Startup Việt Nam: Không lo thiếu nguồn đầu tư, chỉ lo chất lượng dự án kém

Quốc Hùng| 21/12/2021 14:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Giữa khó khăn của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) vẫn có nhiều cơ hội đón nhận vốn từ các quỹ đầu tư và doanh nghiệp lớn, nếu có dự án tốt.

MindX – một startup công nghệ trong lĩnh vực giáo dục vừa hoàn tất vòng gọi vốn Series A với khoản đầu tư 3 triệu đô la Mỹ. Đây là công ty khởi nghiệp được dẫn dắt bởi quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners, cùng với sự tham gia của Công ty Chứng khoán Thiên Việt và quỹ đầu tư Beacon Fund.

Trong khi đó, Homebase, một công ty công nghệ về bất động sản chuyên cung cấp những giải pháp thay thế vay vốn thế chấp truyền thống, cũng vừa huy động thành công 30 triệu đô la để phát triển thêm công nghệ nhằm mở rộng thị trường và đối tác trong nước. Đợt huy động vốn lần này của Homebase thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm như Y Combinator (YC), Partech Partners, Goodwater Capital… Các giám đốc điều hành của những công ty như Microsoft, Opendoor, Y Combinator, Republic, Instacart, SoFi, Truecaller, Abu Dhabi Investment Authority, Binance cũng đầu tư trong đợt gây vốn này.

Câu chuyện hai startup nói trên nhận được vốn đầu tư giữa bối cảnh dịch bệnh hoành hành cho thấy triển vọng của các startup Việt vẫn được các nhà đầu tư chú ý cũng như tiềm năng phát triển thị trường này còn rất lớn.

Mô hình startup nào “hút” vốn?

Thực tế cho thấy, dù dịch Covid-19 gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu nhưng nguồn vốn đầu tư vẫn đều đặn rót vào các công ty khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, dịch vụ tài chính, đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử… Từ đầu năm đến nay, hàng loạt startup Việt Nam đã công bố gọi vốn thành công với số tiền từ hàng trăm ngàn đến hàng chục triệu đô la. Thậm chí có trường hợp nhận được khoản đầu tư lên đến trăm triệu đô la, như ví điện tử MoMo gọi vốn 100 triệu đô la thành công ở Series D; hay VNLife – công ty sở hữu dịch vụ thanh toán VNPay – đã huy động thành công hơn 250 triệu đô la trong vòng gọi vốn Series B.

Đáng chú ý, Tiki hoàn tất vòng gọi vốn Series E nhận về tổng cộng 258 triệu đô la, nâng giá trị startup này lên tiệm cận ngưỡng kỳ lân. Dẫn dắt bởi tập đoàn bảo hiểm toàn cầu AIA, vòng gọi vốn series E còn có sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư khác như Mirae Asset – Naver Asia Growth Fund, Taiwan Mobile cùng cổ đông hiện hữu STIC Investments (Hàn Quốc).

Trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử với nhiều “ông lớn” ngoại chiếm lĩnh phần lớn thị phần, việc các nhà đầu tư rót vốn lớn vào Tiki phần nào thể hiện sự tin tưởng của họ vào nội lực của các startup Việt Nam, đồng thời góp phần khẳng định tiềm năng thu hút nguồn vốn toàn cầu của doanh nghiệp Việt.

Bên cạnh thương mại điện tử, với việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số trong nước ngày càng tăng, các nhà đầu tư đã và đang đặt niềm tin và rót số tiền vào các startup có các giải pháp hữu ích cho doanh nghiệp.

Đơn cử như KiotViet – một startup cung cấp giải pháp phần mềm trọn bộ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa – vào tháng 9 vừa qua đã huy động thành công 45 triệu đô la cho vòng gọi vốn Series B. Vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi Công ty Đầu tư toàn cầu KKR với sự tham gia của nhiều bên như Jungle Ventures (Singapore), Ngân hàng Kasikorn (Thái Lan) và Công ty CVM. Đây là khoản đầu tư thứ sáu của KKR tại thị trường Việt Nam.

Đáng chú ý là trong tình hình dịch bệnh hiện nay các công ty công nghệ tài chính (FinTech) tiếp tục thu hút nhiều vốn ngoại. Báo cáo của Ngân hàng UOB, Công ty Kiểm toán PwC Singapore và Hiệp hội FinTech Singapore gần đây cho thấy, nguồn vốn đầu tư vào FinTech ở ASEAN tăng mạnh trở lại. Chỉ chín tháng đầu năm nay, có 3,5 tỉ đô la đổ vào lĩnh vực này, ở mức cao lịch sử và gấp hơn ba lần so với cả năm ngoái. Sự phục hồi dòng đầu tư vào lĩnh vực FinTech được thúc đẩy bởi 167 thương vụ. Các công ty FinTech Việt Nam huy động được 375 triệu đô la.

Nhiều cơ hội phía trước

Các quỹ đầu tư cho biết vẫn đang tìm kiếm các startup tiềm năng và sáng giá để thực hiện các hoạt động đầu tư. Việt Nam được xem là thị trường có nhiều tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á. Các quỹ đầu tư cho biết họ ấn tượng với thị trường năng động, kinh tế tăng trưởng, dân số trẻ và ưu tiên sử dụng các dịch vụ số, để có thể tiếp tục rót vốn vào các startup.

Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate nhận định Việt Nam là “ngôi sao đang lên” của Đông Nam Á và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba khu vực vào năm 2022. “Cùng với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á của các quỹ đầu tư mạo hiểm”, theo báo cáo “Southeast Asia Ecosystem 2.0” của Golden Gate Ventures.

Tương tự, khảo sát của Do Ventures với 50 quỹ đang hoạt động tại sáu thị trường ở Đông Nam Á cũng cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu trong thời gian tới với các lĩnh vực mới nổi là giáo dục, y tế và dịch vụ tài chính.

Còn theo Ngân hàng HSBC, trong những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, gần theo kịp các quốc gia như Indonesia và Singapore. Với dân số trẻ, độ phủ mạng Internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, cùng sự ủng hộ của Chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ. Lãnh đạo HSBC Việt Nam cũng nhận định, các công ty khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ sau thời kỳ Covid-19 ở Việt Nam. HSBC sẽ tiếp tục kết nối nhà đầu tư nước ngoài với các công ty công nghệ giàu tiềm năng của Việt Nam, bất kể họ đang ở vòng gọi vốn nào.

Không chỉ các quỹ đầu tư, các startup còn đang nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn đồng hành. Đơn cử như Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (TLG) cho biết hiện có quỹ khá lớn để đi đầu tư. Hay Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng rất quan tâm đến đổi mới sáng tạo và mong muốn hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nên đã triển khai dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình. Tập đoàn NextTech mới đây cũng đã ra mắt quỹ đầu tư Next100 Blockchain với quy mô 50 triệu đô la vốn cổ phần và tài sản số (Token).

Cần chuẩn bị kỹ!

Lâu nay các startup chỉ cần sở hữu mô hình kinh doanh và đội ngũ thực thi triển vọng, các quỹ sẽ chủ động tìm đến. Tuy nhiên, các quỹ hiện thận trọng hơn trong việc rót vốn. Thay vì đầu tư sớm, họ sẽ lựa chọn những mô hình, ý tưởng tốt, được cụ thể hóa bằng doanh thu và lợi nhuận rõ ràng. Và việc đầu tư chủ yếu nhằm thúc đẩy những dự án này phát triển nhanh hơn nữa.

Đơn cử như các công ty FinTech giai đoạn cuối (đang bước sang thời kỳ mở rộng quy mô với vòng gọi vốn series C hoặc cao hơn) đang thu hút qua các thương vụ rót vốn lớn. Điều này cho thấy sự chuyển hướng chiến lược của giới đầu tư khi họ thận trọng hơn và tìm cách hạn chế rủi ro bằng cách hậu thuẫn các startup trưởng thành và đã xây dựng được chỗ đứng trên thị trường, có khả năng phát triển mạnh mẽ hơn sau cuộc khủng hoảng Covid-19.

Ở phía các startup, các chuyên gia lưu ý rằng việc gọi vốn quá sớm dễ dẫn đến nguy cơ thất bại. Ngay khi bắt đầu khởi sự kinh doanh, không thể gọi vốn ngay mà phải có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bao gồm cả việc xây dựng nền tảng, quy trình.

Trên thực tế, không phải tất cả các gam màu đều sáng khi một số startup vội vàng nhận đầu tư trong lúc kinh tế đang trong giai đoạn trầm lắng. Các chuyên gia khuyến nghị các startup nên cẩn trọng trong quyết định nhận đầu tư nếu chưa sẵn sàng cho việc chấp nhận nhiều thách thức. Bởi lẽ, một khi nhà đầu tư bỏ tiền vào dự án thì thứ họ mong muốn là có thể thu về lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với việc startup buộc phải nỗ lực hơn nữa để đạt được kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Startup Việt Nam: Không lo thiếu nguồn đầu tư, chỉ lo chất lượng dự án kém
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO