Sửa đổi Luật Tài nguyên nước - Yêu cầu cấp bách để “gỡ” nút thắt phát triển

PV| 11/10/2022 11:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Trước nhu cầu lớn về khai thác, sử dụng nguồn nước hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước. Sửa đổi Luật Tài nguyên nước sẽ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn, xây dựng hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất.

Thiếu các quy định, pháp lý ở cấp luật chuyên ngành

Mặc dù, vấn đề an ninh nguồn nước đang ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược và toàn cầu, tuy nhiên, trong nội dung của Luật hiện hành chưa có giải thích từ ngữ, các nguyên tắc, quy định nào đề cập đến bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia. Việt Nam đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước. Trong các năm 2013, 2016, 2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã thực hiện đánh giá an ninh nguồn nước cho các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương và an ninh nguồn nước của Việt Nam trong các lần đánh giá chỉ đạt mức bảo đảm 2/5, ở mức thấp.

Theo nhận định của TS. Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện nay, hệ thống thoát nước các đô thị cơ bản là hệ thống thoát nước chung, chưa đồng bộ với phát triển đô thị, được xây dựng qua nhiều thời kỳ (nước mưa và nước thải chảy chung), ngoại trừ một số khu vực đô thị mới có đầu tư hệ thống thoát nước riêng. Khu vực nông thôn thoát nước chủ yếu là tự thấm, chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, quản lý thực hiện quy hoạch đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đặc biệt hạ tầng thoát nước không đồng bộ. Tình trạng ngập úng đô thị xảy ra hầu hết các đô thị với tần suất ngày càng gia tăng do mưa và thủy triều, đặc biệt thường xuyên xảy ra tại các đô thị lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ,... và các đô thị ven biển, cửa sông và thậm chí cả các đô thị trung du miền núi cũng xảy ra ngập úng.

Hiện nay, ngành nước (cấp, thoát nước) thiếu hành lang pháp lý ở cấp luật chuyên ngành. Các vấn đề về khai thác nguồn nước, xả thải nước vào các nguồn nước đều được điều tiết chung từ 3 luật: Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi và Luật Bảo vệ môi trường, không có quy định riêng đối với nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

Sửa đổi Luật Tài nguyên nước - yêu cầu cấp bách để “gỡ” nút thắt phát triển  - Ảnh 1.

An ninh nguồn nước của Việt Nam trong các lần đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ đạt ở mức thấp.

Hay như việc đầu tư xây dựng các công trình cấp thoát nước được điều tiết từ Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Doanh nghiệp…

Trong khi đó, Nghị định 117/2007/NĐ-CP và Nghị định 124/2011/NĐ-CP đã ban hành quá lâu với căn cứ các luật đã hết hiệu lực và không còn phù hợp với yêu cầu, thực tế phát triển của ngành cấp nước (như các vấn đề xã hội hóa, cổ phần hóa trong đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán, an ninh, an toàn nguồn nước, cấp nước an toàn…).

Ngoài ra, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải chỉ có các quy định chung cho thoát nước, chưa rõ các nội dung về thoát nước mưa; thoát nước và xử lý nước thải; các vấn đề đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thoát nước (trách nhiệm cấp chính quyền, tổ chức, người dân, nguồn lực đầu tư, chi phí chi trả cho dịch vụ nước mưa, nước thải và phòng chống ngập úng đô thị…)

Trong số những tồn tại, bất cập về pháp luật tài nguyên nước, phải kể đến việc chưa xem tài nguyên nước là tài sản công của các quốc gia (như quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013), cần phải được sử dụng, quản lý hiệu quả một cách bền vững, chia sẻ công bằng và cùng có lợi, phù hợp với luật pháp và cam kết quốc tế; trong khi đó, tình trạng thiếu thống nhất còn kéo dài trong quản lý Nhà nước về tài nguyên nước; còn nhiều trùng lặp, chồng chéo, phân cấp bất cập trong quản lý giữa các địa phương, bộ, ngành (tài nguyên &Môi trường, giao thông đường thủy, điện lực, cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn, nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt,…).

Nhiều nội dung trọng tâm được đề cập trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

TS. Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, Bộ TN&MT sẽ đề xuất xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi với các chính sách, nội dung trọng tâm, trọng điểm.

Cụ thể, về bảo đảm an ninh tài nguyên nước, Luật bổ sung các quy định về bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia theo hướng tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ Luật Tài nguyên nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao mức bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, an ninh nước cấp cho sinh hoạt.

Về bảo vệ tài nguyên nước, Luật bổ sung các quy định về bổ sung nhân tạo nước dưới đất và quản lý các hoạt động trong các vùng được xác định là vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng không có nước mặt và vùng bổ cập cho nước dưới đất; Sửa đổi, bổ sung các quy định trong các hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước; Sửa đổi, bổ sung và luật hóa các quy định liên quan đến hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông….

Cùng với đó, về xã hội hóa ngành nước, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tăng cường xã hội hóa trong các hoạt động thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước như: Quan trắc tài nguyên nước; phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; bảo vệ lòng bờ, bãi sông, khôi phục cảnh quan, phát triển nguồn sinh thủy…

Liên quan đến vấn đề tài chính về tài nguyên nước, Luật bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế, giá trị hàng hóa (ngoài giá trị xã hội) và nâng cao giá trị đóng góp của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế xã hội; bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy.

Ngoài các nhóm chính sách trọng tâm, trong quá trình sửa đổi bổ sung, Bộ TN&MT cũng sẽ xem xét sửa đổi một số nội dung nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập, chồng chéo, xung đột, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về tài nguyên nước dưới đây và các nội dung Luật Tài nguyên nước khác còn bất cập, thiếu khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn: đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh gồm vật thể/đối tượng chứa nước, dòng sông, tầng chứa nước; về thủ tục hành chính.

Hiện nay, Bộ TN&MT đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm lấy ý kiến các Bộ, ban, ngành trung ương, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các địa phương, các doanh nghiệp thuộc khu vực phía Nam về các định hướng xây dựng Luật tài nguyên nước sửa đổi, cũng như các nội dung cụ thể của dự thảo Luật./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Luật Tài nguyên nước - Yêu cầu cấp bách để “gỡ” nút thắt phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO