Sáng chế công nghệ và sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp ICT (P2)

03/11/2015 20:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Chúng ta có thể nhận đặt hàng để giải quyết các bài toán công nghệ kỹ thuật, cùng phối hợp nghiên cứu với các công ty SHTT của nước ngoài, phối hợp kinh doanh và chuyển giao các sáng chế do chúng ta giải quyết cho phía nước ngoài thương mại hóa, qua đó tìm kiếm lợi nhuận và tái đầu tư cho hệ thống của doanh nghiệp.

PATENT TROLL VÀ MẶT TRÁI CỦA VIỆC LẠM DỤNG GIÁ TRỊ CỦA CÁC BẰNG SÁNG CHẾ CÔNG NGHỆ

Tuy bằng sáng chế có vai trò rất quan trọng trên thị trường công nghệ nhưng cũng có những mặt trái. Một thuật ngữ phổ biến thể hiện mặt trái của việc sử dụng bằng sáng chế trên thị trường công nghệ là "Patent troll". Patent troll là một thuật ngữ có tính coi thường đối với một thực thể (doanh nghiệp hoặc cá nhân) không phát minh ra công nghệ, không phát triển ra sản phẩm cụ thể nhưng mua lại bằng sáng chế và sử dụng chúng để kiếm tiền từ các doanh nghiệp hợp pháp bằng kiện tụng hoặc đe dọa kiện tụng. Hiện nay, có rất nhiều công ty được gọi là Patent troll trên thị trường quốc tế. Những công ty này hoạt động theo phương châm mua bằng sáng chế để kiện các công ty khác vi phạm bằng sáng chế của họ nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Những công ty này không đầu tư cho R&D, không có các nhà phát minh và chắc chắn hoạt động của họ không phải là sáng tạo và phát minh công nghệ. Patent troll chỉ đơn giản là trong hoạt động kinh doanh mua bán bằng sáng chế, tìm kiếm lợi nhuận nhờ kết quả của các vụ kiện bằng sáng chế. Hầu hết các bằng sáng chế đến vói các công ty này từ các cuộc đấu giá của các công ty bị phá sản, từ những công ty không có ý định hoạt động trên một lĩnh vực công nghệ nữa và từ các cá nhân không có kinh phí để phát triển các sáng chế của họ. Hệ thống bằng sáng chế dễ bị lạm dụng do bằng sáng chế thường mô tả một khái niệm chung hơn là một sản phẩm hoặc quy trình phát triển sản phẩm cụ thể và những ý tưởng sáng chế được bảo hộ đôi khi không được định nghĩa tường minh và chính xác. Trong năm 2011, một công ty đe dọa kiện 8.000 khách sạn, cửa hàng và quán cà phê tại Hoa Kỳ, tuyên bố rằng việc sử dụng Wi-Fi trong hoạt động kinh doanh đã xâm phạm 17 bằng sáng chế của họ. Một số doanh nghiệp đã phải nộp từ 2.300 đến 5.000 USD để tránh bị kiện.

Tại Hoa Kỳ, dự luật SHIELD đã được trình lên Hạ nghị Viện nhằm giảm bớt hành vi kiện tụng do vi phạm bản quyền SHTT, qua đó có thể giảm các Patent troll trên thị trường. Nếu dự luật được ký thành luật, một Patent troll thua kiện sẽ phải trả phí tòa án của cả bị đơn. Do chi phí tòa án có thể lên tới hàng triệu USD, nguy cơ thiệt hại có thể ngăn cản hành vi kiện tụng tràn lan của các Patent troll trên thị trường công nghệ.

Tuy nhiên, cũng cần phân biệt Patent troll và các doanh nghiệp nhỏ song có những sáng chế quan trọng do R&D kết hợp với chuyển giao công nghệ. Rất nhiều các doanh nghiệp này vẫn có các khiếu kiện các công ty lớn đã vi phạm các bằng sáng chế của họ. Các công ty nhỏ trong quá trình hình thành và phát triển của mình vừa tăng cường R&D, vừa có thể phát hiện các sáng chế bị vi phạm ở các công ty lớn và yêu cầu bồi thường. Đôi khi, các công ty lớn cũng lạm dụng khái niệm Patent troll để gán cho các doanh nghiệp nhỏ kiện họ vì mục đích kinh tế song trên thực tế đó không phải là Patent troll hoặc không hoàn hoàn là Patent troll.

Những đặc điểm nêu trên về thị trường KHCN và SHTT quốc tế đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển đồng bộ theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu của ngành công nghiệp ICT trên thế giới.

MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ ĐÁNH GIÁ VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ VÀ THỊ TRƯỜNG KHCN Ở VIỆT NAM

Hiện nay, Việt Nam có một nguồn nhân lực đông đảo được đào tạo với 4,2 triệu người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên (~5% dân số), 101.000 thạc sỹ và 24.000 tiến sỹ. Trong số đó, có 62.000 người trực tiếp làm công tác R&D, chiếm tỷ lệ 7 người/1000 dân. Các trường đại học có 84.000 giảng viên, trong đó có 2.600 Giáo sư và Phó Giáo sư, 9.100 tiến sỹ, 36.0thạc sỹ. Với nguồn nhân lực ở nước ngoài, Việt Nam hiện có khoảng 100.000 du học sinh, 300.0trí thức kiều bào. Với lực lượng đông đảo nguồn nhân lực chất lượng cao như vậy, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển KHCN và tạo nên thị trường công nghệ sôi động trong nước [6].

Tuy nhiên, thực tế chúng ta chưa có được một nền KHCN phát triển cao tương xứng. Kết quả R&D tại Việt Nam trong nhiều năm qua tăng trưởng chậm, chưa theo kịp với sự phát triển chung của nền kinh tế, chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi thực tế của xã hội. Trong nghiên cứu khoa học, số lượng công trình hằng năm tăng 20% nhưng con số tuyệt đối rất thấp. Chỉ số trích dẫn các công trình khoa học rất thấp thể hiện tính hệ thống, tính kế thừa trong R&D của chúng ta đang tụt hậu rất xa so với thế giới.

Theo báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu WEF 2012 [7] trên tổng số 142 nước được khảo sát, chất lượng các viện nghiên cứu của Việt Nam hiện đứng thứ 74 trên thế giới. Chỉ số phối hợp giữa viện, trường với các doanh nghiệp của Việt Nam đứng thứ 82. Độ sẵn sàng về công nghệ mới ở mức rất thấp là 133. Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2012 là 76/141, giảm 25 bậc so với năm 2011 là 51/125. Các thành quả KHCN được đăng ký bảo hộ quyền SHTT đạt được rất hạn chế. Trong vòng hơn 10 năm qua từ 2003 đến 2013, Cục SHTT nhận được 758 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và giải pháp hữu ích. Trong đó, chỉ có 122 văn bằng bảo hộ được cấp, đạt tỷ lệ 11 bằng/năm [8]. Trong số các văn bằng được cấp quyền bảo hộ, số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được chuyển giao theo hợp đồng chỉ xấp xỉ 100 hợp đồng tức trung bình khoảng 9 hợp đồng/năm. Với số lượng ít ỏi các giao dịch về bản quyền công nghệ như vậy, chúng ta chưa thể có một thị trường KHCN sôi động, chưa thể có một nền KHCN thực sự tạo động lực cho nền kinh tế phát triển.

MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ Ở VIỆT NAM

Thực trạng nêu trên đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết và đổi mới để nâng cao chất lượng R&D nói chung và trong lĩnh vực ICT nói riêng. Để có thể hình thành được thị trường công nghệ như trên thế giới, không có cách nào khác là chúng ta phải có các sản phẩm công nghệ, ý tưởng và giải pháp công nghệ đủ sức cạnh tranh, đủ sức tạo nên sự hấp dẫn trên thị trường và từ đó mới có thể có các giao dịch về chuyển giao công nghệ. Muốn đạt được điều đó đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức, chấp nhận mạo hiểm, mạnh dạn thay đổi, quyết đoán trong hành động đối với các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, trường đại học và đặc biệt là các công ty công nghệ, nơi có tiềm năng và sự nhạy bén đối với thị trường. Những thị trường dịch vụ ICT truyền thống rập khuôn ở nước ngoài, dễ tìm kiếm lợi nhuận ngày càng trở nên chật chội. Doanh nghiệp phải dần tính đến việc đầu tư cho KHCN để mở ra các thị trường mới, tạo nên các nguồn doanh thu mới.

Tuy nhiên, đầu tư cho KHCN để đạt được thành quả không phải là quá trình một sớm một chiều. Rất khó có thể đốt cháy giai đoạn, đầu tư phát triển độc lập ra các sáng chế công nghệ lõi, đủ sức cạnh tranh ngay với thị trường công nghệ nước ngoài. Các doanh nghiệp ICT lớn như Viettel hay FPT hiện nay đầu tư cho R&D chủ yếu sẽ chọn cách đi an toàn khi sử dụng bộ phận R&D để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp. Đầu tư cho R&D giai đoạn ban đầu không chú trọng tìm kiếm lợi nhuận trực tiếp mà chủ yếu để gây dựng tổ chức, đội ngũ, từng bước đưa hoạt động R&D thành nền nếp trước khi đặt những mục tiêu lợi nhuận xa hơn. Doanh nghiệp Việt Nam chưa có các tư tưởng đột phá để tìm kiếm lợi nhuận trên lĩnh vực phát minh công nghệ mới hoặc tham gia thị trường SHTT quốc tế. Một trong các tư tưởng đột phá cách đây khoảng hơn 15 năm, Ấn Độ và Trung Quốc đã thành công khi trở thành các trung tâm oursourcing (gia công) phần mềm của quốc tế. Nếu chúng ta có sự đầu tư đúng hướng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tư tưởng đột phá, Việt Nam có thể đón đầu tham gia vào thị trường oursouring về phát minh công nghệ. Chúng ta có thể nhận đặt hàng để giải quyết các bài toán công nghệ kỹ thuật, cùng phối hợp nghiên cứu với các công ty SHTT của nước ngoài, phối hợp kinh doanh và chuyển giao các sáng chế do chúng ta giải quyết cho phía nước ngoài thương mại hóa, qua đó tìm kiếm lợi nhuận và tái đầu tư cho hệ thống của doanh nghiệp. Quá trình này không chỉ giúp tăng cường chất lượng đội ngũ con người, từng bước tiếp cận với trình độ R&D quốc tế, hỗ trợ giáo dục đào tạo và quan trọng nhất sẽ dần hình thành thị trường công nghệ, chuyển giao công nghệ trong nước và liên thông với thế giới.

Tài liệu tham khảo

[1].http://www.forbes.com/Msts/2010/23/best-smaN- companies-10_rank.htmL
[2].InterDigital, Inc: Annual Report 2013 - httpy/ir.interdigital. com/amuals.cfm.
[3].https://investor.google.com/releases/2014/0129.html.
[4].http://en.wikipedia.org/wiki/Motorola_Mobility.
[5].http://arstechnica.com/tech-policy/2013/10/patent-war- goes-nuclear-microsoft-apple-owned-rockstar-sues-google/.
[6].Báo cáo của Bộ Khoa học Công nghệ 2013.
[7].Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu WEF 2012.
[8].Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO 2012.

TS. Lê Bá Tân

(TCTTTT Kỳ 2/5/2014)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sáng chế công nghệ và sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp ICT (P2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO