Tận dụng cơ hội dân số vàng để tăng năng suất lao động

Linh An| 01/12/2022 11:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Việt Nam có cơ cấu “dân số vàng” với lực lượng lao động dồi dào khoảng 51,6 triệu người, chiếm trên 55% dân số. Tuy nhiên, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của dân số vàng cũng đồng thời đã bước vào giai đoạn già hoá dân số, nếu không tận dụng được cơ hội dân số vàng để cải thiện năng suất lao động, thì dư lợi dân số sẽ về âm.

Tận dụng thời cơ, cải thiện năng suất lao động

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 -2030 đã xác định nhân tố con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. Phát triển toàn diện nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao được coi là giải pháp đột phá góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, hùng cường. Việt Nam có cơ cấu "dân số vàng" với lực lượng lao động dồi dào khoảng 51,6 triệu người, chiếm trên 55% dân số, là lợi thế để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, tạo nên sức cạnh tranh khi nước ta hội nhập quốc tế, tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm và thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài. 

Cách đây nhiều năm, PGS.TS. Giang Thanh Long (trường Đại học Kinh tế Quốc dân) trong báo cáo nghiên cứu "Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách" đã khuyến nghị: Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn cơ hội dân số vàng với lực lượng lao động trẻ dồi dào, nhưng cũng đồng thời bước vào giai đoạn già hóa dân số, nên đòi hỏi cần có những chính sách phù hợp để tận dụng các cơ hội dân số cho tăng trưởng kinh tế.

Theo PGS.TS Giang Thanh Long, theo vòng đời, thu nhập từ lao động sẽ tăng nhanh từ 14 - 31 tuổi, sau đó bắt đầu giảm dần tới năm 51 tuổi và tiếp tục giảm nhanh đến 70 tuổi và về 0 khi đến tuổi 90. Với xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh trong tương lai, thâm hụt của nhóm cao tuổi ngày càng tăng thì thách thức chính sách đảm bảo an sinh xã hội là không nhỏ. Cơ hội chuyển thành "dư lợi dân số" chỉ còn vài năm nữa, nếu không thay đổi năng suất lao động thì dư lợi dân số đang dương sẽ trở về 0 và sau đó sẽ là số âm.

Các chuyên gia cho rằng thời kỳ cơ cấu dân số vàng là một cơ hội hiếm hoi chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử phát triển của mỗi quốc gia và đây chính là cơ hội để chớp lấy thời cơ cải thiện năng suất lao động, vì cơ hội này sẽ không quay trở lại. Do đó đầu tư cho thế hệ trẻ về giáo dục, y tế, sức khỏe sinh sản có ý nghĩa quan trọng đối với năng suất lao động và sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Năng suất lao động phần lớn được quyết định bởi lực lượng lao động

Năng suất lao động phần lớn được quyết định bởi lực lượng lao động

Nâng tầm chất lượng lao động trẻ

Tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV, tăng năng suất lao động là vấn đề rất được quan tâm tại diễn đàn Quốc hội. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội được dự báo là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt của năm 2022.  Trong bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm tốc độ tăng năng suất lao động thấp (ước tăng 4,7-5,2% mục tiêu là 5,5%), trong khi tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt khoảng 2% so với kế hoạch và GDP bình quân đầu người cũng dự kiến vượt kế hoạch.

Năng suất lao động phần lớn được quyết định bởi lực lượng lao động, mà chất lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập. Theo các số liệu thống kê, có tới gần 74% lực lượng lao động qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ; sự thiếu hụt kỹ năng cơ bản, kỹ năng cốt lõi và kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật phổ biến, nhất là các lĩnh vực, ngành, nghề có sự thâm dụng về lao động, năng suất lao động và các chỉ số liên quan đến kỹ năng lao động Việt Nam thấp so với khu vực và thế giới…

Đáng chú ý, hai năm qua, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tác động sâu rộng tới thị trường lao động, chuỗi cung ứng về lao động bị đứt gãy, sự thiếu hụt kỹ năng lao động trở nên nghiêm trọng hơn ở nhiều ngành nghề, lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, giảm thu nhập, nhất là nhóm lao động có kỹ năng làm việc thấp.

Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trình độ kỹ năng người lao động tác động tích cực đến năng suất lao động tại doanh nghiệp. Nếu tăng 1% các nhóm lao động: qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ; có chứng chỉ sơ cấp nghề; bằng trung cấp, cao đẳng; bằng đại học trở lên; chứng chỉ khác thì năng suất lao động tăng lên tương ứng là: 0,04%; 0,16%; 0,19%; 0,22%; 0,13%. Cũng theo báo cáo, năng suất đóng góp trong tăng trưởng GDP khoảng 65-75%. Vì vậy, nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đóng góp trực tiếp cho năng suất lao động và tăng trưởng GDP. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tích cực hoàn thiện Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động mọi nguồn lực cùng đồng hành nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động. 

Trong phạm vi của Đề án, các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra nhằm thực hiện chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề của người lao động theo quy mô, số lượng và cơ cấu trình độ kỹ năng nghề, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội qua các bình diện. 

Trong đó, người lao động sẽ được cải thiện, nâng cao trình độ kỹ năng, năng lực nghề nghiệp theo vị trí việc làm, qua đó tìm việc làm, tự tạo việc làm, duy trì việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, tăng thu nhập và ổn định sinh kế. 

Đối với doanh nghiệp, chất lượng kỹ năng nghề của người lao động được nâng cao sẽ là nhân tố gia tăng năng suất lao động tại doanh nghiệp, đem lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp tăng trưởng, gia tăng lợi thế cạnh tranh. Năng suất lao động được nâng cao tạo cơ sở để doanh nghiệp mở rộng quy mô, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. 

Đào tạo nghề Công nghệ ôtô tại Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

Đào tạo nghề Công nghệ ôtô tại Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

Còn đối với nền kinh tế, khi trình độ kỹ năng nghề của lực lượng lao động được nâng cao sẽ góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp, dịch vụ. Phát triển kỹ năng nghề cho người lao động một mặt đáp ứng nhu cầu nhân lực các ngành kinh tế thâm dụng lao động, đồng thời bám sát yêu cầu các ngành kinh tế trọng điểm, ưu tiên, các ngành ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, từ đó giúp kinh tế đất nước tăng trưởng nhanh, bền vững. Mặt khác, chỉ số trình độ kỹ năng nghề của lực lượng lao động Việt Nam được cải thiện sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài….

Mặt khác, theo các chuyên gia kinh tế, cần đẩy mạnh công tác thông tin và dự báo cung - cầu nhân lực theo nghề, ngành đào tạo trong các ngành kinh tế. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống các chính sách sử dụng lao động từ tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, thăng tiến… lấy hiệu quả làm việc là tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong sử dụng và đãi ngộ lao động. Việc dự báo nhu cầu nhân lực ở cấp độ này phải có tầm nhìn ít nhất 10 năm và điều chỉnh ít nhất là 5 năm.

Theo các chuyên gia, tận dụng cơ hội dân số vàng để tăng năng suất lao động là vô cùng quan trọng. Nhất là khi Việt Nam đang trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cho thấy vai trò quyết định của nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, chất lượng và hiệu quả cao đối với gia tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế bền vững./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng cơ hội dân số vàng để tăng năng suất lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO