Sự kiện thường niên lần thứ 12, do Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục ATTT (Bộ TT&TT) và Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA phát biểu
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA cho biết: Hội thảo năm nay có Cục trưởng Cục Tiêu chuẩn hoá của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tham dự trình bày những quan điểm, định hướng, khuyến nghị và đánh giá về xếp hạng ATTT của Việt Nam.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đảm bảo ATTT giống như việc quan tâm đến y tế dự phòng theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Để làm được việc này thì nhận thức rất quan trọng, tránh “việc nước đến chân mới nhảy”. Hội thảo – triển lãm và các sự kiện liên quan được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường công tác đào tạo… bảo đảm ATTT. Từ nhận thức sẽ có những hành động cụ thể.
Ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNISA cho biết: Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số. Bởi vậy, phát triển năng lực quốc gia về an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết để xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng kinh tế số, phục vụ hoạt động của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Tổ chức với một quy mô lớn nhất từ trước đến nay, Hội thảo năm 2019 lấy một chủ đề lớn, bao trùm, thể hiện khát vọng của những người làm ATTT “Nâng tầm An toàn, An ninh mạng quốc gia trong kỷ nguyên số” (Enhancing national cybersecurity in the digital era), tổ chức vào ngày 29/11/2019, tại Hà Nội.
“Đây sẽ là một diễn đàn quan trọng cấp quốc gia, là sự kiện nổi bật nhất về an toàn, an ninh mạng trong năm 2019 tại Việt Nam”, ông Vũ Quốc Thành nhấn mạnh.
Nội dung Hội thảo tập trung phân tích tầm nhìn, định hướng của chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam; chính sách, thực trạng, nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ ATTT và giải pháp nâng cao thứ hạng về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam.
Toàn cảnh buổi gặp mặt báo chí nhân ngày ATTT Việt Nam
Chương trình Hội thảo gồm phiên Toàn thể vào buổi sáng và 02 phiên Chuyên đề vào buổi chiều, với gần 30 bài phát biểu, tham luận của Lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng; các nhà quản lý, chuyên gia cao cấp về ATTT của các công ty lớn trong và ngoài nước.
Một số điểm nhấn trong Phiên toàn thể buổi sáng:
Phiên 1. An toàn, an ninh mạng cho phát triển quốc gia số sẽ có sự tham dự và phát biểu của chuyên gia cấp cao Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá Chỉ số và tư vấn nâng cao chỉ số ATTT Việt Nam; lãnh đạo cơ quan an toàn, an ninh thông chính phủ Phần Lan chia sẻ về kinh nghiệm đảm bảo ATTT cho phát triển chính phủ số tại Việt Nam; và trình bày chỉ số An toàn, an ninh mạng Việt Nam.
Phiên 2 (tọa đàm) về chủ đề "Nâng cao năng lực ATTT Việt Nam: Chính sách, giải pháp và kinh nghiệm quốc tế", dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Cục ATTT và sự tham gia của các doanh nghiệp CNTT, ATTT lớn của Việt Nam và nước ngoài, bao gồm: 03 Tập đoàn, tổng công ty lớn của Việt Nam là VNPT, CMC, FPT-FIS và 02 công ty về ATTT đa quốc gia là McAfee và Fortinet.
Lãnh đạo Chính phủ bấm nút khai trương Hệ thống Giám sát ATTT phục vụ Chính phủ điện tử do Cục ATTT, Bộ TT&TT, triển khai và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Phiên 3 về chủ đề An toàn, an ninh mạng cho hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia với các báo cáo mạng của 03 công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam và nước ngoài, bao gồm: An ninh mạng Viettel, Amazon Web Services, Huawei…
Buổi chiều sẽ có hai phiên chuyên đề: An toàn, an ninh mạng để phát triển Chính phủ số do Cục ATTT - Bộ TT&TT, Bộ Tư lệnh 86 và VNISA chủ trì. Nội dung tiếp theo về Bảo vệ dữ liệu và phòng chống tấn công trên không mạng do Ban Cơ yếu Chính phủ và Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an chủ trì.
Hội thảo - triển lãm dự kiến thu hút hơn 700 đại biểu, với sự tham gia của Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành trung ương và địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia CNTT, ATTT của Việt Nam và nhiều tập đoàn lớn về công nghệ thông tin hàng đầu trên thế giới.
Các hoạt động bên lề Hội thảo
Tại địa điểm diễn ra Hội thảo, Ban tổ chức còn triển khai các hoạt động:
Khu vực Triển lãm: giới thiệu giải pháp, công nghệ của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu về CNTT, ATTT trong và ngoài nước với 25 gian hàng.
Khu trình diễn công nghệ ATTT (Hacker Street) dành riêng cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các kỹ sư về ATTT giới thiệu, trình diễn các giải pháp, công cụ mới nhất về bảo mật, ATTT với khách mời Hội thảo (trong khu vực 180m2).
Dự kiến sẽ có khoảng 15 bài trình bày của các chuyên gia hàng đầu về ATTT cũng phần trình diễn, giới thiệu trực quan sinh động về các giải pháp bảo mật, ATTT; giới thiệu và trình diễn về cấu hình và quản lý ATTT cho điện toán đám mây.
Tọa đàm B2B Israel và Việt Nam: trao đổi cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, nhằm tạo điều kiện kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với 12 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ATTT mạng hàng đầu của Israel.
Thi Chung khảo “Sinh viên với ATTT ASEAN 2019” : Gồm 12 đội thi Việt Nam xuất sắc nhất trong vòng thi Sơ khảo và 05 đội thi từ các nước ASEAN.
Lễ Tổng kết cuộc thi, trao phần thưởng của Bộ TT&TT, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các đội đoạt giải cao được tổ chức tại Phiên bế mạc Hội thảo.
Lễ vinh danh các sản phẩm, dịch vụ ATTT Việt Nam được bình chọn năm 2019, với 03 danh hiệu: “Sản phẩm ATTT chất lượng cao”, “Sản phẩm ATTT mới xuất sắc” và “Dịch vụ ATTT tiêu biểu” diễn ra trong Phiên toàn thể của Hội thảo.
Cũng trong chuỗi sự kiện, một Hội thảo - triển lãm sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh do Chi hội ATTT phía Nam thuộc VNISA và Sở TTTT TP. HCM tổ chức vào tuần sau.