Siết chặt quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới

Ánh Dương| 22/11/2020 10:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời đại CMCN 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền hình, các kênh truyền hình trả tiền xuyên biên giới đang “ồ ạt” tấn công vào thị trường Việt Nam. Thậm chí, nhiều trang web cung cấp dịch vụ truyền hình qua mạng của nước ngoài đã nhanh chóng chiếm lĩnh một thị phần lớn tại Việt Nam dù chưa được cấp phép.

Dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ

Trong những năm trở lại đây, dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang gia tăng một cách "chóng mặt" như Netflix (Mỹ), WeTV (Trung Quốc), iFlix (Malaysia), iQiYi (Trung Quốc), Amazon TV (Mỹ)… Trong đó, Netflix đang là đơn vị hoạt động rầm rộ nhất.

Siết chặt quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới - Ảnh 1.

Trong các hãng truyền hình xuyên biên giới, Netflix đang là đơn vị hoạt động rầm rộ nhất tại Việt Nam. (Ảnh: Reuters)

Các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới đều đang cung cấp cho người dùng Việt qua các web, app trên tivi thông minh, smartphone... Người dùng chỉ cần đăng ký tài khoản và thanh toán bằng các thẻ quốc tế là có thể dễ dàng xem các kênh nội dung của những dịch vụ truyền hình này.

Theo một khảo sát thực hiện hồi đầu tháng 3 bởi Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, Netflix nằm trong top 5 dịch vụ xem truyền hình trực tuyến phổ biến tại Việt Nam, chỉ đứng sau FPT Play. Theo đó, có 23% người được hỏi cho biết họ đang sử dụng dịch vụ của Netflix, cao hơn cả tỷ lệ của VTVCab On (ứng dụng xem truyền hình trực tuyến và video của VTVCab, PV) hay K+.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay Việt Nam có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với khoảng 14 triệu thuê bao và doanh thu 1 năm khoảng 9.000 tỷ đồng. Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới hiện nay như Netflix, Apple TV hoặc iQIYI của Trung Quốc đang cung cấp tại Việt Nam là khoảng 1 triệu thuê bao, doanh thu ước tính lên tới 1.000 tỷ đồng.

Điển hình như thuê bao của Netflix quý I/2020 tại Việt Nam tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không thể phủ nhận, thông qua những kênh truyền hình này khán giả Việt Nam đã có nhiều những trải nghiệm mới trong việc thưởng thức các sản phẩm giải trí như điện ảnh, âm nhạc, chương trình truyền hình thực tế… Tuy nhiên, sự gia nhập của các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới tại Việt Nam còn đặt ra nhiều rủi ro về mặt nội dung do chưa có những cơ chế kiểm soát hữu hiệu.

Netflix cũng như một số dịch vụ truyền hình cung cấp xuyên biên giới qua mạng Internet cho người dùng tại Việt Nam, đều hoạt động mà không xin phép cơ quan chức năng và cũng "bỏ qua" các quy định kiểm soát của các cơ quan quản lý. Những bất cập đó đã đặt ra yêu cầu phải siết chặt quản lý các kênh truyền hình này.

Siết chặt quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới - Ảnh 2.

Dịch vụ truyền hình xuyên biên giới đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Cần siết chặt quản lý các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới

Thực tế hiện nay, truyền hình trên Internet hay mạng xã hội đang là một hướng đi mới tại nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, bên cạnh các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới cũng ngày một đông đảo. Tuy nhiên, việc để xảy ra không ít sai phạm bị phát hiện, xử lý trong thời gian qua cũng cho thấy, hoạt động của một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới này cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn.

Nội dung cung cấp của các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới chủ yếu là các thể loại phim, gồm cả phim tài liệu lịch sử; các chương trình trò chơi truyền hình, chương trình truyền hình thực tế, phóng sự điều tra... Một điểm chung của nội dung trên các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới này là đều đang được cung cấp trên quan điểm, nhận thức của các doanh nghiệp nước ngoài, không được biên tập phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam, trái quan điểm chính trị, chuyển ngữ tiếng Việt sử dụng từ ngữ thô tục, phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Chẳng hạn như hàng loạt những sai phạm trên các kênh truyền hình này đã gây bức xúc trong dư luận. Như nền tảng phim trực tuyến Netflix đã chiếu loạt phim tài liệu Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) có một số nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam; phim Madam Secretary (Nữ Ngoại trưởng) xuyên tạc chủ quyền Việt Nam khi chú thích phố cổ Hội An ở Quảng Nam - Việt Nam là Phù Lăng - một địa danh của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, không ít phim trên nền tảng này còn bị chỉ trích là mô tả chi tiết các hình ảnh bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm quá đà, ảnh hưởng tiêu cực đến người xem. Và thực tế cho thấy, hầu hết nội dung của các bộ phim được phát sóng trên các kênh sóng truyền hình trả tiền xuyên biên giới này hoàn toàn không được biên tập.

Ngày 28/8, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có văn bản yêu cầu "Công ty Netflix tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam" sau khi truyền thông và cộng đồng mạng xã hội Việt Nam phát hiện thông tin sai lệch về chủ quyền Việt Nam xuất hiện trong phim Put your head on my shoulder phát trên dịch vụ Netflix (Netflix sau đó cũng đã tuân thủ và gỡ bỏ đoạn phim vi phạm này).

Trước đó, Cục cũng đã gửi công văn yêu cầu công ty Netflix tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam khi cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam.

Theo đó, Cục PTTH&TTĐT yêu cầu Netflix chấm dứt hoạt động chuyển ngữ tiếng Việt, gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên kho nội dung đang cung cấp đến người dùng Việt. Cục cũng nhấn mạnh, nếu có nhu cầu tham gia thị trường dịch vụ truyền hình tại Việt Nam một cách hợp pháp, Netflix cần thực hiện đầy đủ các thủ tục đề nghị cấp giấy phép theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Về những sai phạm nói trên, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam cũng đã gửi văn bản tới Thủ tướng chính phủ để đề xuất sớm xử lý, ngăn chặn các trang mạng xã hội, các chương trình trực tuyến xuyên biên giới.

Rõ ràng, trong khi các doanh nghiệp truyền hình trong nước phải trải qua các khâu "tiền kiểm" khá chặt chẽ trước khi cung cấp dịch vụ, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ, thì truyền hình xuyên biên giới chưa bị ràng buộc bởi các căn cứ pháp lý với hầu hết các kênh truyền hình này khi vào Việt Nam đều theo kiểu "lách luật".

Do đó, giải pháp mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra là phải nhanh chóng sửa đổi Nghị định số 06 năm 2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên Internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới.

Đồng thời, sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kinh tế, kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam. Có như vậy, mới tạo ra được môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trên Internet, giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO