Sách và cuộc sống

AI mang lại động lực, thách thức nào cho ngành xuất bản?

TS. Nguyễn Thị Vũ Hoài 27/04/2025 14:13

AI đang thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và đang mang lại những thay đổi chưa từng có cho ngành xuất bản.

ai-va-xuat-ban.jpg

Trong những năm gần đây, nhiều hội thảo, triển lãm, hội chợ trên thế giới được tổ chức thường niên, xoay quanh sự phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngành xuất bản, tiêu biểu như Hội chợ sách Frankfurt (Đức) - sự kiện văn hóa xuất bản lớn nhất thế giới với sự tham gia của nhiều quốc gia, Triển lãm Xuất bản Kỹ thuật số Quốc tế Trung Quốc, Hội nghị và Triển lãm Giải trí Kỹ thuật số ChinaJoy (Trung Quốc) - sự kiện quốc tế toàn diện về ngành giải trí kỹ thuật số do nhiều đơn vị đồng tổ chức như Cục Quản lý Xuất bản và Báo chí Quốc gia, Hiệp hội Xuất bản Kỹ thuật số và Âm thanh Trung Quốc,…

Tại Triển lãm Xuất bản Kỹ thuật số Quốc tế lần thứ 14 tổ chức tại Trung Quốc (tháng 9/2024), chủ đề được nhấn mạnh nhất chính là tác động của AI đối với ngành xuất bản. Các chuyên gia cho rằng việc ứng dụng AI sẽ giảm chi phí xuất bản sách giấy và tăng chu kỳ xuất bản, đồng thời xuất bản kỹ thuật số với sự hỗ trợ của AI có thể thúc đẩy các điểm tăng trưởng kinh tế mới trong ngành xuất bản truyền thống.

Đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mà AI mang lại cho ngành xuất bản, việc sử dụng công nghệ AI sẽ tăng thêm động lực phát triển cho ngành xuất bản.

AI nâng cao hiệu quả và rút ngắn chu kỳ xuất bản

Theo truyền thống của ngành xuất bản, việc xuất bản sách, báo, tạp chí, tài liệu... đòi hỏi nhiều công sức và thời gian để thực hiện các công đoạn như: sửa lỗi chính tả, chỉnh định dạng, tìm từ khoá liên quan, kiểm tra thông tin tác giả,... Đây là những công đoạn mang tính chất thủ công đòi hỏi nhiều công sức, đồng thời trong quá trình làm việc con người có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường, tâm lý, sức khỏe dẫn đến hiệu suất làm việc chưa cao.

Với sự ra đời của AI, những công việc này trở nên đơn giản hơn. Các ứng dụng AI có thể tự động sửa lỗi chính tả, định dạng văn bản, tìm kiếm thông tin và lọc dữ liệu một cách chính xác. Ngoài ra, AI còn có thể tự động dịch văn bản sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, giúp cho các tác phẩm được xuất bản và phân phối trên toàn cầu. ChatGPT cũng hỗ trợ người đọc tìm kiếm thông tin liên quan đến sách báo, cập nhật tác phẩm mới, quản lý hàng tồn kho,…

Như vậy, một khi đưa công nghệ AI áp dụng vào trong toàn bộ quy trình của ngành xuất bản, chất lượng và hiệu quả sản xuất trong ngành xuất bản sẽ được cải thiện toàn diện. Việc ứng dụng công nghệ AI giúp giảm khối lượng công việc của các biên tập viên (BTV), giảm chi phí xuất bản và nâng cao hiệu quả xuất bản. Đặc biệt, thời gian xuất bản được rút ngắn đáng kể nhờ sự trợ giúp của AI.

Năm 2019, nhà xuất bản (NXB) khoa học hàng đầu thế giới Springer Nature đã phát hành cuốn sách đầu tiên được tạo ra bằng AI có tên gọi “Lithium-Ion Batteries: A Machine-Generated Summary of Current Research” (Tạm dịch: "Pin Lithium-Ion: Bản tóm tắt nghiên cứu đến hiện tại do máy móc tạo ra"). Theo thống kê của NXB Springer Nature, chỉ trong 3 năm (2017 - 2019), hơn 53.000 tài liệu nghiên cứu về pin lithium-ion được công bố.

Đây rõ ràng là một thách thức khó khăn đối với các nhà khoa học đang cố gắng bắt kịp trong lĩnh vực này. Nhưng với sự trợ giúp của tính năng quét và tóm tắt tự động của AI, cuốn sách về các nghiên cứu khoa học liên quan đến pin lithium-ion được biên tập và xuất bản một cách nhanh chóng. Đồng thời, cách tiếp cận này cho phép người đọc đẩy nhanh quá trình tiếp thu tài liệu cụ thể về một lĩnh vực nghiên cứu mà không cần phải xem qua hàng nghìn bài báo đã được xuất bản. Nếu muốn tìm hiểu sâu về chủ đề được tóm tắt, người đọc có thể tìm theo đường dẫn (link) nguồn bài viết trong cuốn sách.

Đến nay, trong cửa hàng Kindle của Amazon hiện có hàng trăm cuốn sách điện tử được viết bởi ChapGPT và con số này không ngừng gia tăng. Điều đó chứng tỏ AI đang ngày một thâm nhập sâu hơn và đem lại nhiều lợi ích cho ngành xuất bản, trong đó có rút ngắn chu kỳ xuất bản.

Để giảm khối lượng công việc của các BTV, nâng cao hiệu quả xuất bản và giảm chi phí xuất bản, nhiều tổ chức xuất bản đã tận dụng sức mạnh của AI và cố gắng áp dụng các mô hình lớn AI để lập kế hoạch chủ đề, biên tập, hiệu đính và thiết kế nghệ thuật. Nhờ sự giúp sức của AI mà ngành xuất bản số trên thế giới có thể đẩy nhanh chu kỳ xuất bản, tăng hiệu quả kinh tế và đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.

AI đáp ứng nhu cầu truyền thông đa dạng

Để bắt kịp xu thế thời đại, AI đang là động lực lớn để đáp ứng nhu cầu truyền thông đa dạng cho ngành xuất bản. Tại các kỳ triển lãm kỹ thuật số trên thế giới gần đây, nhiều NXB bày tỏ mong muốn này và cũng giới thiệu những khám phá thành công của họ với sự trợ giúp của công nghệ AI.

Nhiều NXB một mặt tiến hành xuất bản đa kênh, tức là tận dụng sự phát triển của các nền tảng truyền thông kỹ thuật số để phát triển nội dung trên nhiều kênh khác nhau như website, ứng dụng di động, podcast, video, các mạng xã hội, tạo ra một hệ sinh thái nội dung đa dạng và phong phú. Mặt khác, các NXB cũng chú trọng đến các dự án phục hồi và số hóa những cuốn sách đến nay không còn được in và phát hành.

Cũng tại triển lãm Xuất bản Kỹ thuật số Quốc tế lần thứ 14 tổ chức tại Trung Quốc, bà Virginie Claisen - Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật số của Hiệp hội NXB Quốc gia Pháp đã nhấn mạnh đến dự án phục hồi sách không còn phát hành ở Pháp.

Bà Virginie Claisen cho rằng, một khi bước vào kỷ nguyên số, những cuốn sách này sẽ có cơ hội được bán chạy và có thêm cơ hội gặp lại độc giả. Để đạt được mục tiêu này, Pháp phát động dự án phục hồi sách đã ngừng phát hành, nhằm số hóa nhiều cuốn sách xuất bản ở Pháp đầu thế kỷ 20 (đến nay rất khó tìm trên thị trường), với hy vọng “hồi sinh” 96.000 cuốn sách đã ngừng phát hành bằng công nghệ số. Dự án này vừa hợp với xu thế thời đại, vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa Pháp.

Ngành xuất bản có mối quan hệ chặt chẽ với truyền thông. Đây là quá trình không ngừng trao đổi và chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, tư duy,… nhằm mục đích nâng cao sự hiểu biết, thay đổi nhận thức, và thúc đẩy sự phát triển cá nhân và cộng đồng theo hướng tích cực. Với sự thúc đẩy của AI, chia sẻ tri thức với toàn cầu đã trở thành nhu cầu của ngành xuất bản.

NXB Nghiên cứu và Giảng dạy Ngoại ngữ (外语教学与研究出版社) thuộc Tập đoàn FLTRP (Tập đoàn trao đổi văn hóa và giáo dục quốc tế chuyên thúc đẩy và tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa và giáo dục) nổi tiếng ở Trung Quốc khẳng định xuất bản số đã mang lại cơ hội cho sản phẩm của họ vươn ra toàn cầu.

Wang Fang, Chủ tịch Tập đoàn FLTRP cho biết, dựa trên việc trao quyền cho số hóa và quốc tế hóa, NXB của Tập đoàn này đã đi theo mô hình “1+3+6+N”.

Trong đó, yếu tố cốt lõi số 1 là “giáo dục đi cùng với sản xuất, sản xuất và giáo dục luôn đồng hành”; Phát huy tối đa lợi thế 3 chiều của “Ngôn ngữ - kỹ năng - con số”; Thiết lập đồng thời 6 phương hướng là: Xây dựng các tiêu chuẩn giáo dục, chia sẻ tài nguyên giáo dục, tích hợp thiết bị giáo dục, trao đổi và giao lưu quốc tế, hội nhập giáo dục và công nghiệp quốc tế, từ đó xây dựng các phân hiệu ở nước ngoài; Tập hợp các nguồn lực hợp tác chính thức của “N” nước để cộng sinh, tạo nên xu thế đôi bên cùng có lợi.

Theo quan điểm của Wang Fang, xuất bản số giúp tinh hoa văn hóa truyền thống xuất sắc của Trung Quốc và những thành tựu học thuật tiên tiến được quảng bá ra thị trường quốc tế một cách nhanh hơn, mới hơn và thuận tiện hơn.

Gu Chong, Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông và Xuất bản Công nghệ thông tin Trung Quốc nhận định từ ChatGPT (ra đời tháng 11/2022) đến Sora (ra đời tháng 2/2024), các công ty xuất bản đã cảm nhận sâu sắc tác động mạnh mẽ của công nghệ AI, điều này được thể hiện qua sự phát triển của ngành xuất bản. Các kịch bản ứng dụng, quản lý vận hành và logic cơ bản đều đã trải qua những thay đổi mang tính cách mạng. AI đồng hành với việc học, đọc, viết, dạy và trò chuyện, tạo nên sự tích hợp của ngành xuất bản.

AI giúp đa dạng hóa mô hình dịch vụ

Với sự phát triển của công nghệ AI, mô hình sản xuất nội dung và phương thức phục vụ của ngành xuất bản ngày càng đa dạng hóa. Chẳng hạn, mô hình xuất bản quy mô lớn dành riêng cho lĩnh vực ngoại ngữ do Tập đoàn FLTRP triển khai đã sử dụng các công cụ kỹ thuật số để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường.

Với sự thúc đẩy của AI, Tập đoàn FLTRP cung cấp đa dạng các mô hình sản xuất nội dung và phương thức phục vụ về xuất bản giáo dục trong các lĩnh vực giáo dục mầm non, giáo dục cơ bản, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục CLT (Communicative Language Teaching), bao gồm đầy đủ tất cả các nhóm tuổi và sử dụng nhiều ngôn ngữ.

Bên cạnh xuất bản giáo dục, các sản phẩm FLTRP hiện đã mở rộng các lĩnh vực xuất bản chuyên sâu khác như: sách thiếu nhi, học thuật và tạp chí, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, văn hóa Trung Quốc,…

Trong lĩnh vực xuất bản giáo dục, mô hình giảng dạy ngoại ngữ với quy mô lớn do Tập đoàn FLTRP phát triển đã có nhiều khám phá mới và đạt được thành tựu nhất định. Mô hình này giúp tương tác đa chiều và có hiệu quả hơn, bởi nó có thể tập trung chính xác vào các tình huống giảng dạy ngoại ngữ và đáp ứng một cách nhanh chóng nhu cầu của thị trường (đặc biệt là nhu cầu của giáo viên và sinh viên các trường cao đẳng và đại học) thông qua các công cụ số và quy trình tự động.

Ví dụ, nền tảng Waiyan Youxue (外研优学) có thể cung cấp trợ lý giảng dạy AI và đào tạo nói về AI. Người học có thể đặt câu hỏi và suy nghĩ của riêng mình trong quá trình giao tiếp với công cụ AI và AI có thể trả lời các câu hỏi dựa trên câu hỏi của người học. Có thể nói, ứng dụng AI vào phương pháp sản xuất nội dung mới này giúp cho ngành xuất bản giảm đáng kể chi phí sản xuất, tăng tốc độ sản xuất và đáp ứng nhu cầu học tập cá nhân hóa.

Trong thời đại ngày nay, các NXB lớn trên thế giới đang tìm cách tận dụng tốt hơn vai trò của AI trong sản xuất nội dung, đa dạng hóa mô hình dịch vụ. Feng Yunsheng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông và Xuất bản Giáo dục Trung Quốc cho biết Tập đoàn Giáo dục Trung Quốc (中教集团) đang xây dựng mô hình xuất bản giáo dục kỹ thuật số dựa trên 3 vấn đề lớn là: “nội dung - kết nối - hợp tác”, được hướng dẫn bởi 3 mục tiêu là “hợp nhất hóa, trí tuệ hóa và quốc tế hóa”.

Trong khi đó, NXB Y học Nhân dân (Trung Quốc) sắp ra mắt ấn bản thứ 10 sách giáo khoa (theo chương trình đào tạo 5 năm bậc đại học - ĐH) chuyên ngành y học lâm sàng ở các trường cao đẳng và ĐH trên cả nước. Đặc biệt, dựa trên tương tác thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality - AR), chương trình đào tạo của bộ sách giáo khoa này cung cấp các dịch vụ cho việc giảng dạy trên lớp, học tập độc lập, thực hành trực tuyến, đánh giá giảng dạy, ngân hàng câu hỏi thi, quản lý toàn diện và nhiều tình huống khác.

Hiện tại, NXB này đã hợp tác với các công ty công nghệ cao như iFlytek và Baidu để đa dạng hóa các kịch bản liên quan đến y học trong thời đại công nghệ số.

Những thách thức AI mang lại cho ngành xuất bản

Sự đột phá của AI trong thời đại ngày nay đem lại nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức cho ngành xuất bản. Trước hết, mặc dù AI có thể giảm chi phí xuất bản nhưng bảo mật dữ liệu là một vấn đề lớn. Vấn đề ở đây không chỉ là về dữ liệu nội dung mà còn về một số phương diện khác như thông tin của người đọc.

Sử dụng AI sẽ dẫn đến sự tăng cường về khả năng theo dõi và thu thập thông tin của độc giả, điều này một mặt đem lại lợi ích cho các NXB, nhưng mặt khác gây ra mối lo ngại về rò rỉ thông tin cá nhân và xâm phạm quyền riêng tư. Nếu dữ liệu bị rò rỉ hoặc lạm dụng thì sẽ gây nên những hậu quả không nhỏ, vì thế các nhà xuất bản cần phải tìm cách đảm bảo an toàn dữ liệu.

Trước sự phát triển của AI, ngành xuất bản phải quan tâm đến tính xác thực và tiêu chuẩn hóa nội dung, đặc biệt là trong môi trường tràn ngập thông tin như hiện nay. Làm thế nào để đảm bảo độ tin cậy của nội dung số đã trở thành một vấn đề chung mà ngành xuất bản phải đối mặt. Trong bối cảnh này, điều đặc biệt quan trọng là xây dựng một hệ thống quản trị nội dung số hiệu quả, bao gồm nỗ lực chung của chính phủ, các công ty công nghệ, truyền thông, tổ chức giáo dục và công chúng.

Một trong những mối lo của ngành xuất bản khi AI phát triển là nguy cơ thay thế hoàn toàn vai trò của tác giả và BTV. Nếu công nghệ AI có thể tạo ra nội dung đầy tính sáng tạo, chất lượng cao mà không cần đến con người sẽ đe dọa đến sự tồn tại của nghề viết và xuất bản, dẫn đến tình trạng thất nghiệp và suy giảm chất lượng sản phẩm.

AI có thể đảm nhiệm vai trò của tác giả, BTV,… để tạo ra những sản phẩm chất lượng, điều đó tiềm ẩn nguy cơ đối với nghề viết và xuất bản, thậm chí gây nên tình trạng thất nghiệp trong ngành xuất bản. Tuy nhiên, sự thật là dù AI có thông minh đến đâu cũng không thể hoàn toàn thay thế được con người trong việc tạo ra nội dung mới và sáng tạo. Do đó, để sản phẩm xuất bản có tính độc đáo và đạt chất lượng cao nhất cần có sự kết hợp giữa công nghệ AI và các tác giả, cần có sự kiểm tra, giám sát của con người.

Sự phát triển vượt bậc của AI đòi hỏi con người phải không ngừng học hỏi, nâng cao tư duy của mình để ứng dụng hiệu quả công nghệ này. Chúng ta cần biến AI thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho mình thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nó.

AI không chỉ làm thay đổi thói quen và cách tiếp nhận thông tin của mọi người mà còn thúc đẩy ngành xuất bản thực hiện những đổi mới sâu sắc trong sản xuất nội dung, kênh truyền thông, mô hình kinh doanh và các cấp độ khác.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
AI mang lại động lực, thách thức nào cho ngành xuất bản?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO