Sử dụng định danh số để triển khai tiêm chủng Covid-19 nhanh chóng, hiệu quả

Bùi Huyền| 26/05/2021 14:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, chiến dịch tiêm phòng vắc-xin Covid-19 đang được triển khai rộng rãi, nhằm giúp người dân tiếp cận với vắc-xin an toàn và hiệu quả.

Kinh nghiệm thực tế từ việc triển khai chương trình tiêm chủng Covid-19 tại nhiều quốc gia cho thấy hệ thống định danh (ID) số có vai trò rất quan trọng. Dữ liệu cá nhân tin cậy và có thể kiểm chứng, bao gồm nhân khẩu học, việc làm, tình trạng sức khỏe và các chỉ số khác để xác định mức độ ưu tiên, sẽ giúp cho việc đăng ký tiêm chủng trở nên dễ dàng hơn nhiều cho cả người dân và chính phủ. Điều này dẫn đến việc phân phối vắc-xin công bằng, hiệu quả và minh bạch, đồng thời tạo ra động lực và tăng cường sự tin cậy đối với chính phủ.

Sử dụng hệ thống định danh số để triển khai tiêm chủng Covid-19 nhanh chóng và hiệu quả - Ảnh 1.

Tại nhiều quốc gia, hệ thống ID và cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư đang được khai thác hiệu quả để phục vụ công tác này. Ví dụ, Vương quốc Anh sử dụng sổ đăng ký bảo hiểm y tế số hóa để triển khai chương trình tiêm phòng vắc-xin Covid-19.

Đan Mạch đã phát triển một trang web để người dân có thể tự vào và đăng ký lịch hẹn tiêm vắc-xin sử dụng NemID, hệ thống ID số được chính phủ công nhận và được liên kết với số đăng ký hộ tịch (CPR) và hồ sơ sức khỏe của họ.

Còn tại Ấn Độ, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 dựa vào Co-WIN, một nền tảng kỹ thuật số trực tuyến do Bộ Y tế nước này phát triển để cung cấp thông tin thời gian thực về nguồn vắc-xin, nhiệt độ bảo quản và theo dõi những người được tiêm. Chính phủ nước này cũng chấp nhận sử dụng hệ thống ID quốc gia (Aadhaar) để mọi người đăng ký tiêm và quản lý các cuộc hẹn. Các chứng chỉ vắc-xin số sẽ được liên kết với Aadhaar của người nhận.

Trong khi đó, Israel đã sử dụng cơ sở dữ liệu liên kết hiện có giữa cơ quan đăng ký dân số quốc gia và hệ thống y tế để thông báo cho mọi người về lịch hẹn và mở rộng địa điểm đăng ký tiêm chủng phổ cập cho trẻ em.

Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều quốc gia vẫn chưa có hệ thống CSDL dân cư đầy đủ, chính xác, khiến cho việc xác định đối tượng thụ hưởng vắc-xin trên quy mô quốc gia gặp khó khăn. Nó không chỉ là việc tìm và xác minh ai đủ điều kiện được tiêm, mà còn là cách liên hệ với họ, cách cho phép họ đặt và quản lý các cuộc hẹn tiêm cũng như cách kết nối thông tin về liều lượng tiêm và tình trạng vắc-xin với hồ sơ y tế của họ... Mặt khác, để đảm bảo chứng chỉ vắc-xin (giấy hoặc kỹ thuật số) tin cậy và an toàn chống lại gian lận, thì chúng phải được liên kết được với danh tính hợp pháp của chủ sở hữu.

Các quốc gia này có thể sử dụng lại dữ liệu từ các nguồn khác nhau - như người sử dụng lao động và chính quyền địa phương.

Việc quyết định hệ thống ID nào sẽ sử dụng để triển khai tiêm vắc-xin - và cách thức - phải đảm bảo nguyên tắc hệ thống này giúp phân phối vắc-xin hiệu quả và không cản trở quyền tiếp cận vắc-xin của bất kỳ người dân nào. Sử dụng ID số sẽ giúp việc triển khai tiêm vắc-xin nhanh chóng hơn nhưng không bao giờ là một yêu cầu bắt buộc để được tiêm vắc-xin. Luôn phải có các lựa chọn thay thế và xử lý ngoại lệ - như đối với người di cư, người tị nạn và người không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào.

Thứ hai, giống như tất cả các nền tảng số, phải có các tùy chọn phi kỹ thuật số để hỗ trợ cho những người có khả năng số hạn chế, đặc biệt là người già và người khuyết tật. Thứ ba, các trường hợp sử dụng phải tuân thủ các khuôn khổ pháp lý địa phương và bảo vệ dữ liệu an toàn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng định danh số để triển khai tiêm chủng Covid-19 nhanh chóng, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO