Ông cũng nêu lên một thực trạng đáng lo ngại, đó là nhiều DN sử dụng LĐ tối đã chỉ từ 10-15 năm. Theo đó, DN tuyển CN lúc họ mới 20 tuổi, nhưng sử dụng tối đa chỉ đến 35 tuổi - khi sức khỏe suy giảm, mắt mờ, chân chậm - thì DN sẽ tìm cách chấm dứt HĐLĐ, do vậy NLĐ phải nghỉ việc ở tuổi 35. “Lúc này, họ rất khó tìm một công việc khác, vì vậy, họ buộc phải quay trở lại làm nông nghiệp. Khi thải những NLĐ này, DN lại tiếp tục tuyển chọn những LĐ trẻ, khỏe hơn; trả lương thấp hơn”- Phó Chủ tịch Mai Đức Chính nói.
Khảo sát năm 2017 của Viện về Tiền lương, thời giờ làm việc, điều kiện lao động và ATVSLĐ trong các DN cho thấy, hầu hết NLĐ qua khảo sát đều không muốn làm thêm giờ, nhưng 35% số LĐ được khảo sát muốn làm thêm giờ, nguyên nhân chỉ bởi họ muốn có thêm một bữa ăn ca. “Lương của họ quá thấp, không đủ tiền nuôi con, thuê nhà, lo cho cuộc sống… nên họ muốn làm thêm giờ chỉ để đủ ăn, chứ không phải là để làm giàu”- TS Vũ Minh Tiến, Viện Phó Viện CNCĐ (Tổng LĐLĐVN) thông tin tại Hội thảo.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Ngà, Phó Chủ tịch Hội Y học Lao động VN cho biết, qua theo dõi chi tiết tại 1 công ty (tháng 9/2015), có 227 CN nghỉ ốm với số ngày nghỉ ốm là 522 ngày. Trong 473 người đến bộ phận y tế của CTy khám thì có 100 trường hợp đau đầu, 95 trường hợp đau mỏi cơ xương khớp. Phân tích 44 trường hợp hay đau đầu thì có 13 trường hợp là do làm thêm và làm ca đêm, 31 ca chưa rõ nguyên nhân. Khảo sát sơ bộ nhận xét của người sử dụng lao động tại 4 DN thì ¾ DN cho biết sau ca làm việc kéo dài người lao động ốm nhiều./.