Sản phẩm CNTT đã qua sử dụng nhập khẩu bị quản chặt

Lê Thu| 09/11/2015 16:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 6/11, tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo “Quản lý hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng” với sự tham dự của đại diện một số đơn vị Hải quan và doanh nghiệp phía Nam.

Công chức Hải quan cảng Sài Gòn KV1 kiểm tra điện thoại nhập khẩu. Ảnh: T.H

Đánh giá về công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng, nhằm hạn chế rác thải công nghệ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trong thời gian qua, Bộ đã phối hợp với các đơn vị chức năng, đặc biệt là cơ quan Hải quan thực hiện tốt các văn bản pháp quy, trong đó có Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ đối với hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban Thông tư 31/2015/TT-BTTTT ngày 29/10/2015 hướng dẫn một số điều của Nghị định 187/2013/NĐ-CP. Nội dung Thông tư này có nhiều điểm mới cập nhật Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu. Đồng thời quy định rõ các trường hợp nhập khẩu về làm nghiên cứu khoa học; các quy định về gia công, tái chế, sửa chữa sản phẩm CNTT cho nước ngoài.

Tại hội thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra Dự thảo quy định một số trường hợp được nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng trong Danh mục cấm nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên tắc nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục cấm phải đảm bảo 3 nội dung: Đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất và cho người sử dụng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật tương ứng của Việt Nam; cấm nhập khẩu các sản phẩm đã qua sử dụng mà các nước đã công bố loại bỏ vì lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường; đáp ứng các quy định hiện hành về nhập khẩu hàng hóa.

Về quy định các trường hợp cụ thể, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngoài 2 trường hợp được quy định tại Thông tư 31/2015/TT-BTTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến 6 trường hợp được nhập khẩu sản phẩm CNTT thuộc Danh mục cấm: nhập khẩu theo hình thức dịch chuyển tài sản trong cùng một tổ chức; nhập khẩu để làm thiết bị điều khiển, vận hành, khai thác, kiểm tra hoạt động của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, dây chuyền sản xuất; để phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất phần mềm, dịch vụ gia công quy trình kinh doanh bằng CNTT (BPO), xử lý dữ liệu cho nước ngoài;

Nhập khẩu sản phẩm CNTT chuyên dùng đã qua sử dụng; nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng sau khi đưa ra nước ngoài để sửa chữa (đối với các sản phẩm đã hết thời hạn bảo hành, nhưng trong nước không sửa chữa được); nhập khẩu sản phẩm, linh kiện, phụ kiện đã được tân trang để thay thế, sửa chữa cho người sử dụng trong nước mà sản phẩm, linh kiện, phụ kiện đó hiện nay không còn được sản xuất.

Đối với 6 trường hợp dự kiến nêu trên, mỗi trường hợp đều có điều kiện, tiêu chí cụ thể, cùng với các quy định về hồ sơ đề nghị cấp phép được quy định một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt để tránh việc lợi dụng nhập khẩu các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng sử dụng không đúng mục đích, gian lận thương mại…

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước đối với các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng, bà Lê Nguyễn Việt Hà, Phó trưởng Phòng Giám quản hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại- Cục Giám sát quản lý- Tổng cục Hải quan cho rằng, hiện nay đang có những vướng mắc về chính sách quản lý nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng. Chẳng hạn, Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ được ban hành từ năm 2013, nhưng đến tận cuối tháng 10/2015 mới có Thông tư 31 hướng dẫn Nghị định này.

Thủ tục xác định hàng hóa thuộc đối tượng không áp dụng Danh mục cấm nhập khẩu quy định tại Điều 4 Thông tư 11/2012/TT-BTTTT đang gây khó cho cả Hải quan và doanh nghiệp, khi quy định doanh nghiệp phải nộp tài liệu về Bộ Thông tin và Truyền thông để có ý kiến trước khi thông quan. Từ thực tế này, bà Hà đề nghị, những trường hợp không cấm, Bộ Thông tin và Truyền thông cần minh bạch hóa các giấy tờ, không cần thiết phải thêm 1 giấy phép con như quy định trên.

Hiện nay, thủ tục hồ sơ cấp phép chủ yếu được cấp theo hình thức thủ công. Trong khi đó, nhiều bộ, ngành đã tham gia Hệ thống một cửa quốc gia, nhằm hạn chế sử dụng hồ sơ giấy, tạo thuận lợi cho công tác quản lý cũng như đơn giản hóa thủ tục. Chính vì vậy, cơ quan Hải quan đưa ra kiến nghị, cần triển khai việc cấp giấy phép theo cơ chế một cửa (giấy phép điện tử thay thế giấy phép giấy)…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm CNTT đã qua sử dụng nhập khẩu bị quản chặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO