Tài nguyên Internet Việt Nam 2014

03/11/2015 20:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Trung bình trong năm 2014, hằng tháng có 54 khối địa chỉ IPv6 của Việt Nam được định tuyến toàn cầu (Malaysia: 80, Nhật bản: 357, Thái Lan: 99), có 18 số hiệu mạng có quảng bá IPv6 của Việt Nam (Malaysia: 45, Nhật bản: 237, Thái Lan: 45). Theo thống kê của Google, trong năm 2014, ở quy mô toàn cầu số lượng người sử dụng IPv6 để kết nối đến Google đạt 5%. Ở Việt Nam, con số này là không đáng kể.

Ngày 5/12/2014, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đã chủ trì tổ chức hội thảo và triển lãm thường niên "Internet Day" với chủ đề "Kỷ nguyên Online" tại thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo đã thu hút hơn 1.000 khách tham dự đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp. Nhân dịp này, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã công bố Báo cáovà trình bày tham luận "Phát triển tài nguyên Internet - tiền đề để phát triển Internet Việt Nam, hướng tới kỷ nguyên Online".

INTERNET VIỆT NAM PHÁT TRIỂN MẠNH NHƯNG VẪN CÒN NHỮNG KHÓ KHĂN

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng nhấn mạnh, trong nền kinh tế tri thức, kỷ nguyên trực tuyến đang là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người dân và phục vụ tốt cho sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia. Với Việt Nam, đây vừa là cơ hội thuận lợi vừa là thách thức không nhỏ. Về thuận lợi, Việt Nam hiện có hơn 130 triệu thuê bao di động, trong đó có hơn 26 triệu thuê bao 3G, gần 6 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định trong tổng số 36 triệu người sử dụng Internet (40% dân số). Tính đến hết tháng 10/2014, tổng băng thông kết nối Internet trong nước đạt 700 Gbit/s, quốc tế đạt 878 Gbit/s.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn những thách thức không nhỏ: mạng lưới ở nhiều khu vực, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo còn thiếu và yếu. Việt Nam cũng chưa có nhiều loại hình dịch vụ và ứng dụng có giá trị trên Internet. Ở nhiều lĩnh vực, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) còn hạn chế, chưa phát huy tối đa lợi ích mà CNTT, viễn thông và Internet có thể mang lại. Môi trường mạng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã nêu ra 4 giải pháp chủ đạo nhằm khắc phục những thách thức hiện nay:

Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và triển khai cơ chế chính sách hỗ trợ, phát triển mạng lưới và phổ cập Internet băng rộng tới mọi miền đất nước; tăng cường thực thi pháp luật về đảm bảo an toàn thông tin, sở hữu trí tuệ để tạo niềm tin cho người sử dụng các giao dịch trực tuyến.

Thứ hai, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế, sáng tạo trong sản phẩm, dịch vụ và chiến lược kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dùng.

Thứ ba, Hiệp hội Internet Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giúp các hội viên đến gần nhau hơn, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Thứ tư, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và người dân trong toàn xã hội cần khai thác hiệu quả khả năng kết nối mọi nơi, mọi lúc của Internet và môi trường hội tụ của CNTT, truyền thông nhằm phục vụ tốt hơn cho công việc và nhu cầu của mình.

TÊN MIỀN ".VN" TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG, CAO NHẤT ĐÔNG NAM Á

Theo báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2014, kể từ năm 2011 đến nay, tên miền ".vn" liên tục là tên miền quốc gia (ccTLD) có số lượng đăng ký sử dụng cao nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 7 châu Á. Năm 2014, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng số lượng tên miền vẫn tăng trưởng với tốc độ 13%, đến hết tháng 10/2014 đạt 291.103 tên miền với 17 nhà đăng ký. Dự kiến hết tháng 12/2014 sẽ đạt 300.569 tên miền. Tỷ lệ tên miền ".vn" có website hoạt động chiếm 70,9%, trong đó 82,95% website được hosting tại các máy chủ có địa chỉ IP tại Việt Nam và 17,05% website được lưu trữ tại các máy chủ nước ngoài. Tỷ lệ sử dụng web cao nhất thuộc về đuôi tên miền ".gov.vn" với 81,90% có website.

Kể từ năm 2010, số lượng đăng ký tên miền ".vn" bắt đầu vượt lên so với tên miền quốc tế với sự cách biệt ngày càng rõ rệt. Tương tự các năm trước, năm 2014, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn là hai trung tâm có lượng người đăng ký và sử dụng tên miền chủ yếu. Trong tổng số tên miền đang duy trì trong hệ thống, đối tượng đăng ký, sử dụng tên miền là cá nhân có xu hướng ngày càng tăng qua các năm, đạt 41,71% năm 2014, so với 39,70% năm 2013 và 36,85% năm 2012.

Tên miền ".vn" được cấp phát cho chủ thể nước ngoài từ năm 1999. Qua 15 năm phát triển, thị trường tên miền ".vn" tại nước ngoài còn thấp, chiếm 6,76% tổng số tên miền ".vn".

Về cơ cấu đuôi tên miền, ".vn" tiếp tục chiếm tỷ lệ cao nhất (53,48%), tiếp theo là ".com.vn" với 33,51%. Về sử dụng tên miền trong thương mại, kết quả điều tra khảo sát năm 2014 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tháng 11/2014 cho thấy 70% doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng tên miền ".vn" cho hoạt động kinh doanh, quảng bá, 27% dùng tên miền quốc tế dưới ".com". Theo lĩnh vực hoạt động, tỷ lệ các doanh nghiệp có website sử dụng tên miền ".vn" tương đối đồng đều trong khoảng từ 60 - 90%, trong đó cao nhất là nhóm tài chính, bất động sản (89%), năng lượng, khoáng sản (82%)... thấp nhất là nhóm nông, lâm, thủy sản (62%).

Tháng 10/2014, VNNIC đã chính thức chuyển đổi thành công hệ thống quản lý, cấp phát tên miền ".vn" sang hệ thống mới theo mô hình Cơ quan quản lý - Nhà đăng ký (Shared Registry System), sử dụng chuẩn giao thức quốc tế EPP (Extensible Provisioning Protocol). Việc chuyển đổi sang hệ thống quản lý mới với các công nghệ hiện đại góp phần nâng cao năng lực quản lý và thúc đẩy phát triển tên miền ".vn" trong và ngoài nước.

Về tài nguyên tên miền tiếng Việt, theo báo cáo hiện trạng tên miền đa ngữ trên toàn cầu, với số lượng đạt tới 1.015.701 (tháng 9/2014), tốc độ tăng trưởng 6,73%/năm so với thời điểm 31/12/2013, tên miền tiếng Việt đánh dấu vị trí số 1 thế giới về tên miền bản địa (Internationalized Domain Name-IDN. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng tên miền tiếng Việt còn thấp, chỉ chiếm khoảng 16% tổng số tên miền đã đăng ký. Hiện nay đang có 04 dạng dịch vụ được cung cấp miễn phí cho tên miền tiếng Việt là Web Redirect, Web Template, DNS Hosting và DNS Delegate.

TÀI NGUYÊN ĐỊA CHỈ IPv4 Ở VỊ TRÍ SỐ 2ĐÔNG NAM Á

Năm 2014, số lượng địa chỉ IPv4 được cấp phát ở Việt Nam duy trì không tăng trưởng ở mức 15.627.008 địa chỉ, giữ vị trí thứ 2 tại Đông Nam Á, sau Indonesia (17.636.864 địa chỉ) và trên Thái Lan (8.622.336 địa chỉ). Do sự cạn kiệt địa chỉ IPv4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên kể từ 15/4/2011, APNIC thực hiện chính sách cấp phát hạn chế IPv4, mỗi tổ chức thành viên trong khu vực chỉ được xin cấp một lần duy nhất với số lượng tối đa là 1.024 địa chỉ. Vì vậy, kể từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng trưởng địa chỉ IPv4 đã chững lại. Lĩnh vực chiếm tỉ lệ lớn nhất lên tới 41% tổng số lượng thành viên địa chỉ là các doanh nghiệp viễn thông và Internet. Nhóm thành viên này sử dụng hơn 98% vùng địa chỉ IPv4.

IPv6: NHÀ NƯỚC QUYẾT TÂM, ISP SẴN SÀNG

Tính đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thúc đẩy triển khai IPv6 ở Việt Nam khá đầy đủ. Chính phủ Việt Nam thể hiện quan điểm rõ ràng và rất tích cực trong việc thúc đẩy triển khai IPv6. Riêng trong năm 2014, VNNIC đã chủ trì tổ chức 05 sự kiện thúc đẩy phát triển IPv6.

Trung bình trong năm 2014, hằng tháng có 54 khối địa chỉ IPv6 của Việt Nam được định tuyến toàn cầu (Malaysia: 80, Nhật bản: 357, Thái Lan: 99), có 18 số hiệu mạng có quảng bá IPv6 của Việt Nam (Malaysia: 45, Nhật bản: 237, Thái Lan: 45). Theo thống kê của Google, trong năm 2014, ở quy mô toàn cầu số lượng người sử dụng IPv6 để kết nối đến Google đạt 5%. Ở Việt Nam, con số này là không đáng kể. Số liệu thống kê qua Lab của APNIC cũng cho thấy sự hiện diện của IPv6 trên mạng Internet Việt Nam trong năm 2014 là 0,07% và không có chiều hướng tăng trưởng qua các tháng trong tương quan so sánh với các quốc gia khác trong khu vực như Nhật Bản 7%, Malaysia 5%, Trung Quốc 2% và Thái Lan 0,5%. Các ISP Việt Nam mới chỉ thể hiện sự sẵn sàng với IPv6 ở phía mạng lõi (qua số lượng vùng địa chỉ IPv6 và số hiệu mạng quảng bá IPv6) nhưng vẫn chưa vượt qua trở ngại ở phân mạng truy nhập để triển khai IPv6 đến khách hàng. Đây cũng chính là chỉ số cần lưu ý thúc đẩy nhất ở Việt Nam trong thời gian tới.

Hà Phương

(TCTTTT Kỳ 1/12/1014)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Tài nguyên Internet Việt Nam 2014
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO