Truyền thông

Tăng cường vai trò truyền thông chính sách trong phát triển xanh

TS. Nguyễn Minh Phong, Nguyễn Thị Quỳnh Hương 08/01/2025 17:50

Cùng với sự kiên định mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, bao trùm và xuyên suốt, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực chuyển đổi và phát triển Xanh như một định hướng ưu tiên và giải pháp quan trọng để phát triển nhanh, bền vững đất nước theo mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề ra... Trên hành trình đó, không thể thiếu được sự đồng hành của báo chí…!

Tóm tắt:
- Kinh tế xanh: Tối đa hóa sản lượng kinh tế, giảm thiểu tác động sinh thái, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.
- Chuyển đổi xanh: Giảm phát thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái.
- Ưu tiên phát triển: Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thúc đẩy các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, giao thông xanh.
- Cơ hội kinh tế: Chuyển đổi xanh giúp mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, và thu hút đầu tư quốc tế.
- Vai trò báo chí: Quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và điều chỉnh hành vi xã hội về phát triển kinh tế xanh.
- Khuyến nghị: Hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, tăng cường giám sát và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển xanh.

Phát triển xanh - Xu hướng thời đại
Chuyển đổi xanh/“Kinh tế Xanh” và “tăng trưởng xanh”, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc UNEP (United Nations Environment Programe) và Uỷ ban Kinh tế xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP), là chiến lược tìm kiếm sự tối đa hóa sản lượng kinh tế, trong khi giảm thiểu gánh nặng sinh thái, đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và tính bền vững môi trường thông qua thay đổi căn bản trong phương thức sản xuất và tiêu dùng xã hội, hướng tới ít phát thải/trung hòa cacbon, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái.

Về bản chất, một nền kinh tế chuyển đổi xanh là một nền kinh tế ngày càng có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội và ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái. Nội hàm chuyển đổi xanh mang tính mở cao và ngày càng định hình đầy đủ hơn, với các điểm nhấn về “Xanh hóa” bao phủ ngày càng rộng khắp các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng xã hội: “Công nghệ xanh”; “Việc làm xanh”; “Công nghiệp xanh” “Nông nghiệp xanh”; “Năng lượng xanh”; “Giao thông xanh”; “Đô thị xanh”; “Cảng xanh”; “Lối sống xanh”; “Tiêu dùng xanh”; “Mô hình nhà ở xanh”; “Chi tiêu công xanh”; v.v... Đồng thời, những chuỗi giá trị cung - cầu xanh, với các dòng chảy mậu dịch và đầu tư được quy định ngày càng nghiêm ngặt theo yêu cầu phát triển bền vững.

a1.png

Chuyển đổi xanh là đòi hỏi và xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, đang và ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hướng tới hội nhập, phát triển bền vững và bao trùm. Những chủ trương, nhiệm vụ và mục tiêu, giải pháp của chuyển đổi xanh được ghi nhận lần đầu tiên trong Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012) và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012), cũng như được khởi động chính thức trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 (Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ); đồng thời, được cập nhật và bổ sung đậm nét hơn được trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030.

Đặc biệt, với cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và tăng cường thu hút vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị - công trình xanh, tài chính xanh. tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, coi đây giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn, với mục tiêu không ngừng mở rộng kinh tế xanh đóng góp mỗi năm vào tổng GDP quốc gia từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD vào năm 2050.

Chuyển đổi xanh tạo cơ hội để Việt Nam giữ vững và mở rộng thị trường trong nước, với hơn 80% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm xanh. Chuyển đổi xanh và phát triển sản xuất, tiêu dùng sạch hơn còn là kênh đầu tư hiệu quả và tạo điều kiện vật chất giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện môi trường đầu tư và thu hút các nguồn công nghệ sạch và nâng cao sức cạnh tranh kinh tế cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài.

Đồng thời, chuyển đổi xanh còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp giữ vững thị trường xuất khẩu, gia tăng động lực phát triển nhanh hơn và hội nhập tốt hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có “dấu chân carbon” lớn; Đặc biệt, khi nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã và sẽ tiếp tục đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), năm 2023 trong bối cảnh giảm sút đơn hàng chung trên thế giới, nhưng một số doanh nghiệp thành viên HUBA sau khi tuân thủ quy trình sản xuất xanh đang gặt hái thành công khi quá tải đơn hàng...

Trên hành trình chuyển đổi xanh, bên cạnh các cơ hội, Việt Nam cũng đối diện nhiều thách thức, trong đó nổi bật là vấn đề vốn đầu tư và các công cụ pháp lý cần thiết.

Theo Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG), Việt Nam cần ưu tiên chuyển đổi xanh trong 4 lĩnh vực chính: Năng lượng tái tạo, Hydro sạch, Giao thông và vận tải sạch, Giải pháp công nghiệp xanh. BCG ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư vào các lĩnh vực xanh tại Việt Nam giai đoạn 2021-2050 khoảng 144 tỷ USD, trong đó sản xuất điện và ngành công nghiệp chiếm tỷ trong cao nhất. Trên thực tế, nguồn lực dành cho chuyển đổi xanh trong nước còn hạn chế, nguồn ngân sách Nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công chưa đóng vai trò “vốn mồi”, làm đòn bẩy thúc đẩy huy động đầu tư tư nhân xanh.

Tuy nhiên, nỗ lực chuyển đổi xanh sẽ giúp Việt Nam tiếp cận được với một số nguồn tín dụng hỗ trợ chuyển đổi xanh từ các tổ chức quốc tế, như EU, WB...; cũng như tạo cơ hội thu hút đầu tư từ các nguồn vốn ngoài NSNN cho chuyển đổi xanh. Ngày 31/5/2023, Phó Tổng Giám đốc điều hành thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Gita Gopinath nhấn mạnh các nước cần thiết lập cơ chế định giá carbon để có nguồn thu tài trợ quá trình chuyển sang năng lượng tái tạo.

Để thúc đẩy chuyển đổi xanh, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực xây dựng, thực thi chính sách về chuyển đổi xanh; tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho quá trình chuyển đổi xanh, nhất là một hệ thống tiêu chuẩn xanh quốc gia hoàn chỉnh, làm cơ sở để xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư hoặc triển khai các chương trình, dự án thí điểm xanh. Việt Nam cũng chưa có công cụ giám sát, đánh giá hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Trong xây dựng các luật, văn bản dưới luật về đất đai, tài nguyên nước, địa chất, khoáng sản., các cơ quan chức năng cần tiếp tục lồng ghép các vấn đề về giảm phát thải, xây dựng bộ tiêu chí về dự án xanh, đầu tư xanh, tài chính xanh và các chính sách ưu đãi kèm theo cho các lĩnh vực tăng trưởng xanh; xây dựng chế tài xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh cần xây dựng, cập nhật kế hoạch, lộ trình thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh như là “sợi chỉ”, nguyên lý xuyên suốt, liên kết, điều phối, dẫn dắt các chiến lược ngành, địa phương đến năm 2025, 2030 và 2050, cập nhật số liệu, chỉ tiêu, mục tiêu về tăng trưởng xanh, cách tiếp cận trong thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0.

Trên thực tế, vừa qua VCCI đã xây dựng các bộ tiêu chí, chỉ số để đánh giá, tác động về mặt chính sách ở địa phương; đồng thời thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển theo hướng xanh, bền vững. Trong thời gian tới VCCI sẽ tiếp tục cập nhật các xu hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn carbon thấp. nhất là trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp trong giảm phát thải khí nhà kính.

Các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng bộ công cụ, tiêu chí, quy chuẩn có tính pháp lý để phân loại, đánh giá hiệu quả, khuyến khích, giám sát các hoạt động tăng trưởng xanh về kinh tế, môi trường, xã hội. hình thành nhận thức, văn hóa, đạo đức xã hội đối với tăng trưởng xanh. Trước mắt, sớm xây dựng hệ thống tiêu chí phân loại, đánh giá quốc gia, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế trong lựa chọn dự án đầu tư, lượng hóa kết quả tăng trưởng xanh, như: Giảm phát thải, hiệu quả kinh tế, nguồn lực đầu tư của xã hội, tạo việc làm mới, bảo đảm an sinh, hình thành đạo đức, văn hóa của công dân xanh, xã hội xanh, doanh nghiệp xanh. Chọn một số dự án thí điểm có thể tạo ra đột phá, hoàn thiện công nghệ, pháp lý, giáo dục, đào tạo, chứng minh hiệu quả kinh tế, trước khi nhân rộng.

Các doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng cả từ yêu cầu và lộ trình tăng trưởng xanh của Chính phủ và từ yêu cầu của đối tác trong chuỗi cung ứng quốc tế mà họ tham gia. Bởi vậy, trong mỗi doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế cần có những chuyên gia, bộ phận có chức năng, nhiệm vụ chăm lo cho tăng trưởng xanh.

Vai trò báo chí truyền thông trong phát triển xanh

Báo chí là một hoạt động nghề nghiệp đặc thù, trực tiếp hay gián tiếp, tác động tích cực đến dư luận, nhận thức, quan niệm, thái độ và hành vi của đông đảo người dân, các tầng lớp doanh nhân và cả các nhà lãnh đạo, nhà quản lý. Báo chí không chỉ đơn thuần truyền tải các nội dung chiến lược và chính sách phát triển kinh tế xanh, bền vững, mà còn là cầu nối tập hợp, thu hút, chuyển tải và có ảnh hưởng lan toả cao trong xã hội về những sự kiện, vấn đề, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, ý kiến đa chiều của các tầng lớp đông đảo nhân dân, các nhà khoa học và doanh nghiệp, hiệp hội với chính phủ, cơ quan hữu quan và giúp định hướng, điều chỉnh nhận thức và hành vi các đối tượng có liên quan.

Các thông tin thị trường và tình hình biến động của chính sách, môi trường và kinh nghiệm kinh doanh được phản ánh trên báo chí đã, đang và sẽ giúp doanh nghiệp và nhà quản lý nắm bắt cập nhật, đầy đủ và chính xác hơn, từ đó góp phần định hướng và hoàn thiện chiến lược, chính sách và cách thức kinh doanh, quản lý phù hợp, nhạy bén hơn với các nhu cầu và triển vọng thị trường theo yêu cầu phát triển kinh tế xanh, bền vững. Các bài viết “thuận chiều” và kịp thời của báo chí giúp doanh nghiệp được các khách hàng và đối tác biết đến, tin cậy và gắn bó, từ đó góp phần phát triển công cuộc kinh doanh hiệu quả hơn.

Đồng thời, các thông tin và phản ánh “trái chiều” của báo chí, nhất là về trách nhiệm xã hội liên quan đến phát triển kinh tế xanh, bền vững về doanh nghiệp, cũng có ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh “sinh tử” của doanh nghiệp, thậm chí có thể khiến một doanh nghiệp trở nên lụi tàn và phá sản. Sự cộng sinh của các doanh nghiệp với báo chí còn thể hiện ở chỗ thông qua “cầu trung gian” báo chí, doanh nghiệp có thể phản ánh trung thực và nhanh chóng nguyện vọng của mình lên cấp có thẩm quyền chính sách hoặc tác động đến thị hiếu tiêu dùng xã hội, thậm chí tạo áp lực đến những thay đổi chính sách và xu hướng thị trường lớn cả cấp vi mô và vĩ mô, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển kinh tế xanh, bền vững...

Chất lượng, hiệu quả xã hội của báo chí, do đó, uy tín tác phẩm và tác giả càng cao, khi nhà báo càng có tư duy, kiến thức, tố chất chuyên gia và trái tim nhiệt huyết, trung thực, nặng trĩu trách nhiệm xã hội.

Đặc biệt, để củng cố vị thế, phát huy vai trò, đề cao trách nhiệm và tăng cường năng lực của các cơ quan báo chí truyền thông trong công tác tuyên truyền phát triển kinh tế xanh, bền vững của đất nước thời gian tới, cần chú ý nhận diện đầy đủ và làm tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về phía cơ quan chức năng Nhà nước, cần quán triệt, thực hiện và chỉ đạo thực hiện tốt các quy định pháp lý liên quan đến công tác công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin; Luật Báo chí; Nghị định số 09/2017/ NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực thi các chính sách và quy định pháp quy liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ được tiếp cận thông tin, đưa tin và cung cấp thông tin của các công dân, cơ quan báo chí và doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, cũng như các cơ quan quản lý các cấp trong đời sống kinh tế - xã hội; khuyến khích các cơ quan và doanh nghiệp chủ động đưa thông tin cho báo chí, đồng thời tiếp thu và trả lời các thông tin báo chí, trong đó lấy sự bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và tiến bộ xã hội theo các yêu cầu phát triển kinh tế xanh, bền vững và cam kết hội nhập là mục tiêu cao nhất và nhất quán khi thiết kế và điều chỉnh các quy định pháp lý có liên quan.

Thứ hai, các cơ quan báo chí và nhà báo cần nhận thúc đúng và thực hiện hài hòa hơn các góc độ thông tin, cân bằng hơn quyền và trách nhiệm của mình đối với bạn đọc và xã hội; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền liên quan đến các nội dung phát triển kinh tế xanh, bền vững, nhằm giảm thiểu những lạm dụng và yếu kém về nghiệp vụ, gây tổn hại đến uy tín báo chí, quyền lợi của bạn đọc và các lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông có nội dung trọng tâm, chuyên đề, chuyên mục dung lượng lớn, thường xuyên, với các hình thức tuyên truyền đa dạng thích hợp, kiểu “Hội nghị bàn tròn”, “Diễn đàn khoa học”, “Gặp gỡ hàng tháng, hàng năm”“Giao lưu trực tuyến” với bạn đọc về các chủ đề nóng, bức xúc trong nước và quốc tế theo nội dung và yêu cầu phát triển kinh tế xanh, bền vững cho từng nhóm đối tượng trong xã hội, phù hợp với chủ trương, chính sách và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước và khu vực trong từng thời kỳ.

Thứ ba, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia nối mạng toàn quốc phục vụ công tác tuyên truyền và quản lý phát triển kinh tế xanh, bền vững cả cấp vĩ mô, cũng như vi mô; Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trao đổi thông tin, khoa học công nghệ và truyền thông về phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Thứ tư, Hội Nhà báo, các liên chi hội, chi hội nhà báo tăng cường hơn nữa vai trò tổ chức, tập hợp, phối hợp, tôn vinh và bảo vệ đội ngũ nhà báo trong hoạt động nghiệp vụ tuyên truyền phát triển kinh tế xanh, bền vững. Thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả những định chế phối hợp cần thiết giữa các Hội, Liên chi hội và Chi hội nhà báo với các hiệp hội doanh nghiệp trên mọi cấp độ và quy mô, tạo thuận lợi cho các hoạt động của cả các cơ quan báo chí, cũng như các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong hoạt động của mỗi bên về tuyên truyền phát triển kinh tế xanh, bền vững; Đặc biệt, cần xây dựng một quy chế giải thưởng chính thức khuyến khích và tôn vinh các đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động này.

Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng, trong công cuộc đổi mới toàn diện, phần đấu vì một Việt Nam “dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”, báo chí Việt Nam nói chung và công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế xanh, bền vững nói riêng cũng đòi hỏi phải được đổi mới; khắc phục tình trạng một số báo và nhà báo bị “ép khuôn” cương cứng thái quá, với sức ỳ, tính ỷ lại cao, thiếu bản lĩnh chuyên môn, “quán tính” từ thời bao cấp; hoặc “lực bất tòng tâm”, trở nên khô khan, chậm và thậm chí đôi khi sai nhịp so với thực tiễn cuộc sống và cả so với các mô thức, kỹ năng báo chí trong nước và thế giới đang ngày càng phát triển nhanh chóng, hiện đại hơn; giảm thiểu tình trạng độc quyền, truyền tải thông tin một chiều, thiếu tranh biện và áp đặt, cũng như tình trạng bôi đen hoặc tô hồng thái quá, dễ gây nhiễu loạn giá trị và méo mó thực tiễn.

Ngoài ra, cùng với đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng bài viết cả về nội dung và hình thức, kỹ thuật và chuẩn mực ngôn ngữ, cần chủ động tìm kiếm và tôn vinh hơn những tác giả, tác phẩm báo chí đủ tâm và tầm để báo chí ngày càng có nhiều bài viết hấp dẫn, sắc sảo, có tính đại diện và phản biện khoa học cao và tính nhân văn sâu sắc, đại diện và khẳng định nguyện vọng chính đáng của công dân và ý chí của đông đảo cử tri, bạn đọc vì phát triển kinh tế xanh, bền vững của đất nước, của dân tộc và các thế hệ tương lai...

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

1. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

2. Quyết định 407/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.

3. Quyết định số 1497/QĐ-TTg, ngày 08/11/2018 phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030;

4. Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách;

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường vai trò truyền thông chính sách trong phát triển xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO