Những ngày hậu cách ly xã hội ở Hà Nội, đường phố và các hoạt động mua bán đã dần trở lại nhộn nhịp. Dù người dân vẫn còn thận trọng, tuân thủ các biện pháp khi ra ngoài như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét, thì vẫn không thể phủ nhận rằng phố thị Hà thành đang dần đông đúc trở lại sau những ngày vắng vẻ hồi đầu tháng 4.
Nhìn lại những ngày đã qua, chúng ta đã tận dụng hiệu quả thời gian 3 tuần cách ly xã hội tại nhiều tỉnh thành. Mỗi gia đình tự cách ly tại nhà, chỉ ra ngoài trong những trường hợp thật sự cần thiết.
Nhiều cơ quan ra quyết định để nhân viên làm việc tại nhà, con trẻ cũng học tập qua kênh online. Điều này không chỉ giúp khoanh vùng và hạn chế lây lan số ca nhiễm, mặt khác còn tạo nên những xáo trộn trong cuộc sống gia đình. Mẹ đã phải làm "siêu nhân" để gồng gánh trên vai thật nhiều việc, bố cũng tập buộc tóc, chọn váy cho con gái,… Vậy nên, thời gian nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay, nhiều gia đình sẽ có một kỳ nghỉ thật khác.
Ông bố bỗng thích vào bếp sau mùa dịch
Anh Tạ Quang Hoàn (48 tuổi, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) là giáo viên dạy lái xe ô tô đã nhiều năm nay. Với tính chất công việc, anh thường xuyên phải công tác xa nhà vì những chuyến đi đường dài. Trước giờ, anh ít có thời gian cho gia đình.
Những ngày giãn cách xã hội, công việc của anh bị gián đoạn. Ông bố của hai cô con gái có thêm nhiều thời gian rảnh rỗi, bỗng nổi hứng xắn tay áo vào bếp. Từ người đàn ông chỉ quen làm việc với xe cộ, nay anh Hoàn vừa có thể nấu mâm cơm đủ món canh, mặn, vừa làm bánh cho cả nhà tráng miệng.
Hiện tại, công việc của anh đã trở lại guồng quay bình thường, nhưng thỉnh thoảng anh vẫn cùng vợ nấu nướng để học hỏi thêm từ bà xã.
Về dự định cho những ngày nghỉ lễ, anh chia sẻ: "Hai ngày lễ chính (30/4 -1/5) lại đúng vào ca trực của tôi, nên vẫn phải đi làm bình thường. Tuy nhiên, cuối tuần này tôi sẽ "bù đắp" cho cả nhà. Năm nào nhà tôi cũng đi chơi du lịch ở xa vào những kỳ nghỉ dài thế này. Năm nay, dịch giã phức tạp, chắc nhà tôi lại rủ nhau vào bếp nấu nướng, vừa rẻ vừa vui" – anh Hoàn chia sẻ.
"Nếu hai con gái muốn đi chơi, tôi sẽ tranh thủ đèo cả nhà lên Hồ Gươm ăn kem Tràng Tiền cho đỡ nhớ. Ăn xong rồi lại về ngay, không tụ tập đông người, cẩn thận vẫn hơn!" – anh Hoàn cho biết thêm.
Một tay soạn giáo án dạy học online, một tay lo việc nhà cửa, cô giáo chọn nghỉ lễ tại gia vừa an toàn, vừa nhàn nhã
Giống như nhiều người phụ nữ khác trong gia đình ở Hà Nội, thời gian qua, chị Lương (45 tuổi, ngụ quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) đã phải gánh gồng trên vai rất nhiều công việc.
Chị Lương là giáo viên của trường tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy. Dù không phải đến trường, chị vẫn phải túc trực soạn giáo án để dạy qua kênh online cho học sinh. Cộng với việc nhà và việc chăm sóc hai con nhỏ, chị bận rộn tối ngày để vừa chu toàn việc cơ quan, vừa quán xuyến thật tốt việc nhà.
Chồng chị Lương là sĩ quan hậu cần của lực lượng Quốc phòng, đã công tác tại đơn vị hơn một tháng theo lệnh cách ly xã hội trước đó. Hiện nay, chồng chị đã về nhà, nhưng sẽ phải quay trở lại đơn vị để trực công tác dịp lễ. Vì thế, ngày lễ tới đây của gia đình chị có lẽ sẽ lại vắng một thành viên như nhiều kỳ nghỉ khác.
"Chồng tôi thường xuyên không có nhà vào những ngày lễ Tết nên mấy mẹ con ít khi đi chơi xa. Tôi tranh thủ tổng vệ sinh dọn dẹp nhà cửa, rồi chuẩn bị bài giảng vì thời gian tới sẽ đi dạy trở lại rồi. Nếu hai con muốn ra ngoài chơi, tôi gửi chúng sang nhà anh trai ở gần đây".
Chị Lương lựa chọn nghỉ lễ tại gia để có thời gian thực hiện dự định của bản thân. Trong những ngày dịch bệnh còn chưa được kiểm soát hoàn toàn, mỗi hành động nhỏ của những gia đình như chị Lương sẽ đảm bảo an toàn cho bản thân và xã hội.
"Đợt này, tôi được nghỉ tới 4 ngày nên phải sử dụng thời gian thật hữu ích. Sắp tới, học sinh có thể phải học bù nên tôi sẽ bận hơn thế này nữa. Trước mắt, trong mấy ngày ông xã ở nhà, mình cứ bớt thời gian để vợ chồng con cái vui vẻ bên nhau trước đã. Dịch bệnh không phải toàn cái dở, nhất là khi mình có thêm cơ hội để gần gũi hơn với gia đình. Đặc biệt, tôi dạy thành công cho anh con trai lớp 7 biết nấu cơm và con gái lớp 3 biết rửa bát như người lớn rồi đó".
Sau những ngày giãn cách xã hội, mỗi gia đình đều có những thay đổi để thích ứng với nhịp độ cuộc sống mới. Trong dịp nghỉ lễ đặc biệt này, mọi người mọi nhà cũng có cho mình những kế hoạch khác nhau.
Không nhất thiết phải ra ngoài, tụ tập đông đúc mới là nghỉ lễ. Nhớ đường phố, nhớ không khí Hà Nội, họ vẫn ra đường chỉ để ăn kem Bờ Hồ, bún chả phố cổ. Hay những gia đình như anh Hoàn, chị Lương lại "trót" quen với nhịp sống trong nhà và muốn nghỉ lễ tại gia.
Nhiều gia đình lựa chọn về quê để gặp gỡ người thân sau những ngày tạm xa nhau vì giãn cách xã hội. Quan trọng hơn, mỗi người vẫn cần nâng cao tinh thần cảnh giác với dịch bệnh. Vui vẻ bên người thân, an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội, không quên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh – là điều mà mỗi thành viên luôn nhắc nhở với nhau trong ngày kỷ niệm chiến thắng của đất nước.