Tạo đột phá cho hệ sinh thái khởi nghiệp

Phương Nga| 21/07/2021 13:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số góp phần đẩy nhanh tiến trình hình thành và phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST). Qua đó, giúp cho các thành tố trong hệ sinh thái như startup, vườn ươm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp gia nhập vào chuỗi giá trị startup toàn cầu, hướng tới kỳ vọng của Chính phủ là đưa hệ sinh thái KNĐMST Việt Nam trở thành 1 trong 15 hệ sinh thái mới nổi châu Á – Thái Bình Dương.

Tạo đột phá cho hệ sinh thái khởi nghiệp - Ảnh 1.

Hình minh họa

Đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn khoảng cách

Cuộc cách mạng CN 4.0 những năm gần đây đã mang lại rất nhiều công nghệ mới trong mọi mặt cuộc sống. Các công nghệ này đem lại những giá trị vô cùng lớn cho cá nhân DN và xã hội. Dưới tác động của công nghệ 4.0, chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp bách với DN và tổ chức. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0 vào cuộc sống cũng như chuyển đổi số trong các DN, tổ chức. Bộ KH&ĐT đã quyết định các mục tiêu cụ thể cho chuyển đổi số, 100% DN được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. DN đã số hóa thông qua công nghệ 4.0, người tiêu dùng đã chuyển sang số hóa thông qua tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ số... Đây được xem là động lực, cơ hội tạo bước đột phá cho hệ sinh thái KNĐMST.

Ở nước ta, hệ sinh thái KNĐMST đã có 5 năm phát triển kể từ 2016. Hệ sinh thái KNĐMST đã hình thành cơ bản nền tảng với các kết quả cụ thể như: Có hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp (trong đó có 196 khu làm việc chung), 69 vườn ươm DN, 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 108 quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong hệ sinh thái KNĐMST, các thành tố đã nắm bắt và vận dụng cơ hội từ chuyển đổi số vào thực tế hoạt động của đơn vị. Các dịch vụ cũng như việc vận hành của hệ sinh thái KNĐMST đều được chuyển đổi thông qua công cụ công nghệ số. Các dịch vụ như đào tạo, huấn luyện, tiếp thị, truyền thông, kết nối thị trường… đều được thực hiện trên các nền tảng số. Các startup có kinh tế số dễ dàng kết nối toàn cầu thông qua công cụ và nền tảng số, giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo ThS Vũ Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Dr SME tư vấn tái cấu trúc và chuyển đổi số, thông qua chuyển đổi số, hệ sinh thái KNĐMST sẽ dễ dàng kết nối toàn cầu trên các công cụ và nền tảng số. Ông Tuấn Anh đưa ra dẫn chứng, các startup Việt Nam dễ dàng thực hiện hoạt động gọi vốn trực tiếp với hệ sinh thái KNĐMST quốc tế. Chuyển đổi số còn cho phép các startup có thể kết nối với các nền tảng số như thanh toán, bán hàng và các dịch vụ giao nhận trong kinh tế số để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Làm gì để chuyển đổi số thành công?

Chuyển đổi số đang được coi là phương cách hiệu quả, cần thiết để DN có thể tối ưu hóa vận hành, tiết kiệm chi phí đáng kể, là cơ hội ở hiện tại và yêu cầu bắt buộc của tương lai. Tuy nhiên để chuyển đổi số thành công và hiệu quả nhất thì cần có những bước đi cụ thể.

Dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, hệ sinh thái KNĐMST cần phải hướng tới giải quyết 3 bài toán lớn gồm: Chuyển đổi số triệt để các hoạt động để nâng cao hiệu quả và hiệu năng của hệ sinh thái KNĐMST; tiếp đến là nhằm tích hợp hệ sinh thái KNĐMST và nền kinh tế số - xã hội số tại Việt Nam; cuối cùng là chuyển đổi số nhằm kiến tạo và kết nối hệ sinh thái KNĐMST với nền kinh tế số toàn cầu, cũng như tại các quốc gia phát triển.

Ở góc độ một chuyên gia về chuyển đổi số, ThS Vũ Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Dr SME chia chuyển đổi số làm 3 cấp độ: Cấp độ 1 là số hóa dữ liệu, mục tiêu là số hóa những hạng mục có thể số hóa được trong HSTKNĐMST; cấp độ 2 là số hóa các dịch vụ; cấp độ 3 là mô hình nền tảng.

ThS Vũ Tuấn Anh cho rằng, ở cấp độ 1 và 2, bản thân các thành phần tham gia vào hệ sinh thái KNĐMST có thể tự thực hiện việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, ở cấp độ 3 cần có vai trò của Nhà nước trong việc tạo lập kiến trúc, dữ liệu, quy trình thực hiện, hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nền tảng số.

Theo đó, để thực hiện chuyển đổi số hệ sinh thái KNĐMST hiệu quả, ngành chức năng và các bên có liên quan cần chú trọng đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho chuyển đổi số, có cơ chế, chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp; phát triển DN, hình thành ý tưởng, gọi vốn, mở rộng quy mô hoạt động; phát triển thị trường – marketing; thúc đẩy việc tham gia chuỗi giá trị - kiến tạo DN trong hệ sinh thái KNĐMST và phát triển cộng đồng khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ của các startup, góp phần nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động, đáp ứng nhu cầu của các thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST cũng như tích hợp, kết nối vào nền kinh tế số - xã hội số của Việt Nam và toàn cầu.

Bài liên quan
  • Xây dựng đô thị thông minh tạo hệ sinh thái bền vững cho Việt Nam
    Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đô thị thông minh trở thành một mô hình lý tưởng cho sự phát triển bền vững và hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ thông tin và dữ liệu lớn vào quản lý đô thị không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá cho hệ sinh thái khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO