Tấm gương tự học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

03/11/2015 22:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng chiến thắng Điện Biên Phủ, việc nghiên cứu, suy ngẫm lại những bài học làm người của Đại tướng là rất ý nghĩa cho thế hệ trẻ ngày nay. Đại tướng là một trong những hình mẫu tự học và học suốt đời thành công nhất trên thế giới.

Võ công truyền quốc sử

Văn đức quán nhân tâm

Đôi câu đối chỉ vẻn vẹn 10 chữ của GS. Vũ Khiêu đã khái quát toàn bộ phẩm chất con người và thành tựu phi thường của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Đại tướng của lòng dân và danh tướng của thế giới. Điểm vô cùng đặc biệt là Ông chưa từng học bất kỳ một trường quân sự chính quy nào nhưng lại lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh thắng cả 2 cường quốc quân sự hùng mạnh là Pháp và Mỹ.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng chiến thắng Điện Biên Phủ, việc nghiên cứu, suy ngẫm lại những bài học làm người của Đại tướng là rất ý nghĩa cho thế hệ trẻ ngày nay. Đại tướng là một trong những hình mẫu tự học và học suốt đời thành công nhất trên thế giới nhờ 3 yếu tố chính sau:

Thứ nhất, Đại tướng là người có tố chất bẩm sinh thông minh và ham hiểu biết.

Từ nhỏ, "cậu Giáp" đã nổi tiếng học giỏi dù có lúc học tài thi phận. Ông từng đỗ đầu tỉnh kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học, phải khai tăng 1 tuổi để học tiếp nhưng lại trượt lần đầu kỳ thi lên bậc trung học trường Quốc học ở Huế. Đến khi đỗ, Ông luôn học đứng đầu lớp. Nhờ ham đọc sách mà cụ Phan Bội Châu từng nói: “Khi nào tôi mất, tủ sách này để lại cho cậu Giáp”. Trong thời kỳ 1935-1936, Ông vừa dạy học, vừa làm báo, viết sách, hoạt động cách mạng nhưng vẫn theo học Kinh tế trường Cao đẳng Luật thuộc Viện Đại học Đông dương. Ông đỗ ngoại hạng môn Kinh tế Chính trị và từng được GS Grégroire Khérian, Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế Chính trị dự kiến cấp học bổng cho Ông sang học tiếp tại Paris.

Thứ hai, Đại tướng học từ những người giỏi nhất, tiếp thu tinh hoa quân sự, chính trị của cả phương Đông và phương Tây.

Ông say mê nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, đúc rút ra những bài học quân sự trong lịch sử nước nhà và thế giới. Khi giảng về lịch sử kháng chiến chống Pháp, Ông dẫn học trò đến nơi Garnier bị chết trên bờ đê Giảng Võ, Henri Rivière bị giết ở gần Cầu Giấy và hỏi học trò: “Tại sao Hà Thành với hơn nửa vạn quân mà nhanh chóng thất thủ như vậy, lần thứ nhất trước 200 quân Pháp, lần thứ 2 trước 500 quân Pháp?”. Ông giúp học trò hiểu rõ tính chất tiến bộ của Cách mạng tư sản Pháp và sức mạnh của quần chúng  lớn đến mức nào. Tiếp đến là các trận chiến oanh liệt của nhân dân Tây Ban Nha chống phát xít Franco, các trận đánh kinh điển của Napoleon … Từ năm 1946, Ông nghiên cứu tác phẩm kinh điển của nghệ thuật quân sự phương Tây: “Bàn về chiến tranh” do học giả quân sự lỗi lạc Clausewitz viết. Trong đó, Ông đặc biệt lưu ý tới lý luận về chủ thuyết “Chiến tranh nhân dân” để áp dụng vào tình hình Việt Nam vì rất phù hợp với lịch sử quân sự của ông cha ta: “lấy yếu thắng mạnh”, “dùng đoản binh thắng trường trận” …  Nghiên cứu phương Đông, Ông viết cuốn “Muốn hiểu rõ tình hình quân sự Tàu” với bài học kinh nghiệm từ nhân dân Trung Quốc chống quân phiệt Nhật bản xâm lược … Bên cạnh đó, Hồ Chủ tịch như người thầy lớn của Ông về tinh thần, đường lối Cách mạng và nghệ thuật lãnh đạo. Các cố vấn Trung quốc cũng là những nhà quân sự tài ba, có rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc “Vạn lý trường chinh” và “kháng Mỹ, viện Triều” như Đại tướng Trần Canh, Thượng tướng Vi Quốc Thanh …

Thứ ba, tài năng quân sự của Đại tướng liên tục được nâng cao nhờ biết cách vận dụng linh hoạt, sáng tạo các lý luận quân sự theo sát thực tiễn chiến đấu, thậm chí vận dụng cả những nghệ thuật từ ngành nghề khác áp dụng vào quân sự.

            Đỉnh cao sáng tạo, linh hoạt của Ông chính là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Chỉ cách giờ nổ súng vài tiếng, Ông đã rất quyết đoán chuyển từ chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” sau một thời gian quan sát kỹ lưỡng diễn biến củng cố quân sự của Pháp và phân tích kỹ điểm yếu của quân ta. Đây là một quyết định mang đậm nhãn quan quân sự cá nhân sắc sảo, bản lĩnh dũng cảm, quyết đoán của Ông trong hoàn cảnh toàn bộ tướng lĩnh, kể cả cố vấn Trung Quốc đã hoàn toàn tán thành chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh”. Ông có nhiều kinh nghiệm làm báo và đã chia sẻ 1 điều rất lý thú về mối quan hệ giữa nghệ thuật làm báo với nghệ thuật quân sự trong bài “Mười lăm năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám”, đăng trên Tạp chí Nhà báo và Công luận số tháng 8/1991 như sau: “Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú. Sau này, khi chuyển qua công tác quân sự, tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng … Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng, nhẹ, phải kết hợp với nhau một cách hữu cơ, tạo nên sự hài hòa như những màu sắc của một tác phẩm hội họa, mới mang lại hứng thú cho người đọc …”

            Vào thời bình, khi tuổi đã cao và được giao trách nhiệm khác ngoài quân sự, Đại tướng vẫn luôn vận dụng nhuần nhuyễn các nguyên tắc tự học của mình trong công tác, được mọi tầng lớp nhân dân, trí thức rất mực kính trọng. Tuy Đại tướng đã đi xa nhưng tấm gương sáng tự học và học suốt đời của Đại tướng còn sáng mãi cho lớp lớp hậu thế noi theo.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Tấm gương tự học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO