Truyền thông

Sắp xếp đơn vị hành chính huyện, xã giúp tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế

Trường Thanh 17:27 02/08/2023

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giúp tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế; tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao quản lý Nhà nước.

Cả nước thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã

Ngày 24/12/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Ngày 12/7/2023, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 19/7/2023.

Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Kế hoạch nhằm tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW, Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và chính quyền địa phương các cấp; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và dư luận xã hội trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Theo các cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giúp tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng; tạo thuận lợi phát huy nguồn lực đất đai, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao quản lý Nhà nước.

Đồng thời, sắp xếp các đơn vị hành chính tạo cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, lãnh thổ, hạn chế tình trạng chia cắt, manh mún, nhất là trong bối cảnh Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, cho biết, trong giai đoạn 2019-2021, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, cơ bản phù hợp, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Cả nước thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã. Qua đó, giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; giảm được 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã. Tinh giản biên chế 361 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 2.008 tỷ đồng.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp đều được kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân.

Sắp xếp đơn vị hành chính còn góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Không phát sinh khiếu nại, tố cáo từ việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; trật tự xã hội được bảo đảm.

2.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ những kết quả thời gian qua cho thấy chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính là phù hợp thực tiễn.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ những kết quả thời gian qua cho thấy chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính là phù hợp thực tiễn. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những kinh nghiệm được rút ra, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 được chuẩn bị và triển khai thực hiện rất bài bản, kỹ lưỡng.

Thủ tướng lưu ý, sắp xếp đơn vị hành chính là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, thực hiện trong thời gian ngắn, nguồn lực có hạn, tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; tác động đến tư tưởng, tâm lý của nhân dân, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Do đó, trong quá trình triển khai, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động phải rất quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, bảo đảm đúng quy định, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, không cầu toàn, không nóng vội, bảo đảm ổn định của hệ thống chính trị, đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

“Tinh thần là xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bám sát, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân - đây là mục tiêu cuối cùng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ Kế hoạch của Chính phủ khẩn trương triển khai các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, nhất là ban hành ngay các văn bản hướng dẫn thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Trong đó, 3 Bộ gồm: Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư cần ban hành văn bản hướng dẫn trước ngày 3/8/2023; 5 Bộ gồm: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành trước ngày 5/8.

Trong quá trình ban hành văn bản và tổ chức thực hiện, các Bộ, ngành cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các địa phương xem đã phù hợp, khả thi chưa, cần thì phải điều chỉnh ngay, nhất là những văn bản liên quan đến quyền, lợi ích, hợp pháp, chính đáng của người dân,

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu tổ chức quán triệt, phổ biến và xây dựng Kế hoạch phù hợp với thực tiễn của địa phương, xác định cụ thể từng nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn; xây dựng hương án tổng thể, đề án sắp xếp đơn vị hành chính sớm trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Tập trung làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương.

Các địa phương chú trọng phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; bố trí, xử lý trụ sở làm việc và tài sản công; các chế độ, chính sách đặc thù; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và ổn định đời sống của nhân dân ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.

Cùng với đó, chủ động có kế hoạch cân đối, chuẩn bị ngân sách, nguồn lực từ sớm, huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp trên địa bàn sớm ổn định về tổ chức và hoạt động./.

Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị nêu rõ: việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị; xác định rõ đối tượng, lộ trình sắp xếp và phải bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân.
Theo đó, đến năm 2025: Hoàn thành sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Đến năm 2030: Hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Bài liên quan
  • Đưa Đồng bằng sông Hồng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững
    Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) được định hướng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; đi đầu về phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sắp xếp đơn vị hành chính huyện, xã giúp tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO