Các tổ chức sẽ phải trả phí một lần là 500 đô la Singapore và phí hàng năm là 200 đô la Singapore cho mỗi ID người gửi mà các tổ chức đăng ký. Các tổ chức quan tâm có thể liên hệ với Trung tâm Thông tin Mạng Singapore (SNIC) từ ngày 31/10 để bắt đầu quá trình đăng ký.
ID người gửi SMS gồm tên chữ và số mà các tổ chức sử dụng để nhận dạng chính họ khi gửi SMS. Một số ID đã bị giả mạo để mạo danh các ngân hàng và lừa đảo nạn nhân vào đầu năm nay.
Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm (IMDA) cho biết yêu cầu đăng ký đầy đủ sẽ có hiệu lực vào ngày 31/1/2023 để các tổ chức có thời gian chuẩn bị và đăng ký.
Như một biện pháp chuyển đổi, tất cả các SMS được gửi bằng ID người gửi SMS không được đăng ký sau thời điểm trên sẽ được chuyển đến một ID người gửi có tiêu đề "Có thể là tin nhắc rác (SCAM)" trong khoảng 6 tháng.
"Người tiêu dùng nên thận trọng khi nhận được những tin nhắn SMS như vậy vì đây là những ID người gửi không được đăng ký. Những người kinh doanh cũng được khuyến khích đăng ký ID người gửi của họ càng sớm càng tốt với SSIR", IMDA cho biết.
Cơ quan quản lý IDMA cũng thông tin đã giảm được 64% các vụ lừa đảo qua SMS từ quý 4/2021 đến quý 2/2022 sau khi SSIR được thành lập vào tháng 3/2022. Các vụ lừa đảo do SMS gây ra chiếm 8% các báo cáo lừa đảo trong quý 2 năm nay.
IDMA cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp (DN) có trụ sở tại nước ngoài có thể nhận được UEN Singapore bằng cách đăng ký với Cơ quan quản lý DN và kế toán. Các DN này có thể đăng ký công ty con tại địa phương hoặc đăng ký làm văn phòng chi nhánh nước ngoài.
Ngoài việc đăng ký ID người gửi, các tổ chức sẽ được yêu cầu sử dụng các đơn vị thu thập thông tin tham gia vào SSIR. Các đơn vị này là nhà cung cấp dịch vụ giúp các tổ chức gửi các SMS.
Các đơn vị này gửi SMS có ID người gửi gồm cả chữ và số cũng sẽ cần phải có giấy phép hoạt động dựa trên dịch vụ từ IMDA với khoản phí đăng ký một lần là 200 đô la Singapore.
Các đơn vị được cấp phép này sau đó sẽ được yêu cầu xác minh rằng các tổ chức mà họ phục vụ là trung thực. Các đơn vị này cũng sẽ được yêu cầu thu thập và xác minh UEN của các tổ chức như một phần của quy trình thấu hiểu khách hàng của mình (Know Your Customer) và đảm bảo rằng quy trình giới thiệu khách hàng diễn ra phù hợp.
Ngoài ra, IMDA cho biết các nhà mạng sẽ phải triển khai các giải pháp lọc chống lừa đảo SMS trong mạng di động của mình để lọc các tin nhắn lừa đảo trước khi các tin nhắn được gửi đến thuê bao.
Cơ quan quản lý lưu ý rằng công nghệ đọc bằng máy giúp xác định và lọc các tin nhắn lừa đảo trước khi chúng được gửi đến người tiêu dùng.
IDMA cho biết thêm các nhà mạng Singtel, Starhub, M1 sẽ triển khai các giải pháp lọc chống lừa đảo trong mạng của họ từ cuối tháng 10/2022.
Trong khi đó, trả lời các câu hỏi của truyền thông, người phát ngôn của công ty viễn thông Simba cho biết nhà mạng này cũng sẽ triển khai các giải pháp lọc như vậy trên mạng của mình từ cuối tháng 10/2022./.