Truyền thông

Tăng cường liên kết vùng trong phát triển kinh tế địa phương

T.H 18:59 03/08/2023

Ngày 3/8/2023, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh Doanh tổ chức “Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các địa phương trên toàn quốc, nâng cao nhận thức về hiệu quả liên kết vùng giúp phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo, phát triển.

z4570518317230_aa6be7bd16427920eebba42581b47d39.jpg
Diễn đàn nêu ra những thách thức và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển kinh tế địa phương.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh: Việc phát triển và phục hồi nền kinh tế hiện nay luôn là chủ đề được Đảng và Nhà Nước quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là đất nước đang phát triển. Năm 2022, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du; miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; vùng Đồng bằng sông Hồng.

Thực hiện định hướng của Bộ Chính trị, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng. Các chủ thể liên quan, bao gồm các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN, HTX, hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, hộ gia đình... đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động liên kết vùng. Cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng bước đầu phát huy được hiệu lực và hiệu quả.

z4570518375523_ed9f0c20c44b03a7da658a864a079d5d.jpg
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Tuy vậy, trên thực tế, ông Thịnh đánh giá, liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, kinh tế - xã hội các vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

“Điều mà chúng ta cần làm trong thời gian tới là phải bứt phá khỏi cách làm cũ, nhất là cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau. Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới”- ông Thịnh chia sẻ.

Tại Diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội và thách thức đối với thúc đẩy liên kết vùng.

z4570518063978_f3bce28f084fd5c2ef80efd1122314b5.jpg
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

TS. Trần Thị Hồng Minh nêu ra 3 nhóm cơ hội và thách thức chính: bối cảnh hội nhập quốc tế đang đặt ra những cơ hội, thách thức mới đối với thúc đẩy liên kết vùng; thể chế hình thành và thúc đẩy liên kết vùng ở Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện; biến đổi khí hậu không còn là dự báo mà đang diễn ra ngày càng sâu rộng và gay gắt.

Với 3 nhóm cơ hội và thách thức này, TS. Trần Thị Hồng Minh đã phân tích, đánh giá một cách kỹ lưỡng và sâu sắc để có thể thấy rõ bức tranh phát triển kinh tế vùng hiện nay. Đặc biệt, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh vào yếu tố thứ 3 là yếu tố biến đổi khí hậu.

“Biến đổi khí hậu là thách thức chung, song cũng là áp lực cần thiết để thúc đẩy liên kết vùng mạnh mẽ hơn”, bà Minh nói. Theo đó, tổ chức được các mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn ở cấp vùng sẽ bảo đảm nguồn lực “quay vòng” và “khép kín” hơn ở từng vùng, qua đó giúp bảo đảm nguồn đầu vào hiệu quả cho quá trình sản xuất, và thể hiện tư duy hợp tác cùng phát triển kinh tế và giảm thiểu tác hại đối với môi trường.

Vì vậy, khi tham mưu Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn, CIEM cũng nhấn mạnh tư duy lồng ghép phát triển kinh tế tuần hoàn vào chính sách, dự án liên kết vùng.

Cùng với đó, Viện trưởng CIEM cũng nhìn nhận, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể giúp thúc đẩy liên kết giữa các chủ thể trong nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực với chi phí trao đổi, chi phí vận hành bộ máy tối ưu nhất. Ngược lại, nếu không có cách tiếp cận chung đối với Cách mạng công nghiệp 4.0, các địa phương trong cùng khu vực có thể phải đối mặt với vấn đề liên kết vùng lỏng lẻo hơn. Khi ấy, xử lý những thách thức chung liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ không còn là vấn đề đơn giản.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường liên kết vùng trong phát triển kinh tế địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO