Samsung, Hyundai có thể đụng độ nhau trong lĩnh vực robot?
Hai tập đoàn lớn của Hàn Quốc là Samsung và Huyndai từ lâu đã giữ khoảng cách, tránh cạnh tranh trực diện trong các hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình.
Tuy nhiên, quy tắc bất thành văn kéo dài hàng thập kỷ có thể sẽ kết thúc trong lĩnh vực robot, một lĩnh vực đang phát triển mà các nhà lãnh đạo của hai tập đoàn hiện đang dồn lực để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.
Hyundai với sức mạnh phần cứng
Tập đoàn Hyundai, nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới thống trị gần 90% doanh số bán ô tô tại quê nhà, là công ty đầu tiên thực hiện một bước tiến lớn khi mua lại 80% cổ phần của Boston Dynamics, một trong số ít các công ty sản xuất robot, trong một thương vụ lớn trị giá 880 triệu USD hồi năm 2021.
Công ty Boston Dynamics có trụ sở tại Mỹ nổi tiếng với chú chó robot 4 chân tên là Spot. Hyundai đã chạy thử nghiệm một phiên bản chó robot để kiểm soát an toàn tại một nhà máy của Kia, với kế hoạch áp dụng rộng rãi hơn tại các nơi làm việc của hãng trên khắp thế giới.
Vào thời điểm mua lại, Chủ tịch điều hành Chung Euisun cũng đã tự bỏ ra 240 tỷ won (194 triệu USD) để mua thêm 20% cổ phần trong công ty, nhằm thúc đẩy đế chế của mình thành một công ty hàng đầu về các giải pháp di động tương lai trong ngành công nghiệp ô tô.
Chủ tịch Chung Euisun, người đảm nhận vị trí cao nhất vào năm 2020, cũng đã thành lập một đội đặc nhiệm riêng có tên là Phòng thí nghiệm robotics vào năm 2019. Phòng thí nghiệm này đã phát triển một loạt robot có thể đeo, mặc được bao gồm Vex và Cex, giúp công nhân nhà máy đeo, mặc vào để bảo vệ cơ bắp của họ và cải thiện hiệu quả công việc trong làm những công việc lặp đi lặp lại.
Một quan chức của Tập đoàn ô tô Hyundai cho biết: “Robot có thể đeo, mặc vào được chưa có mặt trên thị trường nhưng chúng tôi đang thu thập phản hồi từ nhân viên trong quá trình thử nghiệm. Chúng tôi dự định thực hiện các phiên bản nâng cấp trong năm nay”.
Quan chức này cho biết thêm, Hyundai Rotem, nhà sản xuất công nghiệp nặng chuyên về đường sắt và phương tiện quốc phòng, chịu trách nhiệm sản xuất.
Han Jae-kwon, giáo sư kỹ thuật robot tại Đại học Hanyang Erica Campus cho biết: “Hyundai có lợi thế cạnh tranh trong việc xây dựng phần cứng, đây là một phần thiết yếu của robot hơn là phần mềm. Cùng với Boston Dynamics, nhà sản xuất ô tô này dự kiến sẽ tìm cách tăng cường sức mạnh phần mềm của mình, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI)”.
Samsung với sức mạnh phần mềm
Trong khi đó, tham vọng chế tạo robot của Samsung Electronics vẫn còn trong vòng bí mật. Nhưng việc Samsung Electronics mua cổ phần gần đây của một công ty chế tạo người máy hình người ở địa phương, Rainbow Robotics, đã đưa ra một cái nhìn khác.
Đầu tháng này, Samsung đã mua 59 tỷ won cổ phần của Rainbow Robotics, trở thành cổ đông lớn thứ hai của công ty này. Công ty có trụ sở tại Seoul được thành lập vào năm 2011 bởi một nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST). Rainbow Robotics đã có lãi lần đầu tiên vào quý 3 năm ngoái, chủ yếu nhờ doanh số bán robot dịch vụ được sử dụng trong các nhà hàng và nhà máy.
Trả lời câu hỏi tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) ở Las Vegas vừa qua, đồng Giám đốc điều hành của Samsung, Han Jong-hee phủ nhận việc quá chú trọng vào robot, nhưng các nhà đầu tư đã phản ứng dữ dội. Kể từ khi công bố bán cổ phần, giá cổ phiếu của Rainbow Robotics đã tăng gần gấp đôi lên khoảng 61.000 won chỉ sau 2 tuần.
Giáo sư Han Jae-kwon cho biết: “Trong lịch sử, Samsung đã khắc phục điểm yếu của mình thông qua việc mua bán và sáp nhập cũng như bằng cách củng cố quan hệ đối tác. Khi nói đến sản xuất robot, Samsung ít kinh nghiệm hơn Hyundai. Nhưng lợi thế cạnh tranh của Samsung trong phần mềm dự kiến sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp với Rainbow Robotics tập trung vào phần cứng”.
Một nguồn tin trong ngành về mua cổ phần cho biết thêm sự hợp tác của hai công ty có khả năng thúc đẩy việc ra mắt thị trường của robot do Samsung sản xuất.
“Samsung được kỳ vọng sẽ giảm thiểu những rủi ro trước đó đối với hoạt động kinh doanh robot non trẻ của mình. Một lợi ích khác cho Samsung là Rainbow Robotics tự sản xuất hầu hết các bộ phận, điều đó có nghĩa là chi phí sản xuất rẻ hơn. Có khả năng Rainbow Robotics sẽ chỉ sản xuất robot được tùy chỉnh cho riêng Samsung”, theo một nguồn tin giấu tên.
Chấm dứt quy tắc bất thành văn?
Việc thúc đẩy lĩnh vực robot do Samsung và Hyundai khởi động đang được theo dõi chặt chẽ vì tiềm năng công nghiệp rất lớn. Robot trợ lý đang ngày càng được áp dụng rộng rãi để giúp giảm chi phí lao động, với thị trường toàn cầu ước tính đạt 53 tỷ USD vào năm 2025. Robot cũng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các nhà máy sản xuất trong tương lai, khi các quốc gia đang đưa các cơ sở sản xuất về nước trong bối cảnh căng thẳng leo thang rủi ro địa chính trị.
Một lĩnh vực đầy triển vọng khác là chăm sóc sức khỏe, lĩnh vực rất có thể sẽ là chiến trường ban đầu của robot Samsung và Hyundai.
Tại CES 2023, Giám đốc điều hành Samsung đã ẩn ý rằng công ty có kế hoạch ra mắt EX1, một robot trợ lý vật lý, trong năm nay. Các nguồn tin dự đoán robot sắp ra mắt có thể dựa trên một nguyên mẫu trước đó, được gọi là GEMS-H, hỗ trợ các khớp hông mỏng manh cho người cao tuổi.
Robot trợ lý riêng MEX của Hyundai cũng đang chờ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ bật đèn xanh với kế hoạch ra mắt robot trên toàn cầu.
GS. Han Jae-kwon cho biết thêm: “Robot có thể đeo được có thể là cơ sở thử nghiệm trước khi Samsung và Hyundai ra mắt robot hình người.
Với căng thẳng âm ỉ giữa hai đối thủ “chaebol” này của Hàn Quốc, những người theo dõi ngành dự đoán rằng sự cạnh tranh mới của cả hai sẽ giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy đổi mới.
Oh Il-sun, người đứng đầu Viện CXO (CXO Institute) theo dõi chaebol cho biết: “Những người tiền nhiệm của họ tập trung vào việc trở thành số 1 về chip và ô tô. Nhưng để tồn tại trong làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nhà lãnh đạo hiện tại đang áp dụng chiến lược hai hướng - làm tốt hơn những gì họ đã làm tốt và trở thành những người đi đầu trong các lĩnh vực đổi mới và tương lai”.
Samsung và Hyundai đã duy trì mối quan hệ thân thiện kể từ khi Samsung rời khỏi thị trường ô tô trong cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 1990. Samsung đã tìm cách mua lại Kia Motors đã phá sản để thúc đẩy hoạt động kinh doanh ô tô yếu kém của mình, nhưng không thành công. Thay vào đó, Hyundai đã thành công trong việc mua lại đối thủ nhỏ hơn, mở đường cho hãng này mở rộng thị phần trong nước và lấn sân sang thị trường nước ngoài./.