Tăng cường xây dựng liên kết chuỗi trong khối dệt may ASEAN

PV| 16/12/2022 14:49
Theo dõi ICTVietnam trên

Những thay đổi của ngành dệt may đối với thị trường quốc tế nói chung, khu vực ASEAN nói riêng có thể kể đến là tác động của dịch bệnh, xung đột Nga - Ukraine… đã và đang làm thay đổi xu hướng, nhu cầu tiêu dùng từ “thời trang nhanh” sang “thời trang bền vững” theo hướng kinh doanh tuần hoàn.

 Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Phiên họp Hội đồng lần thứ 48 và Phiên họp toàn thể lần thứ 46 ở TP Hồ Chí Minh do Liên đoàn Dệt may các nước ASEAN (AFTEX) tổ chức.

Tại sự kiện, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), kiêm Chủ tịch AFTEX nhiệm kỳ 2021-2022 cho biết, sau 3 năm dịch COVID-19, các thành viên AFTEX mới có thể gặp mặt trực tiếp là nhờ khả năng kiểm soát dịch bệnh của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, cũng như chính sách mở cửa phục hồi và phát triển kinh tế.

Tăng cường xây dựng liên kết chuỗi trong khối dệt may ASEAN - Ảnh 1.

Ngành dệt may Việt Nam được đánh giá sẽ còn phải đổi mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Việt Nam hiện đã ký kết 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó 15 hiệp định đã có hiệu lực và đây là cơ hội lớn cho những doanh nghiệp đầu tư vào phần cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam.

Theo ông Vũ Đức Giang, cộng đồng doanh nghiệp trong khối AFTEX phải tiếp tục xây dựng kênh thông tin kết nối chặt chẽ hơn. Đồng thời, giới thiệu về thế mạnh của các nước, cùng với những giải pháp chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau để kết hợp, tận dụng cơ hội, thế mạnh của mỗi nước.

Còn theo ông Kaing Monika, Phó Tổng thư ký Hiệp hội dệt may, da giày và đồ dùng du lịch Campuchia (TAFTAC), ngành công nghiệp may mặc, giày dép và hàng du lịch là xương sống của nền kinh tế Campuchia trong hơn hai thập kỷ qua. Ngành này, sử dụng hơn 800.000 công nhân chiếm 10% tổng số lao động có việc làm chính thức và không chính thức của nền kinh tế.

Ghi nhận ý kiến một số chuyên gia, đại diện hiệp hội các nước cũng nhận diện những thay đổi của ngành dệt may đối với thị trường quốc tế có thể kể đến là tác động của dịch bệnh COVID-19, xung đột Nga - Ukraine… đã và đang làm thay đổi xu hướng, nhu cầu tiêu dùng, tăng chi phí logistics, giá nhiên liệu... Những yếu tố này, cũng chuyển đổi nhận thức của người tiêu dùng, đơn vị sản xuất kinh doanh từ "thời trang nhanh" sang "thời trang bền vững" theo hướng kinh doanh tuần hoàn.

Vì vậy, chuyên gia, đại diện hiệp hội các nước đưa ra những khuyến nghị hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng cho ngành dệt may như cạnh tranh lành mạnh đi đôi với hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nội khối AFTEX. Cùng với đó, kết nối hợp tác minh bạch truy xuất nguồn gốc, chống rủi ro, gồm: xung đột Thương mại Mỹ - Trung; Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức tại Tân Cương của Mỹ...

Trong khuôn khổ sự kiện, cũng đã diễn ra Lễ bàn giao chức danh Chủ tịch luân phiên AFTEX từ ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho ông Tan Kim Teck Albert, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May - Da Giày - Đồ dùng Du lịch Campuchia (TAFTAC). Theo đó, ông Tan Kim Teck Albert sẽ là Chủ tịch AFTEX trong nhiệm kỳ 2023-2024./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường xây dựng liên kết chuỗi trong khối dệt may ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO