Hoạt động xúc tiến thương mại cũng là một trong những chương trình quan trọng được Bộ Công thương thực hiện. Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10/2022”. Hội nghị diễn ra với sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng. Đáng chú ý, đây là hội nghị thứ 4 thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022.
Phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 đã có nhiều kết quả tích cực. Dịch bệnh được kiểm soát ổn định nên nền kinh tế có nhiều điều kiện phát triển hơn so với năm ngoái, duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao, đặc biệt trong tháng 10, xuất siêu đạt 2,27 tỷ USD. Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và các cơ quan, tổ chức, địa phương cũng như hiệp hội, doanh nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực cho đất nước. Ngoài ra, những nỗ lực của các hoạt động xúc tiến thương mại nước ngoài của các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài cũng đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế đất nước.
Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, điều kiện kinh tế trong nước cũng như những biến động kinh tế trên thế giới, đặc biệt là thúc đẩy xuất nhập khẩu phát triển, hoạt động xúc tiến thương mại cần được chú trọng.
Tại Hội nghị, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Maroc, Ả rập Xê út, Philippines, Bỉ và EU đã có những cập nhật về sự thay đổi của các chính sách, quy định cũng như diễn biến ở thị trường sở tại trong thời gian gần đây.
Công tác xúc tiến thương mại không chỉ được tiến hành tăng cường tại các thị trường truyền thống, mà cần lưu ý đến cả những sự thay đổi chính sách, các biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường. Các chuyên gia đều cho rằng năng lực sản xuất cũng như xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng phát triển, trong khi đó cùng với các hiệp định các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội đưa sản phẩm ra nước ngoài. Tuy vậy, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ đối diện với việc bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Trước các tác động của hội nhập, cùng với chính sách bảo hộ của một số thị trường, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với các khả năng điều tra phòng vệ thương mại ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Trong tình hình này, vai trò của Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sẽ rất quan trọng trong việc xử lý các vụ phòng vệ thương mại, cung cấp thông tin thị trường, chính sách của các nước, cảnh báo các mặt hàng về khả năng điều tra phòng vệ thương mại. Đồng thời, Thương vụ Việt Nam cũng giúp kết nối chuyển tải ý kiến của Chính phủ Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp trong những trường hợp cần liên hệ, trao đổi với Cơ quan điều tra cũng như trợ giúp doanh nghiệp kết nối ở nước khởi kiện…/.