ngày càng phong phú, tốc độ tìm kiếm, truy cập nhanh thì giá thành của sách điện tử rẻ hơn khá nhiều so với sách in cũng là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển thể loại sách mới này.
Mùa hè năm nay, 2014, Amazon đã chính thức ra mắt dịch vụ đọc sách có tên Kindle Unlimited. Với dịch vụ này người dùng chỉ cần trả 9,99 USD mỗi tháng để được "đọc miễn phí bất kỳ cuốn sách nào trong hơn 600.000 cuốn của Kindle, bao gồm nhiều cuốn nổi tiếng như "The Hunger Games“ hay "Lord of the Rings“. Tất nhiên là 600.000 cuốn sách này cũng chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ số sách được bán trên Amazon. Trước đó, Oyster, Scribd và AllYouCanBooks đã có dịch vụ thuê bao theo tháng như vậy. Scribd có hơn 400.000 đầu sách cho dịch vụ thuê bao với giá 8,99 USD/tháng; Oysterbooks có 500.000 đầu sách với giá thuê bao 9,95 USD/ tháng.
Trước khi triển khai dịch vụ này, Amazon có chính sách thuê bao với dịch vụ nghe nhạc và xem video với Prime, đồng thời vẫn cho phép người dùng đăng ký dịch vụ cao cấp Prime để mượn sách mỗi tháng mà không tính thêm phí. Hãng phân tích Piper Jaffray dự đoán Amazon có thể kiếm được hơn 1 tỷ USD chỉ từ mảng sách điện tử. Họ cho rằng Amazon đang thử nghiệm Kindle Unlimited để xem liệu dịch vụ này có thể mang lại bao nhiêu lợi nhuận cho hãng, đồng thời là thách thức lớn với ngành xuất bản.
Amazon và nhiều hãng khác trong mảng truyền thông kỹ thuật số đang tìm cách tận dụng sự phổ biến của dịch vụ nội dung theo yêu cầu. Những hãng tiêu biểu theo đuổi mô hình này là các công ty trong lĩnh vực truyền hình và âm nhạc như Netflix, Hulu, Spotify, Pandora hay Grooveshark. Người dùng cũng ngày càng sẵn sàng trả tiền để đổi lấy những tiện ích mà các doanh nghiệp này đem lại. Các đối thủ lớn của Amazon trong mảng dịch vụ nội dung kỹ thuật số là Google và Apple. Tuy nhiên, Kindle Unlimited cũng sẽ được đưa lên kho ứng dụng cho iOS, Android và nhiều nền tảng khác.
Với những thành tựu công nghệ đang phát triển nhanh chóng một cách đáng kinh ngạc như hiện nay thì không khó hình dung một tương lai không xa khi sách in sẽ trở thành cổ vật như dự báo của Bill Gates.
SÁCH ĐIỆN TỬ VỚI THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
Ở Việt Nam, một số nhà xuất bản đang gặp khó khăn do lượng người mua ngày càng giảm. Thậm chí để duy trì hoạt động, một số nhà xuất bản phải trông chờ vào mùa sản xuất lịch cuối năm thay vì việc kinh doanh sách. Trong khi các nhà xuất bản lo lắng thì sách báo điện tử đang thể hiện tốc độ phát triển mạnh mẽ của mình. Số lượng người đọc sách điện tử tăng vọt. Theo thống kê tại thư viện quốc gia, số lượng bạn đọc yêu cầu về sách điện tử là 6.500 trong khi số lượng 2.000 từ sách truyền thống cho thấy xu thế phát triển của sách điện tử trong thời gian gần đây.
Trong bối cảnh sách giấy đang ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn, việc phát triển dòng sách điện tử là một cách làm đúng nhằm tạo ra một hướng đi mới, tiếp cận một thị trường mới mẻ nhiều tiềm năng. Có thể nhận thấy rằng, khi sách in đang trong cơn khủng hoảng, thì sách điện tử là một hướng đi mới có thể tạo nên sự thay đổi vượt bậc cho ngành xuất bản. Trong thời kỳ mới này, vai trò quan trọng nhất của các nhà xuất bản sẽ là công tác biên tập, trình bày, giới thiệu sách... Nhìn chung, vấn đề mà các nhà xuất bản cần duy trì là các quy trình đảm bảo chất lượng ấn phẩm phải tạo được sự khác biệt so với những gì một cá nhân có thể làm được. Nhưng để có được một đội ngũ biên tập viên có trình độ cao là việc thật sự không đơn giản, khi hiện nay ở Việt Nam một số nhà xuất bản vẫn đưa ra thị trường các tác phẩm chất lượng kém, với vô số lỗi, khó có thể chấp nhận được.
Thực tế là cho đến nay, số lượng nhà sách điện tử ở Việt Nam còn khá ít và cũng chỉ mới bắt đầu khởi động từ năm 2012. Mặc dù giá thành của sách điện tử là thấp chỉ khoảng một nửa hay một phần ba giá thành sách giấy nhưng đòi hỏi một số yêu cầu về thiết bị và kỹ năng nhất định về CNTT. Do chưa quen nên số lượng người chịu bỏ tiền ra mua sách điện tử không nhiều. Cũng do còn khá mới mẻ nên để có một quyển sách điện tử đòi hỏi một số thao tác, điều này khiến nhiều người đọc cảm thấy lúng túng, và có cảm giác sách điện tử không quen thuộc thân thiện như sách in truyền thống. Hiện nay, số lượng nhà sách điện tử không nhiều, nhưng sách điện tử đang tồn tại khá rộng rãi dưới nhiều hình thức và sẵn sàng chia sẻ miễn phí.
Đánh giá về sự phát triển của sách điện tử, nhiều nhà xuất bản cho rằng, đối với thị trường Việt Nam hiện nay, thị trường sách điện tử là khá nhỏ so với mảng sách in. Việc xuất bản sách điện tử vẫn còn một số rào cản, ví dụ như vấn đề thương thảo hợp đồng, bản quyền giữa đối tác giữ bản quyền và công ty phân phối sách đối với lĩnh vực nội dung số. Xu thế phát triển sách điện tử là một xu hướng chung của thế giới và thị trường Việt Nam cũng chuyển biến nhanh để hòa nhập với xu thế này. Tuy nhiên, khi các quy định cơ sở pháp lý còn thiếu, vấn đề bản quyền vẫn còn lúng túng thì sự phát triển còn rất nhiều thách thức. Bên cạnh đó, do chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn nên sách điện tử tuy có giá rẻ nhưng những thiết bị phụ kiện điện tử nền tảng cho sách lại có giá thành không thấp cũng là bài toán khó. Có thể nói rằng ở thị trường Việt Nam hiện nay, sách điện tử vẫn đang trong giai đoạn hình thành và phát triển.
Dù sách giấy đang giảm số lượng phát hành nhưng nó vẫn chiếm ưu thế hơn sách điện tử. Số lượng độc giả Việt Nam quan tâm đến sách giấy vẫn còn nhiều. Theo các độc giả này thì sách điện tử sẽ phát triển theo sự phát triển chung của công nghệ thông tin nhưng điều đó không có nghĩa là thay thế hoàn toàn sách giấy bởi với xu thế "sống chậm“, sách giấy vẫn tồn tại như một quy luật tự nhiên. Trong tương lai, song song với sách điện tử, sách giấy vẫn được in ra như các sản phẩm mang đặc tính lưu giữ truyền thống. Như vậy, sách giấy vẫn tồn tại và ít nhiều mang tính "cổ vật“, hay hoài cổ.
Bên cạnh đó, các nhà xuất bản, bạn đọc và các tác giả cũng nhận biết rằng sách điện tử là một xu thế mang tính thời đại, nhưng nếu sự quản lý không chặt chẽ thì sẽ vẫn tạo ra những kẽ hở như tình trạng sách lậu, sao chép tự do, thoải mái... Để giải quyết tình trạng sách điện tử lậu, nhiều nhà xuất bản đang và sẽ hạ giá thành xuống mức thấp nhất để độc giả được đọc sách điện tử thật chứ không phải đọc sách lậu trên mạng. Bên cạnh đó, cũng cần phải tạo ra một văn hóa đọc sách điện tử phù hợp như chỉ đọc sách điện tử đúng nguồn, không nên đọc sách lậu. đối với cộng đồng bạn đọc đông đảo.
Mặt khác, một vấn đề cần hết sức lưu tâm là không nên chủ quan cho rằng do đặc thù ngôn ngữ mà các công ty toàn cầu sẽ không thể thâm nhập thị trường sách Việt Nam. Internet đang tạo nên thế giới phẳng, sân chơi phẳng. Thực tế là Facebook, Google. đã trở nên quen thuộc với người Việt, điều này đã khiến các trang mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm nội địa thua ngay trên sân nhà. Nếu không chủ động thích nghi và tìm cách phát triển, rất có thể một ngày nào đó, các nhà xuất bản Việt Nam sẽ phải ngậm ngùi trước việc một công ty toàn cầu nào đó chiếm thị phần đa số trong thị trường sách Việt Nam. Nếu các nhà xuất bản không có được đội ngũ biên tập giỏi, có kiến thức sâu rộng, làm chủ được công nghệ hiện đại, thì chẳng có lý do gì để tác giả đưa tác phẩm của mình cho nhà xuất bản. Thay vì thế, tác giả sẽ chủ động đưa thẳng sách lên bán trên mạng và người đọc, đặc biệt là giới trẻ, cũng sẽ nhanh chóng tiếp cận với hình thức mới mẻ này như đã tiếp cận với Facebook hay Google. Môi trường toàn cầu hóa và những công nghệ mới đang tạo nên những thách thức mới và cũng là cơ hội mới cho sự phát triển của thị trường sách Việt Nam.
(Nguồn tham khảo: wikipedia.org; amazon. com; scribd.com; oysterbooks.com; vnexpress.net; vietnamnet.vn; tuoitre.vn; nguoiduatin.vn.)
Quý Minh
(TC TTTT Kỳ 2/12/2014)