Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN, phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Linh chia sẻ: “TTĐN là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và tư tưởng của Đảng và Nhà nước, được lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo sâu sát. Từ khi Bộ Chính trị ra Kết luận số 16 về Chiến lược phát triển TTĐN giai đoạn 2011 – 2020, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng, chương trình hành động giai đoạn 2013 – 2020; Bộ máy, hệ thống các cơ quan chuyên trách về TTĐN đang được kiện toàn từng bước; Các lực lượng tham gia công tác TTĐN được tăng cường; Các ban, Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai công tác TTĐN rộng khắp cả trong và ngoài nước, ngày càng đi vào chiều sâu”.
Trên thực tế, các hoạt động TTĐN đã tập trung quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, lịch sử, con người; thông tin về tình hình trong nước, về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm và lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực; thông tin về tình hình thế giới cho nhân dân trong nước; đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch với Việt Nam, góp phần tích cực vào việc gìn giữ ổn định chính trị - xã hội, phục vụ nhiệm vụ bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình mới.
“Tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình trong nước bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng còn có những khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra những vấn đề mới, yêu cầu mới đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tình hình mới đòi hỏi các lực lượng làm công tác TTĐN phải tiếp tục đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động TTĐN nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó”, ông Nguyễn Văn Linh chia sẻ thêm.
Hội nghị đã nghe ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ TTTT, báo cáo về việc triển khai Nghị định số 72/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại và nhìn lại 5 năm thực hiện công tác quản lý Nhà nước về TTĐN.
Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ TTTT, báo cáo về việc triển khai Nghị định số 72/2015 của Thủ tướng Chính phủ
Báo cáo nêu rõ, bộ máy thực hiện công tác thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố từng bước được hình thành và phát triển. Nếu năm 2010 chưa tới 10% các tỉnh, thành phố có cán bộ kiêm nhiệm làm công tác thông tin đối ngoại, thì đến tháng 7/2015 đã có 100% các tỉnh, thành phố có cán bộ kiêm nhiệm làm công tác thông tin đối ngoại. Các địa phương đã triển khai các nhiệm vụ theo Chương trình hành động về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013–2020; ban hành các văn bản quản lý và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại. Từ năm 2012 đến nay, 100% tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại hàng năm và bố trí kinh phí thực hiện.
Các cơ quan báo chí đã có các đơn vị báo đài chủ lực thực hiện công tác thông tin đối ngoại bao gồm: Truyền hình đối ngoại VTV4, VTC10; Hệ phát thanh đối ngoại VOV5; Các báo đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam như Báo Vietnam News, Báo Le Courrier du Vietnam, Báo điện tử Vietnam Plus, Báo Ảnh Việt Nam. Hiện có 52 văn phòng thường trú ở nước ngoài của 4 cơ quan, bao gồm Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân Dân và Đài Truyền hình Việt Nam.
Mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cũng phát triển mạnh, đã có gần 100 cơ quan đại diện Việt Nam trên khắp các châu lục, đóng vai trò quan trọng trong công tác thông tin đối ngoại ở địa bàn ngoài nước, tại các sự kiện quốc tế và trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, thông tin đối ngoại vẫn còn một số tồn tại như: Hiệu lực quản lý nhà nước chưa cao; sự phối hợp, gắn kết giữa các bộ, ngành, địa phương và lực lượng làm thông tin đối ngoại còn hạn chế; kinh phí cho hoạt động thông tin đối ngoại chưa phù hợp và phân tán; nội dung thông tin chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong tình hình mới; các phương tiện báo chí chủ lực cũng chưa phát huy hết vai trò, hiệu quả.
Theo đồng chí Phạm Văn Linh, việc triển khai, thực hiện công tác TTĐN vẫn còn một số điểm cần được phân tích, chỉ ra nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục, thúc đẩy phát triển hoạt động TTĐN trong giai đoạn tới.
“Hoạt động TTĐN chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhận thức của một số cán bộ ở Trung ương và địa phương về vị trí, vai trò, yêu cầu của công tác TTĐN còn chưa đầy đủ và sâu sắc. Hiệu lực quản lý Nhà nước về TTĐN chưa cao. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong các hoạt động TTĐN còn hạn chế trong một số hoạt động, nên dẫn đến chồng chéo. Kinh phí hoạt động còn chưa được đầu tư đúng mức. Nhân sự bố trí cho các hoạt động TTĐN còn có nhiều bất cập...”, đồng chí Phạm Văn Linh nhấn mạnh.
Để công tác thông tin đối ngoại hoạt động hiệu quả hơn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/2015/NĐ-CP về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại, tạo điều kiện để thúc đẩy thông tin đối ngoại tiếp tục phát triển, phấn đấu đạt được những mục tiêu đã đặt ra tại Kết luận 16-KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020.
Nghị định quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chủ lực triển khai hoạt động thông tin đối ngoại (Chương III); Quy định đầy đủ những nguyên tắc hoạt động thông tin đối ngoại, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong thời gian gần đây (Điều 3); Đảm bảo kinh phí cho hoạt động thông tin đối ngoại từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác (Điều 5); Quy định các hoạt động thông tin đối ngoại cơ bản để các bộ, ngành, địa phương; các lực lượng thông tin đối ngoại cần tập trung thực hiện trong giai đoạn hiện nay (Chương II)…
Hội nghị cũng cung cấp thêm những kiến thức cơ bản và chuyên sâu, có ý nghĩa, tác dụng thiết thực đối với việc triển khai thực hiện công tác TTĐN của các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới. Hội nghị tổ chức thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ về TTĐN, đặc biệt là những vấn đề mới về hội nhập kinh tế quốc tế.