Sách giấy và sách điện tử, sự lựa chọn nào cho tương lai?

Phượng| 13/12/2022 14:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Từ khi có máy đọc sách, nhiều người cho rằng thời đại của sách giấy đã hết, sách điện tử lên ngôi. Tương tự như báo giấy và báo điện tử. Nhưng có vẻ sự so sánh không đúng lắm vì đọc báo và đọc sách, đều là đọc con chữ, nhưng lại khác nhau về bản chất.

Sách giấy và sách điện tử hỗ trợ người đọc ở hai không gian khác nhau

Didu, một tài khoản trên mạng xã hội Việt Nam, một người đọc có tủ sách giấy khổng lồ chuyển sang máy đọc sách Kindle vì không còn chỗ trữ sách giấy, đã khơi một cuộc thảo luận về đọc sách giấy hay máy đọc sách. Bản thân Didu tự thống kê ra ưu/nhược điểm của hai cách đọc:

Đọc sách giấy: 1.Ngầu hơn (cảnh tượng nhàm chán hiện nay là đi đâu đâu cũng thấy những người xung quanh cắm mặt vào smartphone, ngoài những lúc cần dùng smartphone vì công việc thì hầu hết đều lướt facebook, xem clip, hóng biến. Bạn sẽ khác với xã hội và trông rất văn minh khi đọc sách giấy). 2. Hấp thụ kiến thức tốt hơn. 3. Giữ cho đôi mắt của bạn khỏe mạnh. 4. Dễ dàng lưu trữ và tra cứu thông tin. 5. Hãy mua sách giấy vì bản quyền.

Trải nghiệm khi đọc Ebook bằng Kindle: 

1.Thuận tiện, có thể đọc bất cứ sách gì ở bất cứ đâu. 2. Màn hình E-Ink và đèn nền (không có ánh sáng xanh nên không hề lóa hay hại mắt). 3. Pin cả tháng không phải cắm sạc. 4. Từ điển, tra cứu thông tin thuận tiện. 

 Cuộc điều tra nhỏ về thói quen đọc sách của didu đã thu về nhiều ý kiến. 

Một số ý kiến tiêu biểu: Trịnh Văn: Mình vẫn thích đọc sách giấy hơn. Cái mùi giấy mới nó kích thích lắm/ Bmd_duc: Mình cũng thích sách giấy. Vì nó không đơn giản chỉ là đọc sách mà nó còn đem lại một cảm giác hoài niệm về tuổi thơ. Cái thời thỉnh thoảng mới được mua 1 cuốn hay mượn được bạn để đọc. Chứ con mọt sách như mình đã mua cả máy đọc sách,điện thoại, tablet và đều đánh giá không sướng bằng đọc sách giấy. Giờ đi làm rồi muốn mua quyển nào là mua được, tuy nhiên lại không thể mang vác đi tin lợi như máy đọc sách được, tuy vậy vẫn thích hơn./ Zz Capuchino: Cầm quyển sách, ngồi lật từng trang nghe xẹt xẹt, rồi cái mùi giấy nữa, nó làm mình có hứng thú hơn là cầm cái máy đọc, mà riêng mình thấy đỡ mỏi mắt hơn nữa./ sskkb: Mình đọc sách giấy, vì các lý do:- không bao giờ hết pin/ cảm giác cầm sách và lật trang thích hơn/ nhiều người có thể đồng thời đọc nhiều cuốn sách/ quăng quật thoải mái/ mất không tiếc (với những cuốn dễ kiếm)/ với sách dùng cho học tập và công việc thì việc ghi chú thẳng vào sách giấy với mình là thuận tiện hơn trên máy/ cảm giác thích thú nhìn bộ sưu tập sách cũ thì không có cái máy đọc sách nào sách bằng./ Songoku-1206: Quý hay không nằm ở nội dung, giá trị cuốn sách chứ không nằm ở chất liệu. Mình tự tin thuộc top đọc nhiều sách (năm ngoái mình đọc gần 70 cuốn, một phần do yêu cầu công việc phải đọc nhiều), trong số đó thì 3/4 là đọc trên Kindle. Đọc cuốn nào mình take note, vẽ mindmap đàng hoàng, phân thư mục rõ ràng, lúc nào cũng có thể tra cứu theo highlight/chỉ mục rất thuận tiện chứ không phải ngồi lật từng trang./Opera Voz: Sách giấy. Cầm cuốn sách lên đã thấy vui rồi. Sách giấy cho người ta cảm giác sở hữu nhiều hơn. Lắm khi chưa đọc, nhìn tủ sách đã thấy vui./Unsigup: Đọc sách giấy cái cảm giác lật từng trang sách và mùi giấy nó khác lắm bạn ạ. Hơn nữa mỗi cuốn sách như một kỷ niệm, đôi khi lấy ra xem lại để hoài niệm. Máy đọc được cái tiện lợi, đi đâu cầm đi cũng có cả kho sách. Mình vẫn thích sách giấy hơn./KenVinh: Sách nào mình thích sẽ mua sách về đọc, còn đọc để lấy thông tin làm việc hay gì đó thì dugf ebook. Sách giấy làm mình có cảm giác trân trọng, giữ gìn, bởi vậy quyển nào của mình cũng còn mới, ngược lại sách điện tử đọc xong là vứt xó nào không nhớ vì hết giá trị. 

Sách không chỉ có nội dung mà còn mang theo tình cảm và thói quen của người đọc. Những người yêu thích đọc sách thường gắn bó với các cuốn sách của mình. Một cuốn sách giấy là vật hữu hình, mang lại cảm giác sở hữu cho người chủ của nó.Nhiều cuốn sách cũng mang trị tình cảm khi là món quà từ bạn bè, gia đình hay những cuốn sách được lưu truyền từ thế hệ trước. Sách điện tử không gợi lên được những cảm xúc như vậy. Nhiều người còn bị cảm giác không tập trung khi đọc sách điện tử. Có người đọc sách giấy như một cách để thoát khỏi màn hình máy tính mà họ đã phải dán mắt làm việc suốt ngày.

Các hội chợ sách cũ vẫn luôn thu hút bạn đọc

Các hội chợ sách cũ vẫn luôn thu hút bạn đọc

Nhiều người yêu thích sách giấy còn có thêm một cảm giác hào hứng là tham gia những hội chợ sách giảm giá để tiết kiệm chi phí đọc sách. Tại hội chợ sách vừa kết thúc ở Hà Nội hôm 11/12/2022, có bạn đọc mua hơn 130 quyển sách.

Bộ não người thích sách giấy hay sách điện tử?

Ít nhất kể từ thập niên 1980, các nhà nghiên cứu tâm lí học, kĩ thuật máy tính, và khoa học thư viện và thông tin đã công bố hơn 100 nghiên cứu khám phá những khác biệt ở cách đọc trên sách giấy và cách đọc trên màn hình. Trước năm 1992, hầu hết các thí nghiệm đều kết luận rằng khi người ta đọc truyện và đọc báo ở màn hình thì họ đọc chậm hơn và ghi nhớ thông tin ít hơn. Tuy vậy, khi độ phân giải của màn hình của tất cả các loại thiết bị trở nên sắc nét hơn, văn bản số đang trở nên ngày càng phổ biến hơn. Ở Mĩ, e-book hiện nay chiếm hơn 20% tổng số sách được bán cho công chúng.

Ngoài vấn đề tâm lý đọc sách, thì chọn sách giấy hay sách điện tử còn có lý do thuộc về sinh lý con người. Nhiều thí nghiệm chỉ ra rằng các thiết bị số ngăn người ta định vị những đoạn văn bản dài một cách hiệu quả, điều này có thể làm ngăn trở chút ít trong việc đọc hiểu.So với giấy, màn hình cũng có thể làm cạn kiệt nguồn tài nguyên trí óc của chúng ta trong lúc đọc và làm ta khó ghi nhớ hơn những gì mình đọc được sau khi đọc xong. Người ta vẫn thường tiếp cận máy tính và máy tính bảng với tinh thần ít hướng đến chuyện học hơn so với lúc tiếp cận sách giấy. Máy đọc sách không tái dựng được một số trải nghiệm theo cảm giác có được lúc đọc sách giấy, một số người thấy bất an khi thiếu vắng những cảm nghiệm đó.

Nhà khoa học thần kinh tri nhận Maryanne Wolf thuộc trường Tufs University cho rằng:"Có tính nhục thể (physicality) trong chuyện đọc, có lẽ còn hơn điều ta muốn nghĩ về khi ta loạng choạng bắt đầu việc đọc theo công nghệ số - khi chúng ta tiến về trước mà có lẽ ngẫm nghĩ quá ít".

Đọc liên quan đến cách não bộ con người diễn giải ngôn ngữ. Mặc dù các mẫu tự và từ ngữ là những biểu tượng đại diện cho âm thanh và ý tưởng, nhưng bộ não cũng xem chúng như những đối tượng vật chất. Trong cuốn sách Proust and the Squid,  Wolf giải thích những hệ thống mạch não bộ của chúng ta bẩm sinh không dành cho việc đọc. Trong lịch sử tiến hóa hàng triệu năm của loài người, chữ viết mới được sáng chế khoảng 5 ngàn năm trước. Do vậy ở thời ấu thơ, bộ não tự chế ra một loại mạch não bộ mới hoàn toàn dành cho việc đọc, bằng cách đan kết lại nhiều dải mô thần kinh khác nhau vốn được dùng cho những khả năng khác, như nói, phối hợp vận động và thị giác. Khi chúng ta học cách đọc và viết, chúng ta bắt đầu nhận dạng các mẫu tự bằng những sắp xếp đặc thù của các đường nét, đường cong và những khoảng trống - một quá trình học theo cảm giác cần đến cả mắt lẫn bàn tay. 

Nhiều người vẫn giữ thói quen đọc sách giấy

Nhiều người vẫn giữ thói quen đọc sách giấy

Trong nghiên cứu gần đây của Karin James ở trường Indiana University Bloomington, những mạch não bộ dùng cho việc đọc của trẻ năm tuổi hoạt động liên tục lúc chúng dùng tay tập viết các mẫu tự nhưng không phải lúc dùng bàn phím gõ các mẫu tự. Và khi người ta đọc chữ thảo hoặc các kí tự phức tạp, chẳng hạn chữ kanji của Nhật, thì bộ não quả thực có trải qua xuyên suốt những loại hoạt động của việc viết, cho dù bàn tay trống trơn.

Ngoài việc xem những mẫu tự riêng lẻ như những đối tượng vật chất, bộ não con người còn tri giác văn bản theo một khối toàn thể như một loại phong cảnh vật lí vậy. Khi đọc, ta tạo dựng văn bản đó thành một biểu tượng trong trí óc. Trong hầu hết trường hợp, sách giấy thể hiện được những chi tiết địa hình hiển nhiên hơn văn bản trên màn hình. 

Mặc dù máy đọc sách và máy tính bảng mô phỏng được việc phân trang, nhưng những trang sách hiện ra lại quá phù du. Một khi đọc xong, những trang sách đó biến mất."Cảm giác ngầm ẩn về chỗ bạn đang dừng trong một quyển sách vật chất là cảm giác quan trọng hơn chúng ta nghĩ,"theo Abigail J. Sellen thuộc trung tâm Microsoft Research Cambridge ở Anh, "Tôi không nghĩ các nhà sản xuất e-book đã suy nghĩ tường tận về cách bạn có thể hình dung ra chỗ bạn dừng trong cuốn sách."

Ít nhất có vài nghiên cứu cho thấy rằng màn hình thỉnh thoảng làm suy yếu khả năng lĩnh hội chính xác vì chúng làm hỏng đi cảm giác của người ta về vị trí trong văn bản.  Ví dụ nghiên cứu hồi tháng Một năm 2013 của Anne Mangen, thuộc trường University of Stavanger ở Norway và những đồng nghiệp, với 72 học sinh lớp 10. Mangen nói: khi đọc sách giấy, bạn có nhiều khoảng trống hơn cho việc lĩnh hội.

Những nhà nghiên cứu khác đồng ý rằng việc đọc trên màn hình có thể làm ta khó lĩnh hội thông tin hơn bởi vì nó đòi hỏi nỗ lực trí óc nhiều hơn và thậm chí làm thể chất mệt mỏi hơn nhiều so với việc đọc trên giấy.Trong một thí nghiệm của Erik Wästlund, khi đó thuộc trường Đại học Karlstad ở Thuỵ Điển, thì những người nào làm bài kiểm tra đọc hiểu trên màn hình máy tính sẽ đạt điểm thấp hơn và có mức độ căng thẳng và mệt mỏi cao hơn những người làm trên giấy.Giống như những năng lực tri nhận khác, trí nhớ vận hành là nguồn tài nguyên hữu hạn sẽ cạn dần trong lúc sử dụng.Một nghiên cứu năm 2004 tiến hành ở trường University of Central Florida cũng đi tới những kết luận tương tự.

Khi đọc trên màn hình, người ta dường như ít có xu hướng tham gia vào cái mà các nhà tâm lí học gọi là sự điều tiết siêu tri nhận về việc học (metacognitive learning regulation) - thiết lập những mục tiêu cụ thể, đọc lại những phần khó và kiểm tra xem ta đã hiểu được bao nhiêu trong lúc học. Thậm chí những độc giả của màn hình không thể nhớ nhiều thông tin hơn khi về lâu về dài.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhiều người đọc sách Việt Nam, khi tham gia vào cuộc tranh luận lựa chọn giữa sách giấy và máy đọc sách, dù chỉ nói lên cảm nhận chủ quan của mình khi sử dụng hai loại sách giấy và điện tử, cũng phần nào lý giải được sự tồn tại của sách giấy giữa thời đại công nghệ số bùng nổ./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sách giấy và sách điện tử, sự lựa chọn nào cho tương lai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO