Tác động của CMCN 4.0 tới thị trường việc làm ASEAN

TH| 20/03/2019 09:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) sẽ khiến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội thay đổi nhanh chóng và phức tạp. Điều này đặt ra không ít thách thức cho người lao động.

Tác động của CMCN 4.0 tới thị trường việc làm

CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững và là cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cuộc cách mạng này còn giúp các nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hoá bằng cách đi tắt đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.

Nhờ chuyển đổi số và CMCN 4.0, có thể sản lượng tương tự từ 6 nền kinh tế hàng đầu của ASEAN ngày nay sẽ được sản xuất bởi chưa đến 28 triệu công nhân vào năm 2028.

Chuyển đổi số được coi là tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng lao động nhưng tác động của nó chưa bao giờ được định lượng cụ thể. Để giải quyết vấn đề này, Tập đoàn Cisco đã phối hợp với Oxford Economics cùng thực hiện một nghiên cứu và đưa ra báo cáo về Công nghệ và tương lai của các ngành nghề ASEAN, dự báo đến năm 2028, lao động trong các ngành nghề trong 6 nền kinh tế phát triển nhất trong ASEAN (ASEAN 6) có khả năng sẽ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo (AI) và robot.

Trong đó, nông nghiệp sẽ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất, với dự kiến khoảng 6,6 triệu lao động dư thừa vào năm 2028. Nhu cầu về lao động nông nghiệp có tay nghề và lao động phổ thông sẽ giảm do các công việc này có thể được nhân rộng với việc áp dụng công nghệ.

Tuy nhiên, việc tăng năng suất nhờ áp dụng công nghệ cũng sẽ giúp giảm bớt giá thành sản phẩm và thúc đẩy tăng trưởng, từ đó sẽ tạo ra nhu cầu mới cho người lao động trong các lĩnh vực khác như bán buôn và bán lẻ, sản xuất, xây dựng và vận tải. Sự gia tăng trong chi tiêu bán lẻ dự báo sẽ tạo ra nhu cầu việc làm trong bán buôn và bán lẻ. Tuy nhiên, những công việc này cũng sẽ được định hướng để áp dụng công nghệ - kỹ thuật nhiều hơn nên các công việc như phụ trách thu ngân, quầy bàn, nhân viên kho sẽ không cần nhiều lao động nữa.

Tác động của việc áp dụng công nghệ trong ASEAN 6 đối với các lĩnh vực và việc làm (2018 - 2028)

Khi thị trường lao động phát triển, các kỹ năng cần thiết cũng sẽ thay đổi. Nghiên cứu cho thấy 41% trong số 6,6 triệu lao động dư thừa thiếu hoàn toàn các kỹ năng CNTT cần thiết cho các công việc mới.Gần 30% thiếu các kỹ năng tương tác cần thiết đối với các vị trí tuyển dụng trong tương lai như đàm phán, thuyết phục và kỹ năng dịch vụ khách hàng.Chỉ hơn 25% thiếu các kỹ năng cơ bản như học tập, đọc và viết thành thạo.

Thay đổi chính sách

Để giảm thiểu điều này, các nước ASEAN 6 sẽ phải thực hiện những thay đổi chính sách lớn đối với hệ thống giáo dục của họ. Các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức giáo dục, nhà cung cấp công nghệ và tổ chức lao động cần phải cùng nhau làm việc để trang bị cho người lao động các công cụ và bộ kỹ năng cần thiết cho quá trình chuyển đổi số.

Kiran Karunakaran, một chuyên gia tại công ty tư vấn Delta Partners cho biết việc áp dụng AI có thể đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng chứa đựng rủi ro. Các ứng dụng này được áp dụng nhanh chóng vì chúng có thể dẫn đến gia tăng doanh thu và lòng trung thành của khách hàng, nhưng khi triển khai không phù hợp và chính xác nó sẽ dẫn đến rủi ro thương mại ngắn hạn.

Khi AI ngày càng phát triển sẽ có nhiều ứng dụng AI được chấp nhận, nhằm giảm bớt chi phí và cải thiện năng suất. Tại các quốc gia đang đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ, việc làm trong các trung tâm chăm sóc khách hàng hoặc thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO) có thể gặp rủi ro.“Philippines có lẽ là thị trường sẽ cảm nhận được tác động này nhiều nhất, tiếp theo là Thái Lan và ở một mức độ nào đó tại Indonesia”, ông Kiran Karunakaran cho biết thêm.

Theo ông, tốc độ ứng dụng AI nên được quản lý thông qua sự cân bằng giữa quy định, chính sách và sự hỗ trợ. Nếu không, toàn bộ các ngành công nghiệp có nguy cơ bị gián đoạn và những tác động tới xã hội có thể rất lớn. Chính phủ nên thúc đẩy việc ứng dụng AI trong phân phối năng lượng, hệ thống chăm sóc sức khỏe và sản xuất thực phẩm.

Tại Singapore, ước tính có 500.000 việc làm bị thay thế vào năm 2028 do chuyển đổi số. Mặc dù con số này dường như rất nhỏ nhưng nó chiếm gần 21% lực lượng lao động. Trong khi đó, tại Việt Nam và Thái Lan dự kiến ​​sẽ có lần lượt 7,5 triệu và 4,9 triệu người phải thay đổi công việc vào năm 2028, tương ứng với 13,8 và 11,9% lực lượng lao động của họ. Phần lớn các công việc này là đơn điệu và được phân loại là năng suất thấp, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sự dịch chuyển việc làm ở Indonesia và Philippines sẽ thấp hơn về tỷ lệ phần trăm lực lượng lao động. Điều này là do sự phong phú của lao động giá rẻ ở các thị trường này, khiến việc áp dụng công nghệ khó thể hiện được lợi thế về tiết kiệm chi phí.

Tại Campuchia, nơi ngành dệt may, quần áo và giày dép (TCF) chiếm khoảng 90% sản phẩm xuất khẩu, tự động hóa đe dọa hơn 600.000 việc làm. Mức lương thấp và tính chất phi cấu trúc tương đối của công việc hiện đang hạn chế mức độ tự động hóa và công  nghệ, Foo Suan Yong, chuyên gia cao cấp tại Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN 3 (AMRO) cho biết.

Ở các nền kinh tế đang phát triển, việc làm truyền thống dịch chuyển từ các công việc nông nghiệp giá trị thấp sang các công việc sản xuất có giá trị thấp. Đây sẽ là bước đệm cho các công việc có giá trị cao hơn trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ khi nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, báo cáo đã đưa ra một số kịch bản trong đó chỉ 40% việc làm mới sẽ được tạo ra trong lĩnh vực sản xuất trong thập kỷ tới, phần còn lại sẽ là trong các dịch vụ. Phát triển các nền kinh tế ASEAN sẽ phải có những bước nhảy vọt từ giai đoạn sản xuất sang dịch vụ để theo kịp sự thay đổi nhanh chóng về nhu cầu việc làm.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tác động của CMCN 4.0 tới thị trường việc làm ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO