Startup đầu tiên cung cấp giải pháp cho nhà hàng và công nghiệp thực phẩm
Người sáng lập Foodsteps Anya Doherty cho biết, động lực ra mắt nền tảng này dựa trên sự hiểu biết của bà về những tác động của môi trường đối với lĩnh vực thực phẩm. Nhất là báo cáo năm 2020 của Our World In Data đã cho thấy lĩnh vực thực phẩm được cho là đóng góp 26% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Để rồi, Foodsteps ra đời để các doanh nghiệp (DN) có thể dễ dàng tính toán, giảm thiểu và dán nhãn để đo chỉ số (label) tác động đến môi trường của thực phẩm. Điều này thực hiện thông qua tính năng theo dõi carbon và ghi nhãn đánh giá mức độ tác động cho các nhà hàng, cơ sở phục vụ ăn uống cũng như các DN thực phẩm.
Foodsteps đã phát triển một hệ thống "cơ sở dữ liệu (CSDL) về tác động" (impact database) đầu tiên trên thế giới dựa trên dữ liệu khoa học cập nhật nhất về vòng đời của thực phẩm. CSDL này thể hiện các tác động môi trường, bao gồm các dữ liệu được đánh giá xuyên suốt trong vòng đời thực phẩm như lượng khí thải carbon, sử dụng đất, sử dụng nước và mức độ ô nhiễm khi thải bỏ. Do được phát triển cùng với các nhà khoa học và học giả hàng đầu thế giới tại Đại học Cambridge, CSDL của Foodsteps cung cấp kiến thức đột phá có thể cho phép áp dụng ghi nhãn carbon rộng rãi trong toàn ngành thực phẩm.
Do chạy trên nền tảng đám mây, Foodsteps giúp các DN không cần phải trả phí tư vấn đắt đỏ giống như trước đây đối với các dự án đánh giá và chứng nhận carbon.
Nhờ mang đến một kỷ nguyên công nghệ mới cho ngành công nghiệp thực phẩm, phá vỡ cách các DN đánh giá tính bền vững, Foodsteps đã tăng hơn gấp đôi lượng khách hàng vào năm 2022, thông qua việc bắt tay với các nhà hàng như Pizza Express, Wagamama và Ask Italian. Các đối tác cung cấp bộ đồ ăn như Allplants và Mindful Chef cũng đã bắt đầu sử dụng chương trình Foodsteps.
Giúp các DN bảo vệ môi trường nhờ giải pháp công nghệ
Foodsteps cung cấp 3 giải pháp công nghệ để giúp các DN trở thành người dẫn đầu về tính bền vững, giúp theo đuổi các mục tiêu bảo vệ môi trường: Nền tảng ứng dụng Foodsteps dựa trên lưu trữ dữ liệu đám mây; Phần mềm dán nhãn; Quét mã QR.
Với nền tảng Foodsteps, người dùng có thể khám phá tác động của chính mình đến môi trường, tạo báo cáo và xem các đề xuất để giảm "vết chân carbon" (foot print) trên một nền tảng chung nhất. Ngoài ra, các nhà cung cấp thực phẩm có thể tải lên các công thức nấu ăn và xem xét tác động của từng thành phần đến môi trường. Nó được sử dụng để cải thiện tính bền vững của thực đơn mới.
Người dùng sẽ truy cập vào nền tảng này để kiểm tra mức độ ảnh hưởng bằng cách nhập các nguyên liệu hiện dùng hoặc nhập tên các công thức nấu ăn của mình, nền tảng sẽ tiến hành đánh giá và cho ra kết quả chi tiết. Một nhà hàng sẽ có cái nhìn rõ nhất về những món ăn nào nằm trong menu đang gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường, dựa trên CSDL của Foodsteps. Các đơn vị cũng có thể tải xuống các nhãn dán carbon này để sử dụng trong bao bì sản phẩm, thực đơn online, thực đơn giấy hay trên ứng dụng của mình.
Phần mềm dán nhãn và quy tắc dán nhãn của Foodsteps làm cho việc tính toán "dấu chân carbon" từ đồ ăn, thức uống, sản phẩm từ nông trại đến bàn ăn trở nên cực kỳ đơn giản với giá cả phải chăng. Các nhãn này cung cấp xếp hạng từ A đến E (A nghĩa là tác động môi trường thấp, E nghĩa là tác động môi trường cao), dựa trên ký hiệu đèn giao thông.
Hệ thống xếp hạng A đến E của Foodsteps dựa trên ngân sách hữu hạn của địa cầu cho carbon ngành thực phẩm. Từ đó người dùng dễ dàng điều chỉnh và quan sát các tác động của mình dựa trên một bộ thang điểm chuẩn để so sánh với các sản phẩm khác
Các công ty, nhà hàng, đơn vị kinh doanh thực phẩm có thể chọn in nhãn của riêng mình để truyền đạt rõ ràng tác động môi trường của sản phẩm. Các nhãn dán này được coi là hiệu quả nhất trong việc ảnh hưởng đến nhận thức cũng như việc ra quyết định của người tiêu dùng khi đi siêu thị.
Các nhãn này được phát triển dựa trên nghiên cứu lớn nhất thế giới về ghi nhãn carbon do Đại học Cambridge và bà Anya Doherty- đồng sáng lập Foodsteps, khi đã thử nghiệm dán nhãn trên 85.000 người tiêu dùng.
Ngoài ra, các công ty thực phẩm cũng có thể sử dụng các công cụ giáo dục ảo của Foodsteps để quét mã QR và tìm hiểu thêm về tác động của sản phẩm đối với tính bền vững của môi trường.
Kêu gọi thành công khoản đầu tư 4,1 triệu USD
Foodsteps đã kết thúc vòng tài trợ hạt giống (seed-funding round) thành công, mang về 4,1 triệu USD. Vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi Octopus Ventures, với sự tham gia của Metaplanet, Ascension và Conduit EIS Impact Fund. Tiền mặt sẽ được sử dụng để tài trợ cho tuyển dụng nhân tài ngay lập tức, khi công ty đang muốn tăng gấp đôi đội ngũ của mình trong vòng 12 tháng tới.
Lucy Clarke, nhà đầu tư tại Octopus Ventures cho biết thêm: "Việc hiểu chi tiết tác động của chuỗi cung ứng thực phẩm từ trang trại đến đầu mối là một thách thức vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Foodsteps có thể biến điều này thành hiện thực trong vài ngày".
Trong năm tới, Foodsteps sẽ tập trung vào việc cải thiện cơ sở dữ liệu cốt lõi của mình, bao gồm tích hợp nhiều thu thập về tác động môi trường hơn như: đa dạng sinh học cấp trang trại, dữ liệu sử dụng nước… Công ty cho biết họ cũng hy vọng nhắm mục tiêu đến các doanh nghiệp thực phẩm lớn nhất, tăng danh sách các khách hàng và phát triển quan hệ đối tác hiện có với Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức công nhận trách nhiệm xã hội trong sản xuất toàn cầu (Wrap) để đảm bảo ngành công nghiệp thực phẩm có thể khử cacbon ở tốc độ cao.
Theo đánh giá, ngành công nghiệp thực phẩm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho xã hội bền vững hơn và hành tinh khỏe mạnh hơn và công nghệ đang giúp đẩy nhanh quá trình này. Foodsteps đã ghi danh mình là một cái tên nổi bật trong hành trình, thể hiện qua những giải pháp tiên tiến và sự tin tưởng vững vàng từ các nhà đầu tư.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Taking steps towards net zero world, Foodsteps picks up $4.1 million to label environmental impact of food
[2]. UK-based Foodsteps raises €3.8 million to feed its mission of decarbonising the food sector from farm to fork
[3]. Foodsteps: A Startup with an Appetite for Sustainability