Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tặng lẵng hoa chúc mừng Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc |
(Mic.gov.vn) - Sáng 7/8/2014, Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (9/8/2004 - 9/8/2014) và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Văn Vọng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Duy Thành, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy; đại diện các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông một số tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành và huyện, thành thị.
Ngày 9/8/2004, Sở Bưu chính Viễn thông Vĩnh Phúc được thành lập với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, Internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin; quản lý các dịch vụ công về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Ngày 4/4/2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1014 thành lập Sở Thông tin và Truyền thông trên cơ sở Sở Bưu chính Viễn thông và tiếp nhận thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí xuất bản.
10 năm xây dựng và trưởng thành, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản định hướng, chỉ đạo và quản lý, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển nhanh của toàn ngành, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đến nay, hầu hết các sở, ngành, huyện, thành, thị, các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo, y tế lớn trên địa bàn đã có mạng LAN kết nối Internet băng thông rộng. Toàn tỉnh có khoảng 95% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 85% cán bộ, công chức cấp huyện, 35% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính. Đa phần các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng văn bản điện tử kèm theo văn bản giấy; 85% cán bộ công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc.
Các ứng dụng lõi hướng tới chính quyền điện tử gồm thư điện tử công vụ, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, cổng thông tin điện tử được triển khai đồng bộ tại các sở, ngành và huyện, thành phố, thị xã phục vụ việc trao đổi thông tin, luân chuyển văn bản trong quá trình tác nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; giúp quy trình xử lý công việc được khoa học, công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí in ấn văn bản. Đồng thời, cung cấp kịp thời, toàn diện thông tin về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng trao Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho Sở Thông tin và Truyền thông
Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực báo chí- xuất bản dần đi vào nền nếp. Hình thức chất lượng, dung lượng báo chí của tỉnh được tăng cường; tôn chỉ mục đích và kỷ cương hoạt động báo chí được đảm bảo. Báo chí, xuất bản đã thực sự trở thành công cụ phục vụ hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tạo sự đồng thuận xã hội; là lực lượng chủ lực xóa nghèo thông tin, nâng cao dân trí, thúc đẩy tiến bộ xã hội và an sinh xã hội.
Bên cạnh hoạt động quản lý nhà nước từng bước được tăng cường, Sở làm tốt vai trò, vị trí của “người trọng tài" giúp các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, cơ sở in - phát hành tháo gỡ khó khăn, phát huy nội lực; tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tổng doanh thu toàn ngành vẫn tăng trưởng cao trong điều kiện suy thoái kinh tế: năm 2012 đạt 2.082 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương 134 tỷ đồng; năm 2013 đạt 2.390 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương 185 tỷ đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Thông tin và Truyền thông cho 17 cá nhân
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Vọng ghi nhận và biểu dương những kết quả ngành Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc đạt được trong 10 năm qua. Đồng thời bày tỏ tin tưởng toàn ngành sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tựu mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, các đồng chí yêu cầu Sở tích cực, chủ động trong tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh những giải pháp phát triển toàn diện lĩnh vực Thông tin và Truyền thông trên địa bàn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở cả 5 lĩnh vực do ngành phụ trách. Nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh, đưa công nghệ thông tin trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo, quản lý tốt các hoạt động thông tin và truyền thông; khích lệ các cơ quan báo chí phát huy hơn nữa vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân. Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong ngành tháo gỡ khó khăn, phát triển hạ tầng mạng lưới và sản xuất kinh doanh. Chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đầy đủ năng lực, phẩm chất đạo đức và tác phong chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm cao.
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, Sở Thông tin và Truyền thông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 17 cá nhân được trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Thông tin và Truyền thông.