Tối ưu hóa vòng quay vốn
Dù quy trình vận hành bị chậm lại do nhiều khu vực thực hiện giãn cách xã hội thời gian qua, nhưng doanh thu của Boxme vẫn tăng trưởng 45 - 50%/tháng.
Hán Văn Lợi, CEO Boxme khẳng định, đôi khi khó khăn của người khác lại là cơ hội cho mình. Chỉ 6 năm có mặt trên thị trường, Boxme từ một công ty cung cấp giải pháp công nghệ đã trở thành mạng lưới dịch vụ hậu cần hỗ trợ thương mại điện tử có vị thế ở Đông Nam Á. Boxme chuyên cung cấp giải pháp tổng thể về lưu kho, thông quan, vận chuyển, thanh toán… và đã bước đầu đạt kỳ vọng bán hàng xuyên biên giới.
Hiện Boxme có văn phòng đại diện tại 6 nước và 10 kho hàng trong khu vực, là đối tác của hơn 50 đơn vị vận tải, thương mại điện tử trong nước và quốc tế, phục vụ hàng chục ngàn khách hàng.
Tuy nhiên, theo Lợi, muốn bắt kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử toàn cầu, các doanh nghiệp phải nỗ lực gấp 3, gấp 5 lần. Đặc biệt, sau giai đoạn chịu tác động bởi Covid-19, thị trường sẽ phát triển và mở rộng rất nhanh, đồng nghĩa với cạnh tranh khốc liệt hơn. Thị trường tiềm năng như Việt Nam sẽ là “miền đất hứa” của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài. Với thế mạnh về vốn, nhiều khả năng họ sẽ chi mạnh để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp Việt phải mất vài năm tìm kiếm, tích góp vốn… để mở được một kho hàng 10.000 m2. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng bỏ số tiền lớn để đầu tư kho 20.000 - 30.000 m2. Với sự đầu tư bài bản, uy tín thương hiệu và mức giá tương đương, doanh nghiệp trong nước khó mà cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại.
Nhiều start-up nội khi mới tham gia thị trường thường nghĩ mình sẽ thành công bằng cách học hỏi lại mô hình, kinh nghiệm của những công ty đã đi trước, rồi đưa vào một chút khác biệt, thậm chí có thể phá giá để hút khách. Tuy nhiên, thị trường đã định hình, mỗi doanh nghiệp có một thế mạnh riêng, nên start-up cần chọn thị trường ngách để phát triển.
Là ngành thiết yếu, cốt lõi của mọi nền kinh tế, nên lĩnh vực logistics đang hấp dẫn nhiều start-up. Hán Văn Lợi đánh giá, thị trường logistics sẽ phát triển nhanh, nhưng luật chơi không dễ dàng thay đổi trong thời gian ngắn. Các start-up không nên chạy theo quy mô, bởi đây là thế mạnh của những doanh nghiệp đi trước. Thay vào đó, start-up hãy tìm ra vòng quay về vốn, tìm ra thế mạnh và tệp khách hàng có thể tạo lợi nhuận cho mình, thì mới có thể phát triển bền vững.
Ứng dụng công nghệ, thu hút nhân tài
Ông Hoàng Đình Nam, Phó giám đốc U&I Logistics miền Bắc cho rằng, start-up, nên đặt ra một khát vọng đủ lớn, đủ mới mẻ để có thể thu hút được nhân tài, nhận được sự hỗ trợ của các nhà đầu tư. Như vậy, cơ hội thành công lớn sẽ hơn.
Theo ông Nam, khi có được mục tiêu, start-up cần xây dựng một môi trường để nhân viên phát triển, thỏa mãn cá tính của mình. Đối với doanh nghiệp logistics, vấn đề nan giải nhất là tuyển dụng được kỹ sư công nghệ giỏi, trung thành. Những người này thường có nhiều khát vọng, nên rất khó giữ chân.
Kinh nghiệm của U&I để thuyết phục được một kỹ sư công nghệ đầu quân là thành lập riêng một công ty công nghệ và cho phép kỹ sư đó được thử sức với dự án do chính mình đề xuất. Công ty chấp nhận mọi tình huống, kể cả thua lỗ.
“Khi dự án thất bại, tôi nói với bạn kỹ sư đó rằng, thay vì nghĩ ra 1 phần mềm thay đổi cả thế giới, chúng ta hãy nghĩ đến phần mềm thay đổi 1 công ty để công ty đó thay đổi 1 ngành nghề. Cuối cùng, kỹ sư đó đồng ý và làm việc toàn tâm, toàn ý với Công ty”, ông Nam chia sẻ.
Nhiều chuyên gia ngành logistics nhìn nhận, yếu tố đảm bảo thành công cho doanh nghiệp là ứng dụng công nghệ vào hoạt động. Tuy nhiên, để có thể tận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất, thì yếu tố con người - đội ngũ vận hành công nghệ - vẫn phải được đặt lên hàng đầu.
Ngoài ra, để phát triển chuỗi cung ứng bền vững, các start-up logistics cũng phải có những ý tưởng xoay quanh việc sử dụng năng lượng, nhiên liệu sạch cho xe vận tải, các giải pháp vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.