Là một trong những nhà xuất bản hàng đầu với bề dày kinh nghiệm về sách cho thanh thiếu nhi, Nhà xuất bản Kim Đồng không chỉ luôn tìm tòi, sáng tạo để mang đến những cuốn sách mới cho bạn đọc trong nước, mà còn nỗ lực đẩy mạnh việc quảng bá và bán bản quyền sách Việt Nam ra thế giới. Đi cùng với những kết quả đạt được, toàn ngành cũng đứng trước nhiều thách thức và cơ hội mới, khi năm 2020 được coi là năm khởi động của quá trình chuyển đổi số hướng đến một "Việt Nam số".
Từ 8 cuốn sách ban đầu...
Thành lập ngày 17/6/1957, chỉ hai tháng sau, tám cuốn sách đầu tiên mang "thương hiệu" Kim Đồng đã được ra mắt bạn đọc. Cũng chính tám cuốn sách ấy đã định hình thể loại và hình thức sách cho ba mảng chính của sách Kim Đồng lúc bấy giờ: "sinh hoạt", "lịch sử, truyền thống" và "khoa học".
Bìa của tám cuốn sách đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng (An Dương Vương xây thành Ốc; Em thích em yêu; Con chim vàng; Ông thần núi; Tính ác; Lớp học của anh Bồ Câu Trắng; Cá giấy biết bơi, Trên những tinh cầu khác có sinh vật không)
Từ đây, Nhà xuất bản Kim Đồng chính thức bước vào quá trình xuất bản sách cho thiếu nhi với phương châm "Không chỉ chú trọng nội dung phong phú, mà còn đặc biệt quan tâm đến hình thức thể hiện để làm sao, những cuốn sách đến tay bạn đọc nhỏ tuổi vừa Hay, vừa Đẹp".
Đã hơn 60 năm, Nhà xuất bản Kim Đồng giờ là một đơn vị lớn mạnh với hơn 200 cán bộ nhân viên, lượng sách xuất bản hằng năm lên tới hàng trăm bản sách với hơn 15 triệu bản in hiện diện ở hàng chục tủ sách khác nhau. Nổi bật nhất phải kể đến Tủ sách Vàng gồm những tác phẩm văn học của nhiều thế hệ tác giả Việt Nam, tủ sách Tranh truyện Dân gian Việt Nam với hơn 100 đầu sách, Tủ sách Tác phẩm đoạt giải gồm các tác phẩm trong nước và quốc tế đoạt các giải thưởng sách, các cuộc vận động sáng tác. Ngoài ra, phải kể đến tủ sách Khám phá, Nghệ thuật, Kiến thức, Danh nhân... đều là những tủ sách được tìm đọc nhiều.
Nhiều cuốn sách Kim Đồng đã gắn bó với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam và trong nhiều năm, sách Kim Đồng luôn có mặt trong các giải thưởng Sách Hay, sách Đẹp; gần đây là giải thưởng Sách Quốc gia do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.
Các phiên bản sách Dế mèn phiêu lưu kýcủa tác giả Tô Hoài qua minh họa của các họa sĩ Trương Qua và Tạ Huy Long
Thử nghiệm và sáng tạo...
Nếu như đầu những năm 90 của thế kỉ trước, thế hệ bạn đọc 8x, 9x bắt đầu được làm quen và yêu thích các bộ sách tranh truyện như Doraemon, Conan... thì đến đầu những năm 2000, bạn đọc trẻ bắt đầu được tiếp cận với những bộ sách kiến thức đồ sộ, các cuốn Bách khoa tri thức với hình ảnh đẹp, sách văn học, và đón nhận rất nhiều tác phẩm của các tác giả nước ngoài đương đại đến từ nhiều quốc gia.
Khi mạng xã hội xuất hiện và độ tuổi của người dùng mạng xã hội ngày một trẻ, cũng là lúc có sự thay đổi rõ rệt về hình thức sách: hình ảnh xuất hiện nhiều hơn! Nhiều đề tài và nội dung trước kia vốn được đóng khung trong hình thức "văn bản", nay đã được thử nghiệm và sáng tạo với các hình thức thể hiện mới, nổi bật là các tác phẩm Lĩnh Nam chích quái, Dế mèn phiêu lưu ký phiên bản truyện tranh với phần minh họa và chuyển thể của họa sĩ Tạ Huy Long.
Tác phẩm văn học trung đại được bổ sung nhiều minh họa mang hơi thở mới của họa sĩ Tạ Huy Long. Trang minh họa Truyện dưa hấu trong sách.
Ở mảng truyện dân gian, Thiện Ác và Cổ tích lại đưa ra cách tiếp cận mới. Những câu chuyện cổ tích dân gian vốn quen thuộc nay được hai tuyến nhân vật đối lập vốn được mặc định là hai phe Thiện và Ác kể lại với rất nhiều phát hiện độc đáo và thú vị.
Bìa cuốn sách Thiện Ác và cổ tích của tác giả Thủy Nguyên, với sự tham gia của 16 họa sĩ.
Minh họa truyện Hồn Trương Ba da Hàng Thịt của họa sĩ Khoa Lê.
Bộ sách Câu chuyện dòng sông là những cuộc hành hương về những dòng sông nguồn mạch gắn bó với sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt, từ đó thấy được vai trò quan trọng của sông nước.
Phố cổ Hà Nội - Kí họa và hồi ức lại là một tập hơn hơn 200 bức kí họa bằng nhiều chất liệu và những bài viết tràn đầy cảm xúc về phố cổ Hà Nội trong dòng chảy thời gian, gắn với những nét đẹp văn hóa, lịch sử và quá trình đô thị hóa. Hình thức sách song ngữ Việt Anh cũng là một lợi thế để cuốn sách được bạn đọc nước ngoài tìm đọc.
Bìa cuốn Phố cổ Hà Nội - Kí họa và hồi ức
Bộ sách Miền Trung lại là dự án tập hợp minh họa các nét văn hóa đặc trưng tại 15 tỉnh và thành phố ở miền Trung do những họa sĩ trẻ thực hiện.
Và bước ra thế giới
Việc tham gia các hội sách quốc tế trong khu vực và trên thế giới đã dần trở thành hoạt động định kì của nhiều đơn vị xuất bản trong nước. Mới chỉ vài năm trước, hầu hết các đơn vị đến hội chợ sách quốc tế với tâm thế là khách tham quan, chủ yếu đi xem và tìm mua bản quyền nước ngoài.
Song từ ba năm trở lại đây, UBND TP Hà Nội đã chính thức có một gian hàng sách với diện tích trên dưới 100m2 tại một trong những hội sách lớn nhất thế giới - Hội sách Frankfurt. Gian hàng đã trở thành nơi quy tụ những cuốn sách tiêu biểu của hầu hết các đơn vị làm sách lớn trong nước. Đây thực sự là một thuận lợi đối với các đơn vị xuất bản trong nước mong muốn quảng bá và giới thiệu sách của Việt Nam với độc giả nước ngoài.
Với mạng lưới giao dịch rộng và cơ hội được có mặt tại nhiều hội sách quốc tế trong khu vực như Hội sách Đài Bắc, Chiang Mai, Seoul, Bangkok đến các hội sách quốc tế lớn như Frankfurt, Bologna, Havana... Nhà xuất bản Kim Đồng đã bán bản quyền được nhiều đầu sách ở nhiều chủ đề ra nước ngoài.
Cuốn sách được chuyển nhượng bản quyền ra tiếng nước ngoài nhiều nhất chính là cuốn Dế mèn phiêu lưu ký. Trước đây, cuốn sách đã có phiên bản tiếng Nga, tiếng Đức và từ sau năm 2000, Dế mèn phiêu lưu ký đã được bán bản quyền tới các nước: Thụy Điển, Nhật Bản, Campuchia, Hàn Quốc, Italy, Trung Quốc. Phí bản quyền thay đổi tùy theo từng nước, trong đó mức phí trung bình là khoảng 20 triệu đồng một hợp đồng. Tại Campuchia, cuốn sách được tái bản thường xuyên còn tại Trung Quốc, cuốn sách đã được in lần thứ hai.
Hai phiên bản tiếng Trung và tiếng Campuchia của cuốn Dế mèn phiêu lưu ký của tác giả Tô Hoài.
Bộ Truyện đồng thoại Tô Hoài cũng được một nhà xuất bản tại Trung Quốc mua bản quyền và xuất bản gần đây.
Một loạt các tựa sách Tranh truyện dân gian Việt Nam cũng được các nhà xuất bản của Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan mua bản quyền với mức phí bản quyền giao động từ 5-8 triệu đồng cho một tác phẩm.
Các ấn bản tiếng Hàn Quốc của các truyện (từ trái qua): Tìm mẹ - phiên bản truyện văn học, Ai mua hành tôi, Sự tích trầu cau, Cây nêu ngày Tết, Tìm mẹ- phiên bản truyện tranh
Các ấn bản sách Đài loan của các truyện (từ trái qua): Tấm Cám, Sơn Tinh Thủy Tinh, Sự tích con dã tràng, Tìm mẹ.
Hai cuốn sách Sự tích cái chổi và Sự tích chú cuội cung trăng được Bảo tàng Văn học Quốc gia Đài Loan mua bản quyền và trưng bày trong bảo tàng.
Phiên bản các cuốn sách được xuất bản tại Mỹ
Không chỉ dừng ở mảng đề tài kinh điển, dân gian, gần đây nhà xuất bản Kim Đồng đã bán bản quyền thành công một số tựa sách mới như: Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em cho đối tác Philippines, Lược sử nước Việt bằng Tranh cho đối tác Hàn Quốc, Truyện cổ tích dành cho lứa tuổi nhi đồng cho đối tác tại Singapore để xuất bản bằng tiếng Anh trên toàn bộ khu vực Đông Á. Phần minh họa của cuốn Cổ tích Thế giới bằng thơ của Lá Studio cũng được một nhà xuất bản ở Bỉ mua bản quyền và phát hành tại Châu Âu.
Còn rất nhiều những cuốn sách khác đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà xuất bản nước ngoài bởi nội dung tốt và hình thức sách lạ, đẹp. Cuốn sách artbook gần nhất Chang hoang dã - Gấu được xuất bản vào đầu tháng 3/2020 của nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn với phần minh họa của họa sĩ Jeet Zdung đã ngay lập tức được một số đơn vị xuất bản nước ngoài hỏi xin thông tin để thẩm định.
Hành trình đầu tiên - của hai tác giả Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liênvới những hình ảnh minh họa đặc sắc về vùng đồng bằng sông Cửu Long tươi đẹp đã đoạt giải cao nhất trong một cuộc thi quốc tế.
Cuốn sách Đường về nhà lại lấy bối cảnh Tây Nguyên của hai tác giả Phạm Quang Phúc và Trang Hoàng cũng là một câu chuyện có cách kể hấp dẫn.
Cả hai cuốn sách đều được xuất bản ở nước ngoài, trước trước khi được xuất bản tại Việt Nam.
Những thách thức
Có thể thấy, số lượng đầu sách và giá trị thương mại của việc bán bản quyền ra nước ngoài vẫn còn rất khiêm tốn so với số đầu sách xuất bản trong nước hằng năm. Việc tìm kiếm, lựa chọn và mang sách đến các hội chợ sách quốc tế đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị. Các đối tác không chỉ quan tâm đến hình thức (tranh minh hoạ...) mà họ cần hiểu rõ nội dung, vì vậy cần phải chuẩn bị bản dịch hoặc bản tóm tắt giới thiệu nội dung bằng tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh). Thời gian gặp gỡ tại hội sách cũng rất ngắn nên việc tiếp tục trao đổi tiếp theo cũng cần được chú trọng.
Hiện tại các sách được bán bản quyền của nhà xuất bản Kim Đồng ra nước ngoài hướng đến hai đối tượng: những người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài và các độc giả quốc tế. Với đối tượng thứ nhất, sách được lựa chọn thường có yếu tố văn hoá, lịch sử truyền thống dân gian. Đối với bạn đọc quốc tế thì sự lựa chọn có lẽ đa dạng hơn và thường gắn với những chủ đề đương đại, về đời sống sinh hoạt hoặc những đề tài có điểm chung với các vấn đề mà bạn đọc ở đất nước nào cũng quan tâm, ví dụ như đề tài về bảo vệ môi trường, chống xâm hại trẻ em v.v...
Sách e-book tiếng Anh cũng là mảng sách nhà xuất bản Kim Đồng hướng tới với mong muốn trong tương lai bạn đọc ở khắp nơi có thể tìm mua bản e-book trên các trang thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Nhà xuất bản Kim Đồng vẫn đang từng bước đẩy mạnh việc quảng bá và giới thiệu sách Việt Nam tại các hội chợ sách quốc tế bằng cách chuẩn bị bản dịch của các tác phẩm văn học, tranh truyện Việt Nam. Hi vọng rằng, cùng với tài năng của các tác giả và họa sĩ Việt Nam, với nỗ lực của nhà xuất bản, những cuốn sách của Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều hơn trên giá sách của bạn đọc ở khắp nơi trên thế giới.
(Bài viết từ ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4/2020)