Sẽ sớm thử nghiệm cơ chế quản lý mới để phát triển doanh nghiệp công nghệ sáng tạo

Minh Thiện| 10/05/2019 10:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Đổi mới cơ chế quản lý là bước tiến quan trọng, đảo ngược các bất lợi, để doanh nghiệp (DN) Việt có cơ hội phát triển vượt bậc, sẽ giúp các DN DÁM LÀM.

Nhiều công ty muốn làm nhưng không dám làm

Diễn ra cả ngày 9/5 tại Hà Nội với chủ đề: Phát triển DN công nghệ Việt Nam “Make in Viet Nam”, lần đầu tiên nước ta có một diễn đàn cấp quốc gia bàn riêng về chủ đề DN công nghệ.

Với 4 phiên thảo luận, Diễn đàn bàn về bài toán phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Tại đây, Bộ TTTT và các DN lớn, tiêu biểu cùng chuyên gia nước ngoài đưa ra các thảo luận cũng như bài học kinh nghiệm, theo định hướng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ. Định hướng đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 100.000 DN công nghệ, lọt top 30 cường quốc về CNTT.

Các bài phát biểu trong diễn đàn của các chuyên gia, DN đã nêu ra kinh nghiệm, định hướng, kiến nghị sâu sắc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham dự để nghe tiếng nói từ DN. Thủ tướng cũng nhắc nhở lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành tham dự Diễn đàn nếu có thể lắng nghe và giải quyết sẽ giúp DN công nghệ phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, ngành lắng nghe ý kiến doanh nghiệp tại Diễn đàn

Trong phiên thảo luận buổi sáng, ông Nguyễn Thế Tân - Tổng giám đốc Công ty VCCorp cho biết, những công ty hàng đầu thế giới cũng là các công ty công nghệ như Google, Facebook... Họ đứng đầu cả về số người sử dụng, doanh số, tầm ảnh hưởng, giá trị thị trường. 

Các DN này được chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là Google, Facebook... làm ra những sản phẩm dịch vụ hoàn toàn toàn mới, giải quyết vấn đề mới. Nhóm thứ hai là giải quyết các nhu cầu cũ bằng xây dựng mô hình kinh doanh mới, phương pháp mới, dựa trên các công nghệ của họ.

Ông Nguyễn Thế Tân - Tổng giám đốc Công ty VCCorp  chia sẻ tại Diễn đàn

Những DN toàn cầu này còn tạo ra công nghệ cho thế giới học theo về trí tuệ, máy móc... Câu hỏi đặt ra là làm thế nào tạo điều kiện cho các sản phẩm sáng tạo dựa trên công nghệ phát triển. Ông cho rằng, tồn tại đầu tiên là tư duy cũ. 

"Liệu một xã hội khủng long có thể xây dựng khung pháp lý cho loài người, cấp phép cho sinh vật dạng người được tồn tại?", ông Tân nói.

Trong khi các nước có nhiều chính sách phát triển ưu đãi về thuế, các chính sách, quy định của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Ông Tân đưa ra điểm khác biệt tại 3 quốc gia về thuế/ưu đãi cho các DN công nghệ: Trung Quốc ưu đãi chính sách và bảo hộ thuế âm; Mỹ: Amazon có lợi nhuận 11 tỷ, thuế 0 đồng; Apple, Microsoft, Google đều ở thiên đường thuế; trong khi tại Việt Nam DN công nghệ phải nộp 15 -20% doanh thu, chưa kể thuế thu nhập DN.

Về chính sách, DN Việt Nam chỉ được làm trong giấy phép, nhưng lại chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể; hoặc DN phát triển theo hướng hoàn toàn mới nhưng buộc phải theo quy định cũ; Ràng buộc bởi tư duy quản lý cũ.

Do đó, đại diện VCCorp cho biết: “DN rất muốn làm, đầy đủ nguồn lực để làm, thừa quyết tâm để làm nhưng không dám làm, không dám chạy hết tốc độ, không huy động được lực lượng xã hội vì nghi ngại”.

DN công nghệ Việt Nam đủ sức cạnh tranh quốc tế

Đại diện VCCorp kỳ vọng, thông qua hội nghị này, các Nghị định, chính sách đang được Bộ tiếp thu, sửa đổi, là bước tiến quan trọng, đảo ngược các bất lợi, để doanh nghiệp Việt có cơ hội phát triển vượt bậc, sẽ giúp các doanh nghiệp DÁM LÀM.

Theo ông Nguyễn Thế Tân, Việt Nam có tiềm năng bởi sở hữu hàng trăm công ty khác trong nhiều lĩnh vực cùng đội ngũ hàng trăm nghìn lập trình viên. Ông khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như các nước phát triển công nghệ trên thế giới. Tiêu biểu như Vingroup có thể sản xuất tự động hóa 4.0, Viettel tự làm thiết bị mạng 5G...

Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như các nước phát triển công nghệ trên thế giới

Nội dung số Việt nam có đủ thực lực và sức mạnh để cạnh tranh. Ông Tân đưa ra ví dụ: VNG với Zalo, VCCorp với nền tảng quảng cáo bằng công nghệ, hệ thống phân phối nội dung và hàng chục công ty khác.

Doanh số của VCCorp 500 triệu - 1 tỷ USD, sẽ còn phát triển nếu có đầy đủ điều kiện; Tổng nhân sự lên tới 50.000 người (bốn loại nhân sự: công nghệ, nội dung, thiết kế, kinh doanh); Công nghệ tuy kém so với Google, Facebook nhưng là top đầu thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, Trung Quốc, Nga; Các DN Việt chiếm 80% nội dung sản xuất.

Năm 2018, ngành công nghiệp CNTT ước đạt doanh thu khoảng 98,9 tỷ USD tăng trưởng 8%, trong đó công nghiệp phần cứng - điện tử đạt 88 tỷ USD, công nghiệp phần mềm 4,3 tỷ USD, dịch vụ CNTT 5,7 tỷ USD và công nghiệp nội dung số trên 800 triệu USD. Tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 94 tỷ USD, xuất siêu khoảng 26 tỷ USD. Năm 2018, công nghiệp CNTT ước tính đóng góp gần 50.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động.

Ông Nguyễn Thế Tân đề xuất nhiều cơ chế hỗ trợ cái mới, bao gồm coi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, phát triển thị trường trong nước bằng cách coi trọng các công ty Việt phục vụ thị trường Việt Nam, coi trọng các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ công nghệ trọn gói ra quốc tế (không phải outsourcing).

Khi có các chính sách mới phù hợp hơn, các sản phẩm, giải pháp nội dung số tại Việt Nam sẽ giải bài toán Việt Nam, cung cấp sản phẩm cho khách hàng nội địa bằng cách làm chủ công nghệ 100%; Đứng đầu của Customer Journey; Làm chủ công nghệ lõi thay vì chỉ biết để triển khai; Nước ngoài có dịch vụ xuyên biên giới được vào Việt Nam thì đây là cơ hội cho Việt Nam mang sản phẩm xuyên biên giới ra quốc tế

Ông cũng đề xuất 3 cơ chế ứng xử hỗ trợ cái mới phát triển: Cơ chế để được làm, dám làm mà vẫn có thể quản lý, kiểm soát được:

- Mỗi bộ ngành đều tách riêng kinh tế số ra quản lý (ví dụ tách riêng taxi điện tử) để tránh cái cũ  kéo lùi cái mới

- Cơ chế sandbox dành cho cái mới: Rộng về phạm vi, rộng về đối tượng tham gia, giới hạn quy mô ảnh hưởng (ví dụ ví điện tử nạp tiền mặt, chỉ cần eKYC, nhưng giao dịch không quá 1 triệu ngày, giao dịch hóa đơn cơ bản thì được thanh toán giá trị lớn hơn)

- Đặc khu ảo cho những cái quá hóc búa, cần kiểm soát, hoặc có rủi ro lớn: chọn lọc công ty, chọn  lọc vấn đề (thông thoáng hơn, chọn lọc hơn)

Ông cũng đề xuất quan điểm quản lý: Coi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm; Làm rõ đánh thuế để phát triển ngành quan trọng hay đánh thuế để tận thu; Thuế thu nhập cá nhân là trọng tâm để thu hút nhân tài, giảm chi phí cho các công ty và tăng cường đầu tư vào con người; Phát triển thị trường trong nước bằng cách coi trọng các công ty Việt phục vụ thị trường Việt Nam; Coi trọng các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ công nghệ trọn gói ra quốc tế (không phải outsourcing).

Sẽ sớm thử nghiệm phương thức quản lý mới

Nền kinh tế dựa vào tài nguyên và nhân công giá rẻ sẽ không còn là lợi thế lâu dài. Vì vậy, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Với xu thế không thể đảo ngược của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền kinh tế số thì các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, vai trò bản lề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ghi nhận những ý kiến của các DN công nghệ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: DN công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc “hóa rồng” vào năm 2045. Dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam, các DN công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu.

Qua phân tích đều thấy tiềm năng cho phát triển DN công nghệ Việt Nam là rất lớn. Con người Việt Nam thông minh, sáng tạo, cần cù lao động. Một thị trường gần 100 triệu dân, công nghệ sẽ đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, sẽ tạo ra một quốc gia thông minh.

“Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những DN có năng lực cạnh tranh toàn cầu với chí tiến thủ của nhà doanh nghiệp, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà xông vào tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nghe các doanh nghiệp giới thiệu giải pháp mới tại khu triển lãm

Thủ tướng tin tưởng với không ít lợi thế về phát triển công nghệ thông tin và lợi thế nguồn lực dân số vàng, Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu nắm được cơ hội, có chiến lược đúng đắn, chương trình hành động cụ thể, kịp thời triển khai, thực thi quyết liệt, hiệu quả.

Đối với Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước, Thủ tướng cho biết, sẽ sớm ban hành trong năm 2019 Chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số để tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thủ tướng đồng ý chủ trương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển bằng việc thí điểm xây dựng các khu công nghệ, khu đổi mới sáng tạo có nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ. Thủ tướng cho biết, sẽ có văn bản giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu việc đổi mới giáo dục dạy ICT và ngoại ngữ bắt buộc từ cấp tiểu học để nâng cao năng lực tiếp cận và kỹ năng công nghệ thông tin.

Thủ tướng bày tỏ ủng hộ về nguyên tắc cho thí điểm triển khai các mô hình kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số tại một số địa phương, một số ngành, nghiên cứu tổng kết để áp dụng trên toàn quốc.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Sẽ sớm thử nghiệm cơ chế quản lý mới để phát triển doanh nghiệp công nghệ sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO