Xã hội số

Sản phẩm OCOP mong chờ một cú hích

Đoàn Ngọc Dũng 04/08/2024 17:12

Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025.

Xúc tiến thương mại cho sản phẩm địa phương

Chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã về tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đồng thời xác định rõ vai trò của liên kết sản xuất và phát huy trí tuệ địa phương để tạo ra sản phẩm phong phú, đảm bảo chất lượng. Theo số liệu thống kê tính đến nay cả nước đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Chương trình này đã thu hút hơn 7.400 hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và tổ hợp tác tham gia.

Để quảng bá, giới thiệu và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phối hợp xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Mỗi cửa hàng được hỗ trợ xây dựng và đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, bảng hiệu góp phần tăng độ nhận diện và tính thẩm mỹ đối với khách hàng. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã và đang chủ động đầu tư, mở các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, các địa phương đã yêu cầu các sở, ngành rà soát và đánh giá tiềm năng, giá trị, sức tiêu thụ của các sản phẩm OCOP hiện có. Qua đó, tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp, cá nhân đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất, xây dựng và cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, nhất là các sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt 4 sao cấp tỉnh và 5 sao cấp Trung ương, sản phẩm được thị trường tiêu thụ mạnh.

Sau hơn 5 năm triển khai, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP không chỉ nâng tầm nhiều loại nông sản, đặc sản địa phương, mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP. Trên thực tế ngày càng có nhiều mô hình khởi nghiệp của những người trẻ cùng tham gia. Điều này cho thấy, OCOP đã thật sự lan tỏa ở các địa phương đặc biệt là các khu vực miền núi.

Tận dụng lợi thế của thương mại điện tử

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử đang là xu thế giúp sản phẩm có cơ hội đến gần hơn với người tiêu dùng. Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử vừa mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa từng bước hoàn thiện khâu tiêu thụ sản phẩm. Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng miền của Thành phố đến với người tiêu dùng trong nước.

anh-bai-27.8.jpg
Đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử để quảng bá, kết nối tiêu thụ, là một trong những cách làm hiệu quả, được nhiều địa phương áp dụng hiện nay. Ảnh: Đoàn Dũng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sản phẩm OCOP đã góp phần gia tăng giá trị, tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Hiệu quả từ chương trình này đã được ghi nhận nhưng để phát triển nhanh, nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP hiệu quả và bền vững,thì cần phải có nhiều chính sách hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành.

Thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP vẫn bán hàng theo phương thức truyền thống thay vì việc đầu tư đưa sản phẩm hàng hàng lên sàn thương mại điện tử. Do trình độ sử dụng công nghệ thông tin hạn chế nên số lượng đơn hàng chưa nhiều. Bên cạnh đó các doanh nghiệp hầu hết là nhỏ và siêu nhỏ nên chưa có nguồn nhân lực đủ mạnh để vừa quản trị nên cách đăng tin giới thiệu sản phẩm chưa gây được ấn tượng với khách hàng, giá bán cũng không theo kịp với biến động của thị trường... Đáng lưu ý, chi phí quản lý bán hàng quá cao, từ 25 - 45% cũng khiến doanh nghiệp ngần ngại khi tham gia các sàn thương mại điện tử.

Để hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn giao dịch, ngoài Alibaba yêu cầu chủ các gian hàng phải nộp chi phí khoảng 10.000.000 đồng/tháng, hầu hết các sàn thương mại điện tử Việt Nam đều miễn phí việc đăng bán hàng. Sau khi trừ chi phí vận chuyển, các sàn này chỉ thu phần trăm trên mỗi đơn hàng giao dịch thành công hoặc thu phí duy trì nhưng chi phí không quá cao. Tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng được lợi thế của thương mại điện tử trong việc bán hàng.

Bộ Công thương đang hợp tác chặt chẽ với đối tác như Shopee, Voso, Tiki, Lazada để thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp. Theo đó các chương trình đào tạo mở gian hàng, vận hành thực hiện các đơn hàng, quản lý logistics, quản lý chất lượng sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử được tổ chức một cách bài bản.

Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025. Trong đó chú trọng phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), tương tác trực tiếp (livestream). Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã hỗ trợ, đào tạo kỹ năng kinh doanh số cho khoảng 5 triệu hộ sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Hiện đã có 52.000 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart. Thời gian tới, sàn Postmart sẽ tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền, OCOP vùng sâu vùng xa; Triển khai các chương trình marketing quảng bá tiêu thụ sản phẩm trên sàn; Phối hợp với nhiều tổ chức khác đào tạo kỹ năng livestream, kỹ năng kinh doanh số, giúp bà con nhận thức rõ hơn về vai trò của các sàn thương mại điện tử.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm OCOP mong chờ một cú hích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO