Sử dụng ứng dụng điện thoại di động phát hiện rò rỉ trên hệ thống cấp nước

Hạnh Nguyên| 13/06/2016 10:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Ý tưởng sử dụng ứng dụng của điện thoại di động phát hiện rò rỉ trên hệ thống cấp nước của ba sinh viên Trường đại học (ĐH) Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã giành chiến thắng trong cuộc thi Sáng kiến thông minh về nước năm 2016 do Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phối hợp Tổng cục Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Nhóm sinh viên thảo luận về giải pháp sử dụng ứng dụng điện thoại di động phát hiện chỗ rò rỉ nước.

Là sinh viên năm thứ tư của Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, nhóm tác giả gồm: Trịnh Quốc Anh, Nguyễn Trần Quang Khải và Võ Phi Long đã dựa trên góc nhìn của các kỹ sư tương lai để tìm ra giải pháp giải quyết thách thức vì một nguồn nước bền vững. Trịnh Quốc Anh, một thành viên của nhóm cho biết, theo số liệu thống kê của TP Hồ Chí Minh, khoảng 30% số lượng nước bị hao tổn trong quá trình phân phối nước. So với tỷ lệ thất thoát nước ở Tô-ky-ô là 3% và ở Xin-ga-po là 4% thì đây là một con số khổng lồ. Nhận thấy điện thoại di động đang được sử dụng rộng rãi với nhiều tính năng thông minh, nhóm sinh viên nói trên đã quyết định đưa ra cách giải quyết vấn đề rò rỉ nước bằng ứng dụng của điện thoại di động. Ứng dụng này sẽ cho phép người dùng có thể chủ động cung cấp thông tin về khu vực đường ống bị rò rỉ để kịp thời sửa chữa, ngăn chặn việc thất thoát nước.

Theo Quốc Anh, thực tế trong một tòa nhà, những người biết được chỗ rò rỉ nước là những người trực tiếp sử dụng nó. Tuy nhiên, những người này thường bỏ qua thông tin trên hoặc không biết sẽ báo với ai trong tòa nhà về chỗ rò rỉ này. Do đó, nhóm đã viết một phần mềm ứng dụng nhằm cung cấp thông tin tới ban quản lý tòa nhà về tình trạng rò rỉ nước chỉ bằng một cú chạm tay trên các điện thoại thông minh. Theo đó, khi có hiện tượng nước rò rỉ, người sử dụng chỉ cần lấy điện thoại di động, truy cập vào ứng dụng này. Hệ thống sẽ định vị được vị trí nước rò rỉ thông qua GPS, từ đó bộ phận kỹ thuật của tòa nhà sẽ nhận được thông tin này và sửa chữa. Việc xây dựng một ứng dụng như thế này không tốn quá nhiều chi phí bởi chỉ cần công sức lập trình và sự đóng góp thông tin do chính người sử dụng gửi về. Điều khó khăn nhất khi xây dựng ứng dụng là xác định được chính xác vị trí đường ống bị rò rỉ. Ứng dụng đòi hỏi cần có bản đồ đường ống nước rõ ràng nhằm tránh được các thông tin gây nhiễu. Ứng dụng muốn đạt kết quả tốt phụ thuộc vào ý thức của người sử dụng và số lượng người sử dụng càng nhiều thì độ chính xác của thông tin càng cao.

Tiến sĩ Phin Gra-ham, chuyên gia quốc tế về khí hậu và nước, thành viên Ban giám khảo đánh giá: “Sáng kiến về nước của các bạn sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh là một ý tưởng đơn giản nhưng có tính nhân rộng cao từ một ứng dụng trên điện thoại di động. Đây cũng là sáng kiến có sự đầu tư về chất xám và sự sáng tạo lớn của các bạn trẻ Việt Nam. Ngày hôm nay, tất cả chúng ta đều sử dụng điện thoại di động và tất cả đều có thể chung tay bảo vệ nguồn nước”.

Với ứng dụng này, ba sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã nhận được một chuyến đi Thụy Điển và tham dự chương trình Tuần lễ nước thế giới tổ chức hằng năm tại Thủ đô Xtốc-khôm, Thụy Điển vào cuối tháng 8 này. Nữ Đại sứ Thụy Điển Ca-mi-la Me-lan-đơ hy vọng đội chiến thắng sẽ học hỏi và tiếp thu nhiều kiến thức mới từ Tuần lễ Nước Thế giới và tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong tương lai. Sau chuyến đi, Đại sứ quán Thụy Điển sẽ tìm những phương án hỗ trợ cho sáng kiến để có thể triển khai trong thực tiễn.

Đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các sáng kiến về nước trong cuộc thi, nhất là sáng kiến ứng dụng di động giúp cảnh báo rò rỉ nước đều có thể áp dụng ngay sau khi cuộc thi kết thúc, góp phần giải quyết bài toán trữ và cung cấp nước sạch cho người dân Việt Nam ở thành thị cũng như nông thôn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng ứng dụng điện thoại di động phát hiện rò rỉ trên hệ thống cấp nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO