Samsung đã trở thành nhà sản xuất DRAM số 1 thế giới như thế nào (P1)

03/11/2015 20:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Riêng trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, nếu như Samsung chỉ chính thức tham gia vào năm 1982 thì tới nám 1992, Samsung đã chiếm vị trí số 1 thế gim trong lĩnh vực sản xuất chip nhớ và DRAM, vượt qua các đối thủ lớn từ Mỹ và Nhật Bản. Bài báo ghi lại những quyết đỉnh táo bạo trong công tác nghiên cứu phát triển công nghệ và sản xuất, đánh dấu từng bước "nhảy vọt" trong thành tựu thần kỳ này [1,2].

Samsung được thành lập vào năm 1938 bởi Lee Byung-Chull, với vốn khởi nghiệp 30.000 won (khoảng 100 USD), kinh doanh đa ngành công nghiệp. Samsung là một điển hình của tập đoàn kinh tế đa ngành gia đỉnh trị kiểu Hàn Quốc (chaebol). Bảng xếp hạng thương hiệu năm 2013 của Integrand công bố Samsung đứng thứ 8 trên thế giới với giá trị thương hiệu 39,61 tỷ USD. Trọng tâm phát triển trong thế kỷ 21 của Samsung là ngành công nghiệp điện tử và công nghiệp tài chính, trong đó Samsung đang hướng tới vị trí dẫn đầu thế giói trên 20 ngành, lĩnh vực kinh doanh chủ chốt. Riêng trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, nếu như Samsung chỉ chính thức tham gia vào năm 1982 thì tới nám 1992, Samsung đã chiếm vị trí số 1 thế gim trong lĩnh vực sản xuất chip nhớ và DRAM, vượt qua các đối thủ lớn từ Mỹ và Nhật Bản. Bài báo ghi lại những quyết đỉnh táo bạo trong công tác nghiên cứu phát triển công nghệ và sản xuất, đánh dấu từng bước "nhảy vọt" trong thành tựu thần kỳ này [1,2].

TỪ "KẺ LÀM THUÊ"

Vào khoảng thập kỷ 1960, ngành công nghiệp sản xuất bán dẩn của Hàn Quốc được bắt đầu khi một vài công ty đa quốc gia như Signetics, Fairchild, Motorola, Control Data, AMI và Toshiba bắt đầu xây dựng các khu tổ hợp, tận dụng nguồn nhân công giá rẻ để lắp rắp các thiết bị rời rạc tại Hàn Quốc. Các thao tác lắp ráp hầu hết là lao động giản đơn, chỉ cần đào tạo các công nhân trước đó không hề có kỹ năng trong vòng 6 tháng là thuần thục. Vì vậy, quá trình sản xuất này gần như không hề chuyển giao công nghệ hay thiết kế vào Hàn Quốc.

Sớm nhận ra điều này, như một phần của kế hoạch phát triển công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng một chính sách 6 năm vào năm 1975 để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Rất nhiều các chaebol Hàn Quốc, trong đó có Samsung, bước chân vào ngành công nghiệp bán dẫn trong bối cảnh như vậy. Tuy nhiên, các chaebol này nhanh chóng vấp phải nhiều khó khăn. Thứ nhất, làm thế nào để chuyển giao, hấp thụ được các công nghệ từ nước ngoài và sau đó có thể cạnh tranh trên thị trường? Thứ hai, cuộc chơi công nghệ cao luôn tiềm ẩn yếu tố rủi ro cao vì vòng đời của sản phẩm tương đối ngắn. Một sản phẩm có thể lỗi thời chỉ sau 2-3 năm kể từ ngày sản xuất. Vì thế, yếu tố thời gian là rất quan trọng [3].

"Cuộc chơi" bắt đầu (1974 - 1983)

Năm 1974, tiến sỹ Kang Ki-Dong, một người Mỹ gốc Hàn Quốc, tốt nghiệp từ Đại học Ohio (Ohio State University), Mỹ, vói kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bán dẫn tại Motorola, đã thành lập công ty sản xuất bán dẫn đầu tiên tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, công ty này đã sớm lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính chỉ sau 1 năm hoạt động. Lúc này, Lee Kun Hee, con trai chủ tịch Samsung, ở vị trí phó chủ tịch Samsung Electronics (năm 1987 trở thành chủ tịch Samsung) là người có niềm tin mãnh liệt vào lợi thế người Hàn Quốc có đôi bàn tay khéo léo do ăn đũa và truyền thống sinh hoạt sạch sẽ do đi chân trần trong nhà nên rất phù hợp môi trường sản xuất bán dẫn. Do hầu hết ban lãnh đạo Samsung không tin rằng Samsung đủ khả năng dấn thân vào lĩnh vực bán dẫn, Lee Kun Hee đã quyết định dùng tiền riêng của mình mua lại 50% cổ phần công ty của tiến sỹ Kang (50% còn lại thuộc quyền sở hữu liên doanh với một công ty nhỏ của Mỹ là ICII), chính thức tham gia thị trường sản xuất thiết bị bán dẫn [10]. Với việc mua lại này, Samsung nhanh chóng hấp thụ được lượng kiến thức cơ bản trong việc sản xuất các transitor và mạch tích hợp (IC) với quy mô nhỏ, phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng.

Năm 1982, Samsung thành lập Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Triển khai bán dẫn, tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu dịch ngược (reverse¬engineering) và sau đó tích hợp, lắp ráp lại các vật liệu bán dẫn dòng MOS (metal oxide semiconductors) để học hỏi kinh nghiệm.

Năm 1983, Samsung tập trung nguồn vốn đầu tư để gia nhập thị trường sản xuất bảng mạch tích hợp cỡ rất lớn VLSI. Với đặc thù của một chaebol Hàn Quốc trong bối cảnh kinh tế Đông Á, Samsung tập hợp được một số lợi thế cạnh tranh như: chế độ quản lý doanh nghiệp kiểu gia đình trị cho phép huy động vốn từ lợi nhuận trong những ngành kinh doanh khác trong tập đoàn một cách nhanh chóng để đầu tư và đưa ra các chính sách đãi ngộ để tuyển dụng nhân công trình độ cao, lợi thế nhân công giá rẻ bản địa. Tuy một số công ty ngoại quốc dẫn đầu trong lĩnh vực này từ chối bán công nghệ VLSI cho Samsung nhưng Samsung không khó khăn gì trong việc mua lại công nghệ từ những công ty nhỏ và vừa ở Mỹ. Họ sẵn sàng bán, chuyển giao, đào tạo cho Samsung một công nghệ đã không còn thực sự là "thời thượng” (VLSI), để có tiền tiếp tục hoạt động, nhất là nếu có giữ lại công nghệ thì những công ty đó cũng không thể cạnh tranh được với những gã khổng lồ như Motorola, Toshiba [4].

Sản xuất 64K DRAM (1983 - 1984)

Năm 1983, bước chân vào lĩnh vực sản xuất 64K DRAM, Samsung đã lần lượt "gõ cửa” các công ty Texas Instruments, Motorola, NEC, Toshiba và Hitachi để đàm phán mua công nghệ nhưng đều bị từ chối. Không từ bỏ, Samsung đã thành lập Tổ công tác để xây dựng chiến lược gia nhập thị trường sản xuất 64K DRAM. Tổ công tác đã thu thập thông tin, phân tích công nghệ và thị trường, xây dựng các chiến lược khả thi trong vòng 6 tháng liên tục. Sau đó, Tổ công tác sang Mỹ gặp gỡ với các kỹ sư, nhà khoa học (chủ yếu là người Mỹ gốc Hàn) làm việc trong lĩnh vực để thảo luận và tham vấn. Cùng với kiến thức thu được từ giai đoạn 1974-1983 nói trên, Samsung nhanh chóng bao quát được bản đồ thị trường sản xuất 64K DRAM và định vị được những đối tác tiềm năng có thể bán công nghệ sản xuất 64K DRAM cho Samsung. Lưu ý rằng, một công nghệ sản xuất bao gồm 2 yếu tố: thiết kế kỹ thuật và quy trình sản xuất. Sau đó, Samsung đã thành công trong việc đàm phán mua thiết kế kỹ thuật từ Micron Technologies và quy trình sản xuất từ Zytrex of California với giá 2,1 triệu USD, kèm theo cả gói đào tạo và chuyển giao công nghệ toàn diện cho các kỹ sư của Samsung. Tuy nhiên, vấn đề tiếp theo là làm thế nào Samsung có thể hoàn toàn hấp thụ được lượng tri thức vừa được chuyển giao để xây dựng một dây chuyền sản xuất có giá trị gia tăng cao đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường? Để làm được điều này, bước đi chiến lược của Samsung là thành lập 2 đội nghiên cứu phát triển (R&D) làm việc cộng tác với nhau.

Đội R&D thứ nhất của Samsung được thành lập tại thung lũng Silicon (Mỹ) và tuyển dụng 5 tiến sỹ điện tử người Mỹ gốc Hàn, tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng như Stanford, Michigan,... và đã từng có kinh nghiệm làm việc tại IBM, Intel, National Semiconductor,... Cùng với khoảng 300 kỹ sư người Mỹ khác, đội R&D này được giao nhiệm vụ đi tiên phong trong việc khai phá, tìm hiểu và sáng tạo công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ mà Samsung đã mua lại.

Đội R&D thứ hai của Samsung được thành lập tại Hàn Quốc với 2 nhà khoa học người Mỹ gốc Hàn đã từng có kinh nghiệm sản xuất 64K DRAM với các công ty của Mỹ và các kỹ sư của Samsung đã có kinh nghiệm sản xuất VLSI trước đó, cộng thêm kinh nghiệm đã được đào tạo như một phần của hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa Samsung và 2công ty của Mỹ nêu trên.

Thông qua sự cạnh tranh, thảo luận, cộng tác lẫn nhau giữa 2 đội R&D và chính sách luân chuyển con người hợp lý từ đội R&D ở Hàn Quốc sang đội R&D ở thung lũng Silicon và ngược lại, Samsung đã nhanh chóng hấp thụ các yếu tố kỹ thuật công nghệ cần thiết cho quá trình sản xuất 64K DRAM. Sau 6 tháng làm việc cật lực, Samsung đã thành công trong việc làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất 64K DRAM.

Bước đi tiếp theo, Samsung đặt ra một mục tiêu rất tham vọng là hoàn thành việc xây dựng nhà máy để sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn trong vòng 6 tháng. Đó là nhiệm vụ mà thông thường, một công ty của Nhật Bản như Toshiba vào thời điểm đó mất 18 tháng để hoàn thành. Điểm chiến lược cốt lõi trong nhiệm vụ này là Samsung đã đàm phán thành công với một công ty của Nhật Bản (đã xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn cho công ty Sharp, Nhật Bản trước đó) để thiết kế và giám sát thực hiện việc xây dựng nhà máy sản xuất cho Samsung. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Samsung: mua quy trình sản xuất từ Zytrex của Mỹ nhưng lại thuê công ty Nhật Bản thiết kế nhà máy sản xuất. Samsung đã xuất sắc vượt qua thách thức này (khoảng cách, sự khác biệt giữa quy trình sản xuất và thiết kế nhà máy sản xuất) để phê phán, hấp thụ và dung hòa những ưu điểm công nghệ của 2 công ty từ Nhật Bản và Mỹ để xây dựng thành công nhà máy sản xuất cho riêng mình. Đây cũng là bước đi chiến lược để tạo ra giá trị khác biệt của Samsung so với 2 công ty mà họ đã mua lại công nghệ.

Năm 1984, Samsung chính thức "bước chân“ vào thị trường 64K DRAM, thu hẹp khoảng cách công nghệ còn 40 tháng so với công ty đầu tiên của Mỹ và 18 tháng so với công ty đầu tiên của Nhật có sản phẩm thương mại chào bán trên thị trường. Điều này cũng đánh dấu một cột mốc đáng ghi nhớ trong lịch sử phát triển công nghiệp điện tử của Hàn Quốc: Hàn Quốc là quốc gia thứ 3 trên thế giới có khả năng sản xuất ra DRAM và đã thu hẹp khoảng cách đáng kể với Mỹ và Nhật Bản sau 10 năm [5].

Sản xuất 256K DRAM (1984 - 1988)

Năm 1984, sau khi sản xuất hàng loạt sản phẩm thương mại 64K DRAM thành công, Samsung tiếp tục tổ chức 2 Tổ công tác - một tại Hàn Quốc và một tại thung lũng Silicon - để phát triển 256K DRAM. Lần này, Samsung sử dụng chiến lược song hành: 2 Tổ công tác làm việc độc lập và cạnh tranh với nhau trong việc phát triển 256K DRAM.

Thứ nhất, với Tổ công tác tại Hàn Quốc, Samsung thực hiện chiến lược tương tự như ở giai đoạn 1983-1984: mua lại thiết kế kỹ thuật từ đối tác quen thuộc Micron Technology để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, lần này Samsung quyết định không mua lại quy trình sản xuất nữa. Thay vào đó, Tổ công tác tại Hàn Quốc phải chủ động nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất dựa trên những gì đã học hỏi được từ quy trình sản xuất 64K DRAM trước đó.
Thứ hai, với Tổ công tác tại thung lũng Silicon, Samsung yêu cầu phải tự nghiên cứu cả thiết kế kỹ thuật lẫn quy trình sản xuất 256K DRAM trong không khí ngột ngạt phải cạnh tranh với Tổ công tác tại Hàn Quốc.

Vào cuối năm 1984, với kiến thức đã tích lũy trước đó, Tổ công tác tại Hàn Quốc đã thành công trong việc phát triển 256K DRAM, rút ngắn khoảng cách với các công ty hàng đầu trên thế giới từ 4 năm với 64K DRAM xuống còn 2 năm với 256K DRAM.

Năm 1985, Tổ công tác tại thung lũng Silicon cũng đã hoàn thành việc phát triển 256K DRAM, cả về thiết kế kỹ thuật lẫn quy trình sản xuất sau 7 tháng "dịch ngược“ các sản phẩm 256K DRAM được phát triển bởi các công ty của Mỹ và Nhật Bản, chậm hơn khoảng 10 tháng so với Tổ công tác tại Hàn Quốc. Thành công này có 2 điểm quan trọng. Thứ nhất, nó chứng tỏ Samsung hoàn toàn làm chủ công nghệ phát triển 256K DRAM mà không cần phải mua công nghệ của công ty khác. Thứ hai, sản phẩm của Tổ công tác tại thung lũng Silicon thậm chí còn tốt hơn so với sản phẩm của Tổ công tác tại Hàn Quốc phát triển dựa trên công nghệ của Micron Technology. Như một hệ quả tất yếu, Samsung sử dụng phiên bản của Tổ công tác tại thung lũng Silicon để đưa vào sản xuất hàng loạt.

Năm 1986 là năm đánh dấu mốc phát triển độc lập về mặt công nghệ của Samsung khi sản phẩm 256K DRAM thương mại được đưa vào thị trường chỉ sau 18 tháng so với những công ty tiên phong. Samsung vươn lên thành đối thủ giàu tiềm năng trong lĩnh vực này.

Năm 1988, một vận may hiếm có đã đến với Samsung. Vì phải cạnh tranh với Samsung và các chaebols khác của Hàn Quốc trên thị trường 64K DRAM và 256K DRAM, các công ty của Nhật Bản quyết định cắt giảm giá thành của 2 sản phẩm nói trên. Điều này vô hình chung lại góp phần "tiêu diệt" hàng loạt các công ty chuyên sản xuất DRAM của Mỹ, trong khi đó, Samsung lại dễ dàng vượt qua các khó khăn nhất thời về tài chính do tính chất tập đoàn đa ngành của mình.

Trong bối cảnh đó, một vận may khác lại "mỉm cười" với Samsung khi Chính phủ Nhật Bản thi hành chính sách xuất khẩu có giới hạn ràng buộc đối với các hoạt động thương mại trong ngành công nghiệp bán dẫn với Mỹ, mở ra cơ hội cho Samsung bước vào thị trường Mỹ. Cũng chính vì nhu cầu từ thị trường Mỹ rất lớn, trong khi lượng cung lại có giới hạn, giá thành của 256K DRAM từ 2 USD năm 1986 đã lên 5 USD năm 1988 và tiếp tục ổn định ở mức giá này trong nhiều năm tiếp theo. Việc này đã cho phép Samsung xác lập một chỗ đứng vững chắc trên thị trường Mỹ [6,7].

Sản xuất 1M DRAM (1986 - 1987)

Trong khi xây dựng nhà máy để sản xuất hàng loạt sản phẩm 256K DRAM, ngay từ năm 1985, Samsung đã bắt tay vào nghiên cứu xây dựng 1M DRAM một cách độc lập, không mua lại công nghệ từ bất cứ công ty nào. Lại một lần nữa, nhiệm vụ được giao cho 2 Tổ công tác. Lần này, 2 Tổ công tác có xuất phát điểm như nhau, làm việc trên tinh thần cạnh tranh, hợp tác, trao đổi thông tin và nhân sự lẫn nhau.

Tháng 7/1986, Tổ công tác tại Hàn Quốc đã thành công trong việc phát triển 1M DRAM, thu hẹp khoảng cách từ 2 năm trong sản xuất 256K DRAM xuống còn 1 năm trong sản xuất 1M DRAM. Tổ công tác tại thung lũng Silicon hoàn thành nhiệm vụ chậm sau Tổ công tác tại Hàn Quốc 3 tháng. Điều này đánh dấu một cột mốc rất đáng chú ý nữa: năng lực sản xuất DRAM đã hoàn toàn chuyển từ thung lũng Silicon về Hàn Quốc.

Năm 1987, trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách hơn nữa trong việc sản xuất DRAM, Samsung đã thực hiện một chiến lược rất mạo hiểm: đồng thời xây dựng nhà máy sản xuất hàng loạt sản phẩm này trong khi tiến hành các hoạt động R&D. Lần này, sự mạo hiểm của Samsung đã thực sự biến thành cơ hội: Samsung bắt đầu sản xuất hàng loạt 1M DRAM vào năm 1987, chỉ chậm 1 năm so với các công ty Nhật Bản nhưng vừa kịp lúc đón lấy nhu cầu đang lên của thị trường [8].

ThS. Nguyễn Huy Dũng

(còn nữa)

(TCTTTT Kỳ 2/5/2014)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Samsung đã trở thành nhà sản xuất DRAM số 1 thế giới như thế nào (P1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO