Sửa luật để phòng chống tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp

Lê Văn Sáng| 30/09/2022 09:29
Theo dõi ICTVietnam trên

ThS luật Lê Văn Sáng (Khoa Cảnh sát kinh tế, Học viện Cảnh sát nhân dân) đưa ra một số đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp.

1. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tiễn, cụ thể:

- Cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP theo hướng xác định rõ các hoạt động huy động vốn, kinh doanh ngoại tệ, "tiền ảo", cho vay… theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và bị pháp luật cấm. Nghiên cứu nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương có đề xuất phương án sửa đổi định nghĩa kinh doanh theo phương thức đa cấp như sau: "Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới". So sánh với nội dung quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, dự thảo đã bỏ từ "kinh doanh" trong cụm từ "là hoạt động kinh doanh". Với việc sửa đổi như trên, khi Nghị định sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, các cơ quan chức năng không cần viện dẫn điều khoản định nghĩa khái niệm "kinh doanh" trong Luật Doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, nghiên cứu quy định tại khoản 21 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 cho thấy khái niệm "kinh doanh" đã có sự sửa đổi so với Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể: "Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận".

Theo định nghĩa mới, hoạt động kinh doanh đã bao gồm cả hoạt động đầu tư và các hoạt động huy động vốn, nhận ủy thác đầu tư… đều thuộc nội hàm của khái niệm "kinh doanh". Do vậy, các hoạt động này khi được thực hiện theo phương thức đa cấp đã mặc nhiên chịu sự điều chỉnh của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và bị cấm theo quy định pháp luật. Các cơ quan chức năng có đủ cơ sở để xử lý những hành vi này theo quy định pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Do đó, việc sửa đổi quy phạm định nghĩa "kinh doanh theo phương thức đa cấp" tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP là không còn cần thiết nữa. Tuy nhiên, để thống nhất nhận thức về vấn đề này, cần thiết ban hành hướng dẫn cụ thể về hoạt động đầu tư, trong đó ghi nhận các hoạt động như: Huy động vốn, nhận ủy thác đầu tư, kinh doanh dịch vụ tài chính, tiền tệ, "tiền ảo"… thuộc hoạt động đầu tư.

- Cần ban hành hướng dẫn cụ thể những "trường hợp pháp luật có quy định khác" về đối tượng của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, từ đó giúp lực lượng CSKT chủ động trong quá trình xác minh, xử lý các vụ việc phát sinh trong thực tiễn như: Doanh nghiệp tổ chức hệ thống cung cấp dịch vụ môi giới bảo hiểm, dịch vụ du lịch, dịch vụ giáo dục, kinh doanh theo mô hình đa cấp đối với các đối tượng không phải là hàng hóa như tiền ảo, ví điện tử, huy động tài chính… để tránh việc các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. 

- Quy định rõ các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp phát triển bán hàng đến địa phương nào thì phải thành lập chi nhánh, văn phòng hoặc địa điểm hoạt động tại địa phương đó; Chỉ được gửi thông báo hoạt động kinh doanh đa cấp đến địa phương mà doanh nghiệp đã có hoạt động kinh doanh đa cấp, tránh tình trạng doanh nghiệp gửi thông báo nhưng thực tế lại không hoạt động trên địa bàn. Bổ sung quy định địa điểm hoạt động theo đăng ký phải là địa điểm hoạt động chính của doanh nghiệp tại địa phương chứ không phải là chỗ ở của người đại diện để tạo thuận lợi các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra hàng hóa kinh doanh của doanh nghiệp. Sửa đổi, bổ sung quy định người đại diện tại địa phương trong hoạt động kinh doanh đa cấp phải là người đang là thành viên, cộng tác viên hoặc là người đứng đầu hệ thống để các cơ quan chức năng thuận lợi trong công tác theo dõi, quản lý. 

2. Đề xuất bổ sung vào điều 73 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP mục về "phạt tiền đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp bị cấm", bao gồm các hành vi huy động vốn, nhận ủy thác đầu tư, kinh doanh dịch vụ tài chính, tiền tệ, "tiền ảo" theo phương thức đa cấp. 

3. Đối với Điều 217a của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đề xuất sửa quy định tại khoản 1 thành: "Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp bị cấm theo quy định pháp luật, hoặc tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây…". 

Đề xuất bổ sung vào Điều 217a mục 4 quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại có hành vi tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp bị cấm theo quy định pháp luật, hoặc tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Đồng thời các cơ quan tư pháp cần có văn bản đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn thực hiện quy định tại Điều 217a BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để đảm bảo việc áp dụng pháp luật thống nhất, trong đó cần hướng dẫn cụ thể việc áp dụng Điều 217a, Điều 174, Điều 290 trong các trường hợp tương ứng./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sửa luật để phòng chống tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO