Ảnh minh họa |
Nỗi đau của những người ở lại
Trong những ngày qua, công chúng liên tiếp đón nhận tin buồn vì sự ra đi của những người nghệ sĩ tài hoa, được công chúng yêu mến. Nhiều trang viết xúc động, chia sẻ những kỷ niệm vui như cách để tưởng nhớ người đã ra đi.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, những hình ảnh người thân của họ được “đặc tả” cận cảnh, xuất hiện tràn lan trên mặt báo khi đang chất chứa quá nhiều buồn đau, nước mắt và sự tổn thương để lại bài học đáng suy ngẫm với nhiều người trong cuộc. Có tờ báo ra sức săn lùng facebook của người đã khuất, vô tư lấy ảnh cá nhân khi họ còn sống đăng tải với danh nghĩa cảm thông, xót xa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về xu hướng làm báo cẩu thả, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm giảm tính nhân văn của báo chí.
Hẳn nhiều người vẫn không quên, tại tang lễ của người nhạc sĩ tài hoa Thuận Yến, nhiều phóng viên rầm rập kéo đến phỏng vấn, chĩa máy ảnh liên tiếp vào những người chịu tang, người thăm viếng đã tạo nên một quang cảnh hỗn loạn, khiến nhiều nghệ sĩ tham dự phải ngần ngại phàn nàn về văn hóa tác nghiệp báo chí của không ít phóng viên trẻ. Việc bị gọi bằng những từ ngữ thiếu bình tĩnh như “chúng nó”, “đạo đức giả”, ”lũ kền kền” là bài học đắt giá, cảnh tỉnh cho những người làm việc trong môi trường báo chí – truyền thông nhưng thiếu những hiểu biết văn hóa căn bản trong tác nghiệp báo chí.
Là người của công chúng, có lẽ, quyền riêng tư của những người nổi tiếng sẽ phần nào mất đi nhưng việc báo chí khai thác quá giới hạn vào nỗi đau những người thân các nghệ sĩ đã mất để tăng lượt xem, lượt truy cập cho báo của mình là hành động vi phạm nghiêm trọng đạo đức người làm báo. Liệu những người cầm bút, cầm máy kia đã có ai tự hỏi, những thông tin đó mang lại điều gì cho bạn đọc khi một trong những vai trò của báo chí là khơi dậy sự tử tế và tốt đẹp, kiến tạo và nhân bản sự lương thiện, đánh động nhận thức bằng những câu chuyện có lương tâm? Xã hội không thể có thêm những việc tử tế bằng những bài viết vô văn hóa kiếm tiền qua những bản tin vô bổ và vô lương tâm. Ðiều này không chỉ nói lên sự vô cảm của một số nhà báo, mà còn là biểu hiện phi đạo đức, đi ngược lại tính nhân văn của báo chí cách mạng.
Thực tế thời gian qua, chỉ cần nghe tin về một vụ tai nạn thảm khốc, nhiều phóng viên lập tức phi thẳng tới nhà riêng của nạn nhân để phỏng vấn, tra khảo, lục lọi bằng được những câu chuyện, những nguyên nhân dẫn đến tai nạn, cốt để lấp đầy thông tin mà không cần chú ý đến nỗi đau đang cần được sẻ chia, cảm thông của thân nhân. Có nhiều nhà báo gọi điện tống tiền doanh nghiệp, nhiều nhà báo dùng thẻ nhà báo dọa cảnh sát giao thông sau khi chính mình bị tuýt còi, bị phạt vì đi sai luật. Có người dùng thẻ nhà báo tự ý dừng xe chở quá tải trên đường... Còn rất rất nhiều các vụ báo chí “phát huy quyền lực” của mình để nhũng nhiễu xã hội.
Đạo đức người làm báo phải đặt lên hàng đầu
Những câu chuyện trên giờ không còn hiếm trong làng báo. Nhiều doanh nghiệp “kêu than” vì phải tiếp quá nhiều đoàn phóng viên xuống làm việc. Chuyện nhỏ xé thành to, không có chuyện thì “nghĩ” ra chuyện, nghiêm trọng hóa vấn đề, cuối cùng là tờ hợp đồng quảng cáo hoặc truyền thông. Có những vụ việc báo chí phản ánh sự thật khách quan nhưng lại “thêm thắt”, “mông má” thành những câu chuyện dài kỳ, khai thác lâm ly mà không hề quan tâm đến đời tư cá nhân…
Theo quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, nhà báo phải gương mẫu chấp hành pháp luật, không được lợi dụng nghề nghiệp để làm trái pháp luật. Những chuẩn mực này tạo cơ sở để các nhà báo cân nhắc những cách nhìn khác và đánh giá xem thông tin ấy gây ảnh hưởng tới người khác như thế nào. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào cái “lằn ranh đỏ” ấy cũng được nhà báo thực thi nghiêm túc.
Hãy để những người đã khuất ngủ yên, đừng để những bài viết, những thông tin trở thành những nhát dao tàn độc. Bởi vậy, dù trong thời điểm nào thì tiêu chí nhân văn luôn là tiêu chí hàng đầu của báo chí, nhất là trong thời buổi thông tin kiểu giật gân, câu khách đã và đang trở thành vấn nạn.