Tập trung dồn tổng lực kéo giảm nợ thuế
Trong tháng cuối cùng của năm 2024 ngành Thuế tập trung tăng cường triển khai thực hiện công tác quản lý nợ, áp dụng đầy đủ biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế; Tiếp tục áp dụng mạnh biện pháp tạm dừng xuất cảnh; Tăng cường rà soát, xử lý nợ sai, nợ ảo.
Từ tạm hoãn xuất cảnh khi nợ thuế
Thống kê từ cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy, tổng số tiền thuế nợ do cơ quan thuế quản lý vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Để thu hồi các khoản tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế địa phương phân công, giao nhiệm vụ và gắn trách nhiệm thu hồi nợ thuế, xử lý nợ đọng thuế cho từng lãnh đạo cục thuế, lãnh đạo các phòng, chi cục thuế và từng công chức quản lý; Tổ chức theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo việc thực hiện các chỉ tiêu thu nợ và hạn chế phát sinh thêm nợ mới.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế cũng đang xúc tiến nghiên cứu, đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý nợ, trong đó xây dựng trợ lý ảo, đến nay đã hoàn thành phân tích nghiệp vụ, đang kiểm thử 3/7 chức năng ứng dụng; Thực hiện chức năng cưỡng chế tự động, đang triển khai thí điểm tại Hà Nội và Hải Dương; Thực hiện chức năng truyền nhận thông tin tự động với Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
Tổng cục Thuế cũng đã thực hiện chức năng truyền quyết định cưỡng chế tự động với các ngân hàng thương mại, xây dựng quy trình xử lý nghiệp vụ gửi quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản bằng phương thức điện tử đến ngân hàng thương mại; Tổ chức các đoàn công tác rà soát tình hình nợ thuế, phân tích nợ sai, nợ ảo tại các cục thuế, trên cơ sở đó chỉ đạo các đơn vị phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng nợ sai, nợ ảo.
Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế hoặc người đại diện tổ chức nợ thuế, cơ quan thuế đã thu được 4.289 tỷ đồng tiền thuế nợ của 6.648 người nộp thuế; Trong đó có 2.523 người nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền là 236 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với số liệu thống kê của cơ quan thuế. Lũy kế đến hết tháng 11/2024, cơ quan thuế các cấp đã ban hành 58.687 thông báo tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, với số tiền nợ lên tới hơn 80.500 tỷ đồng, trong đó có hơn 35.600 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền nợ hơn 12.970 tỷ đồng.
Nhằm mục tiêu kéo giảm nợ thuế, Tổng cục Thuế giao Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế phối hợp rà soát, giám sát tình hình triển khai công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, đặc biệt tập trung rà soát dữ liệu tiền thuế nợ; Tổng hợp, phân tích, đánh giá nguyên nhân nợ thuế, những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể; Tăng cường truyền thông về việc thông tin nợ thuế có thể tra cứu để có thể chủ động nộp thuế trước khi xuất nhập cảnh.
Đến phân loại nợ thuế tăng thu hiệu quả
Số liệu từ ngành Thuế lũy kế 11 tháng năm 2024, thông qua biện pháp quản lý nợ, cơ quan thuế các cấp đã thu được 61.227 tỷ đồng tiền thuế nợ, tăng 33,2% so với cùng kỳ thực hiện. Tổng nợ thuế tính đến 30/11/2024 đã giảm 2,5% so với tháng trước.
Có nhiều nguyên nhân khiến số nợ thuế tăng, như doanh nghiệp còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tác động của kinh tế thế giới; Dự án gặp ách tắc về thủ tục nên nhà đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất; Các khoản thuế được gia hạn trong năm 2023 đã đến hạn phải nộp; Doanh nghiệp chây ỳ, có doanh thu, dòng tiền nhưng cố tình không nộp ngân sách.
Chính vì vậy để thu hồi nợ hiệu quả, trước hết cơ quan chức năng cần phân loại nợ để có biện pháp kịp thời. Doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn thì đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, từ đó sớm nộp ngân sách.
Ngược lại, đơn vị có doanh thu, có dòng tiền, lợi nhuận nhưng cố tình không nộp ngân sách, lợi dụng chính sách hỗ trợ để nợ thuế, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý bằng biện pháp mạnh.
Cơ quan chức năng nên định kỳ công khai danh sách đơn vị nợ thuế trên phương tiện thông tin đại chúng; Tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu nợ thuế khác thông qua phong tỏa tài khoản, thu hồi giấy phép kinh doanh, dừng xem xét cấp phép đầu tư, chấp thuận dự án đầu tư… với doanh nghiệp cố tình nợ thuế; Trường hợp nợ thuế nghiêm trọng xem xét chuyển cơ quan công an điều tra và thông tin công khai để cảnh báo, phòng ngừa chung; Tập trung đôn đốc các khoản tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn năm 2024 theo các chính sách hỗ trợ, tránh phát sinh tiền nợ, tiền chậm nộp; Tiếp tục có đánh giá kỹ tình hình nợ và tham mưu cho các cấp có thẩm quyền giải pháp quyết liệt để giảm nợ thuế; Kiên quyết không được để nợ tiếp tục tăng góp phần hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao.
Tổng cục Thuế cũng đã ban hành 11 biện pháp tăng cường thu hồi nợ thuế đến hết năm 2024 như đôn đốc, nhắc nhở thu hồi nợ theo số ngày nợ, áp dụng đầy đủ biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ, tăng cường rà soát, xử lý nợ sai, nợ ảo; Giám sát cục thuế địa phương triển khai quản lý nợ… Song điều quan trọng hơn là tăng cường trách nhiệm của từng đơn vị, người đứng đầu và từng cán bộ, công chức trong xử lý nợ thuế; Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm thu hồi nợ thuế, xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn, đồng thời theo dõi, giám sát chặt chẽ tiến độ thu hồi nợ, với mục tiêu vừa giảm tỷ lệ nợ cũ vừa không phát sinh thêm nợ mới; Đẩy mạnh tuyên truyền về nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp với nhà nước, với xã hội, đồng thời hiểu rõ việc có thể đối mặt với vấn đề pháp lý khi cố tình nợ thuế./.