Sơn La: Chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Quỳnh Chi| 22/09/2021 09:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Là một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chính quyền tỉnh Sơn La đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi lĩnh vực như cải cách hành chính, giáo dục, y tế… nhằm góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.

Chuyển đổi số là quá trình số hóa các hoạt động, dữ liệu thông tin trong mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trên môi trường mạng. Quá trình này giúp mọi người tiếp cận thông tin nhiều hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian trong việc thực hiện các giao dịch. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng thì việc chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Tại Sơn La – một tỉnh miền núi phía Bắc, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ từ khi UBND tỉnh quyết định triển khai xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh trên cơ sở đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin, coi đây vừa là nền tảng quan trọng, vừa là nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hiện, Sơn La đang tập trung chuyển đổi số cho một lĩnh vực then chốt của tỉnh, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, như: Cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, nông nghiệp công nghệ cao... bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử

Giai đoạn 2011 – 2020, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước tỉnh Sơn La từng bước được cải thiện, hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, điều hành được nâng cao, tạo thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đến nay, hệ thống thông tin hành chính điện tử của tỉnh, của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã thực hiện kết nối với các cơ quan, tổ chức liên quan, được xây dựng và đưa vào vận hành thông suốt, ổn định, bảo đảm an toàn, an ninh. Trên cơ sở đó, tạo lập nền tảng triển khai thống nhất các hệ thống thông tin, các ứng dụng CNTT phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh và chính quyền cấp huyện, cấp xã.

Sơn La: Chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Đẩy mạnh cải cách hành chính công tại Sơn La.

Hạ tầng kỹ thuật CNTT của các cơ quan nhà nước cơ bản đáp ứng việc triển khai ứng dụng CNTT, 100% cán bộ công chức, viên chức tỉnh, huyện đã được trang bị máy tính phục vụ công việc, 100% máy tính đều được kết nối internet. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước đã được triển khai, kết nối từ Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; 100% máy tính tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện được trang bị phần mềm diệt virus có bản quyền.

Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành dùng chung đã được triển khai tại 19 cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, 12 UBND các huyện, thành phố, 12 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, 323 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ban, ngành và các phòng ban trực thuộc UBND các huyện, thành phố, 204 xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị dưới dạng điện tử (hoàn toàn không dung văn bản giấy) đạt 97%. Đã kết nối đồng bộ và thông suốt hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đến hết các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Sơn La với trục liên thông quốc gia.

Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Sơn La (mail.sonla.gov.vn) được triển khai tập trung, phục vụ cho các cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước (từ tỉnh, huyện và từng bước mở rộng đến cấp xã) trong việc trao đổi, chuyển và nhận thông tin trên môi trường mạng, qua đó nâng cao chất lượng và tính hiệu quả trong công việc của các cơ quan nhà nước. Tổng số tài khoản thư điện tử được cấp hiện nay là hơn 8.000 tài khoản, trong đó có 19 cơ quan hành chính cấp tỉnh, 12 UBND các huyện, thành phố có 100% cán bộ, công chức đã được cấp hộp thư điện tử công vụ sử dụng thường xuyên trong công việc.

100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã có Cổng/Trang thông tin điện tử đáp ứng yêu cầu, đăng tải đầy đủ thông tin giới thiệu về tỉnh, cơ quan đơn vị, địa phương, các tin tức thông tin chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, huyện, các hoạt động trong tỉnh được cập nhật thường xuyên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hành chính đăng tải kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khai thác thông tin; 100% các thủ tục hành chính đã được các sở, ngành, huyện cung cấp trực tuyến mức độ 2 trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, của cơ quan, đơn vị.

Ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục

Ứng dụng công nghệ thông tin, ngành giáo dục tỉnh Sơn La đã triển khai khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu toàn ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, qua đó đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin quản lý giáo dục một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các cấp từ trường học, phòng, Sở, UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sở GD&ĐT Sơn La cũng triển khai phần mềm quản lý điều hành điện tử (i-office) - kết nối các phòng GD&ĐT với Sở GD&ĐT cũng như các cơ quan, ban ngành của tỉnh, phục vụ trao đổi thông tin, văn bản chỉ đạo, quản lý điều hành trên môi trường mạng. Sử dụng có hiệu quả hệ thống phòng họp không giấy tờ (e-cabinet) tại Sở GD&ĐT trong các cuộc họp. Triển khai hệ thống phòng họp trực tuyến tại Sở và các đơn vị trực thuộc trong các cuộc họp và dự giờ trực tuyến, qua đó tiết kiệm thời gian, kinh phí, đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục một cách thường xuyên, liên tục qua việc chuẩn bị tốt từng tiết dạy. Triển khai đồng bộ phần mềm quản lý trường học từ mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó yêu cầu triển khai tối thiểu các module quản lý học sinh, đội ngũ, kết quả học tập, cơ sở vật chất, xếp thời khóa biểu; sử dụng công nghệ trực tuyến; đảm bảo kết nối liên thông dữ liệu từ trường đến phòng, Sở GD&ĐT. Phổ biến, hướng dẫn giáo viên, học sinh và các nhà trường khai thác kho bài giảng e-Learning của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học. 

Ứng dụng CNTT đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng giáo viên chủ động tích hợp CNTT vào từng môn học để nâng cao hiệu quả bài giảng, sử dụng phần mềm trình chiếu, kết hợp các phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo và phần mềm dạy học. Năm 2020, Sở GD&ĐT đã triển khai dự án ứng dụng CNTT trong kiểm định chất lượng giáo dục bằng hình thức quản lý khai báo trực tuyến, đến nay hệ thống đã được hoàn thiện và 100% trường học trên địa bàn toàn tỉnh được cấp tài khoản và bắt đầu đưa vào sử dụng.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Triển khai Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021", Sở Tư pháp tỉnh Sơn La đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch thực hiện; xây dựng Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của tỉnh Sơn La. Hiện nay, Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Sơn La đã được vận hành và đi vào sử dụng tại địa chỉ http://pbgdpl.sonla.gov.vn. 

Sơn La: Chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Trang thông tin cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin về pháp luật; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị biên soạn tài liệu PBGDPL phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Nhằm huy động rộng rãi mạng viễn thông, mạng xã hội tham gia phục vụ công tác PBGDPL, các sở, ngành, các huyện, thành phố ngoài việc triển khai đăng tải kịp thời thông tin về pháp luật trên Trang/cổng thông tin theo quy định, các đơn vị còn sử dụng mạng Facebook, Youtube, Twitter và phần mềm ứng dụng PBGDPL trên điện thoại (hỏi đáp pháp luật, tin nhắn...) phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân. Toàn tỉnh đang có 164/204 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tăng 22 đơn vị cấp xã so với năm 2019, vượt 4 đơn vị so với chỉ tiêu đề ra trong năm 2020.

Hiện nay, Sơn La có 12 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, đông nhất là dân tộc Thái, dân tộc Kinh, dân tộc Mông và dân tộc Mường… Cuộc sống của đồng bào DTTS tại địa phương miền núi này hiện còn gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, với những nỗ lực của chính quyền địa phương, kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống đang ngày càng được nâng cao.

Rõ ràng, việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số một cách sâu rộng đã mang đến những bước chuyển mình cho tỉnh Sơn La. Từ đó, người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS là đối tượng được hưởng lợi, từng bước phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO