Ngày 27/10/2016 UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 3055/QĐ-UBND, về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng, hoàn thiện nền tảng Chính quyến điện tử tỉnh Thái Bình. UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông Thái Bình là chủ đầu tư dự án. Ngày 29/8/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Quyết định số 1178/QĐ-BKHĐT về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN (bao gồm trái phiếu Chính phủ) giai đoạn 2016-2020, ngày 20/9/2017 UBND tỉnh Thái Bình có Thông báo số 61/TB-UBND Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn NSTW (bao gồm TPCP): 12 tỷ đồng.
Đến ngày 13/4/2018 UBND tỉnh có Quyết định số 917/QĐ-UBND, về việc tạm ứng vốn để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng, hoàn thiện nền tảng Chính quyến điện tử tỉnh Thái Bình. Sở Thông tin và Truyền thông đã làm thủ tục chỉ định Trung tâm Tư vấn Nghiệp vụ và Hỗ trợ đánh giá hiệu quả đầu tư công nghệ thông tin thực hiện tư vấn lập thiết kế thi công của dự án. Ngày 20/8/2018 Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông có Công văn số 522/THH-HTTT về việc góp ý Thiết kế thi công của Dự án: Đầu tư xây dựng, hoàn thiện nền tảng Chính quyến điện tử tỉnh Thái Bình.
Trên cơ sở đó ngày 13/9/2018 của UBND tỉnh có Quyết định số 2299/QĐ-UBND vềviệc phê duyệt Thiết kế thi công và tổng dự toán của Dự án: Đầu tư xây dựng, hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình, với tổng mức đầu tư: 45.000.000.000 đồng. Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách trung ương thuộc chương trình mục tiêu về CNTT giai đoạn 2017-2021: 31.500.000.000 đồng, ngân sách tỉnh: 13.500.000.000 đồng.
Dự án có mục tiêu, quy mô đầu tư như sau: Mục tiêu đầu tư của Dự án: Hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử của tỉnh để tăng cường triển khai và phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên trên các lĩnh vực để phục vụ người dân và doanh nghiệp; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đồng thời đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống ứng dụng CNTT, các CSDL dùng chung của tỉnh trên cơ sở nâng cao năng lực vận hành, khai thác, sử dụng Chính quyền điện tử của cơ quan nhà nước, các tổ chức, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Quy mô đầu tư của Dự án: Đầu tư xây dựng, hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử của tỉnh Thái Bình bao gồm: Triển khai nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP) của tỉnh; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của toàn tỉnh để kết nối, chia sẻ, liên thông các hệ thống thông tin, CSDL của tỉnh với Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương khác; Đầu tư bổ sung các thiết bị bảo mật, máy chủ, hệ thống lưu trữ, hệ thống sao lưu dự phòng để bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và an toàn, bảo mật thông tin cho các hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung, trọng yếu trong Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh.
Các hạng mục, nội dung đầu tư chính của dự án như sau:
Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong đó chú trọng: Ngân sách Trung ương: ưu tiên đầu tư bổ sung các thiết bị bảo mật, hệ thống máy chủ, thiết bị lưu trữ, thiết bị sao lưu cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngân sách tỉnh đầu tư thực hiện các nhiệm vụ: Nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước các cấp để đáp ứng vận hành, khai thác, sử dụng Chính quyền điện tử của tỉnh.
Đầu tư hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh, trong đó: Ngân sách Trung ương: Ưu tiên để đầu tư hệ thổng nền tảng, tích hợp, chia sẻ (hệ thống LGSP của tỉnh) bao gồm các thành phần như: Trục kết nối; hệ thống quản lý quy trình nghiệp vụ; hệ thống dịch vụ dữ liệu chính; hệ thống quản trị tài nguyên; hệ thống quản trị ứng dụng; Hệ thống giám sát quy trình xử lý nghiệp vụ;… để tích hợp, chia sẻ với các hệ thống CNTT dùng chung đã có của tỉnh; Ngân sách tỉnh: Nâng cấp các hệ thống thông tin dùng chung đã có của tỉnh như: Cổng thông tin điện tử, Mạng văn phòng điện tử liên thông, hệ thống thư điện tử, mạng hành chính công điện tử để tích hợp, kết nối, chia sẻ, liên thông giữa các hệ thống trên hệ thống nền tảng ở trên. Đồng thời triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội tại Thái Bình.
Đầu tư xây dựng và duy trì hệ thống CSDL tập trung của tỉnh trên các lĩnh vực để kết nối với CSDL quốc gia: Ngân sách Trung ương: ưu tiên hỗ trợ để đầu tư một số CSDL cần thiết, quan trọng, dùng chung của tỉnh để đồng bộ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các CSDL của quốc gia. Ngân sách tỉnh: đầu tư một số CSDL chuyên ngành của tỉnh để đồng bộ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các CSDL của quốc gia.
Phát triển nguồn nhân lực của Chính quyền điện tử: Hàng năm, Ngân sách nhà nước tỉnh sẽ đảm bảo kinh phí duy trì các hệ thống Chính quyền điện tử như: Mua bản quyền để duy trì, cập nhật thông tin cho hệ thống thiết bị bảo mật đang có và sẽ đầu tư nhằm đảm báo an toàn, an ninh thông tin cho Trung tâm THDL của tỉnh hàng năm. Kinh phí duy trì Mạng diện rộng của tỉnh cho cho cơ quan nhà nước các cấp. Thực hiện duy trì, cập nhật các CSDL dùng chung của tỉnh từ nguồn vốn sự nghiệp của tỉnh. Ngân sách nhà nước tỉnh tiếp tục đầu tư thực hiện các nhiệm vụ sau: Huấn luyện nhằm nâng cao năng lực về an toàn và bảo mật hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cho cán bộ chuyên trách CNTT; Chuyển giao công nghệ về vận hành, khai thác và sử dụng Chính quyền điện tử cho cán bộ của các cơ quan nhà nước, công dân trên địa bàn; Truyền thông và tập huấn về Chính quyền điện tử cho công dân và doanh nghiệp. Thời gian thực hiện dự án: Giai đoạn 2017-2021 (Theo Quyết định phê duyệt thiết kế thi công dự án).
Tình hình triển khai thực hiện Dự án
Đầu tư xây dựng, hoàn thiện nền tảng Chính quyến điện tử tỉnh Thái Bình Nội dung đã thực hiện năm 2018: Sau khi được UBND tỉnh tạm ứng 10.000 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng, hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình. Sở Thông tin và Truyền thông đã lựa chọn thực hiện trước các nội dung sau: Xây dựng phần mềm quản lý CSDL dùng chung toàn tỉnh; Mua sắm thiết bị bảo mật cho Web, thiết bị cảnh báo giám sát tấn công mạng và Thiết bị firewall tích hợp cho 24 cơ quan; Mua sắm bổ sung thiết bị máy chủ, phần mềm ảo hóa và một số thiết bị khác, Nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh và 27 cổng thành phần để kết nối, liên thông.
Cũng trong năm 2018, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội đã thực hiện tài trợ đầu tư bổ sung cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh thuộc các hạng mục của Dự án là: 2.781triệu đồng. Nội dung đang thực hiện năm 2019: Ngày 08/5/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 1226/QĐ-UBND về việc tạm ứng vốn 10.000 triệu đồng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng, hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình. Sở Thông tin và Truyền thông đã tiếp tục tham mưu để thực hiện các nội dung sau của Dự án: Đầu tư thiết bị quản lý chính sách và giải pháp để quản lý diệt virus tập trung (trong đó có licence phần mềm phòng chống virus tập trung (Endpoint) cho 5000 user; Đầu tư xây dựng hệ thống nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP) của tỉnh (đây là nhiệm vụ quan trọng Trung ương đang yêu cầu các địa phương triển khai để tích hợp với hệ thống nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung Quốc gia (NGSP) cơ bản đã hoàn thành do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý) ;Thanh toán kinh phí còn lại của các gói thầu thực hiện năm 2018 và các nhiệm vụ khác phục vụ triển khai Dự án năm 2019.
Các hạng mục của Dự án đầu tư xây dựng, hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình đã triển khai thực hiện trong 2 năm 2018 - 2019 đã đạt yêu cầu đúng như thiết kế thi công đã được Cục tin học hóa thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời đã có tác dụng thúc đẩy hoạt động của Trung tâm Giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) của tỉnh Thái Bình (có dữ liệu được thu thập từ các thiết bị quản lý tập trung trong Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh chuyển về Trung tâm SOC để thực hiện giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng cho các hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh Thái Bình) do Công ty cổ phần Công nghệ BKAV tài trợ cơ sở hạ tầng ban đầu để thực hiện giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng cho tỉnh Thái Bình. Như vây, đến hết năm 2019, tỉnh Thái Bình sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của hệ thống nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP) của tỉnh, cơ bản đáp ứng tích hợp theo đúng lộ trình với các hệ thống thông tin, CSDL của các bộ, ngành Trung ương đang triển khai tích hợp với hệ thống nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung Quốc gia (NGSP).
Thái Bình cũng đã có cơ sở hạ tầng của Chính quyền điện tử đó là hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh đã tích hợp được dữ liệu của một số ngành như: Thông tin và Truyền thông, quy hoạch xây dựng, quy hoạch thửa đất, cơ sở dữ liệu xác thực người dùng; các hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung được triển khai thực hiện trong toàn tỉnh đến cấp xã; Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh có nhiều lớp bảo mật khác nhau. Những yếu tố trên là nền tảng quan trọng để tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện các nội dung triển khai xây dựng đô thị thông minh tỉnh Thái Bình trong giai đoạn tiếp theo để thực hiện Thông báo số 791-TB/TU ngày 14/10/2019 của Tỉnh ủy Thái Bình kết luận của Ban thường vụ tỉnh ủy về chủ trương triển khai xây dựng Đô thị thông minh tỉnh Thái Bình giai đoạn 2019-2025.