Thế hệ Z đã sẵn sàng nhập cuộc với kỷ nguyên số?

Tâm An| 11/06/2021 10:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Thế hệ Z (Gen Z) - những “công dân số” được nhận định sẽ là lực lượng có ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động với những tiềm năng và lợi thế có thể giúp kinh tế số bứt phá trong tương lai.

Thế hệ Z - lực lượng lao động tiềm năng trong kỷ nguyên số

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng Gen Z trong độ tuổi lao động (từ 15 tới 24 tuổi) vào năm 2019 là khoảng 13 triệu người. Tới năm 2025, Gen Z dự kiến sẽ đóng góp vào 1/3 lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam, và sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động trong nước.

Gen Z, là thế hệ gồm những người sinh từ cuối những năm 1990 đến năm 2010. Sinh ra trong thời đại công nghệ bùng nổ, thế hệ Z là những "công dân số" đích thực, những người đã quen với môi trường được bao quanh bởi công nghệ, thành thạo kỹ thuật số từ nhỏ. Điều này đã tạo ra một thế hệ siêu nhận thức, thoải mái với việc thu thập và thích tích hợp cả những trải nghiệm ảo - thực tế.

Mặc dù được nhận xét là có khả năng tập trung thấp hơn các thế hệ trước đó. Nhưng Gen Z có những ưu điểm nổi trội được định hình bởi những ưu thế của thời đại số có thể khiến các thế hệ trước lắc đầu chào thua như kỹ năng số, khả năng xử lý thông tin nhanh... Gen Z được sinh ra trong một thế giới tin tức luôn được cập nhật liên tục nên sở hữu khả năng xử lý nhiều thông tin cùng lúc một cách nhanh chóng. Với sự linh hoạt trong suy nghĩ, bộ não của thế hệ Z đã quen với việc xử lý đồng thời các thông tin đến từ nhiều nguồn khác nhau.

Thế hệ tự học này cũng thoải mái tiếp thu kiến thức trực tuyến hơn là cách học truyền thống. Khả năng tự học cao dẫn đến việc Gen Z có thể thích ứng với các yêu cầu mới một cách dễ dàng và họ không ngại thay đổi môi trường quen thuộc để đạt được những điều mới.

Đây là thế hệ với ưu thế về khả năng nắm bắt và sử dụng công nghệ mới cũng như tinh thần khởi nghiệp cao, nguồn nhân lực thế hệ Z - nếu được sử dụng đúng cách, sẽ là động cơ tích cực thúc đẩy doanh nghiêp phát triển vượt trội trong nền kinh tế số.

Thế hệ Z đã sẵn sàng nhập cuộc với kỷ nguyên số? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Gen Z đã sẵn sàng cho kỷ nguyên số?

Gần đây, Tổ chức Nguồn nhân lực tại Việt Nam (PwC Việt Nam) đã công bố báo cáo "Thế hệ Z đã sẵn sàng cho kỷ nguyên số?", được thực hiện nhằm tìm hiểu quan điểm của Thế hệ Z tại Việt Nam - thế hệ trẻ nhất trong lực lượng lao động, và cách thế hệ này đang chuẩn bị hành trang cho nền kinh tế số nhiều biến động.

Kết quả cho thấy Gen Z Việt Nam có cảm nhận tích cực về công nghệ, tuy nhiên, cũng là thế hệ tỏ ra lo ngại nhất. Trên 80% Gen Z tham gia khảo sát cho biết họ lạc quan rằng công nghệ sẽ cải thiện triển vọng công việc. Tuy nhiên cũng có 11% Gen Z bày tỏ lo ngại về tác động của công nghệ tới việc làm trong tương lai, đây là nhóm kém lạc quan nhất trong các thế hệ tham gia vào lực lượng lao động. 

Theo đó, ba mối quan ngại lớn nhất được trích dẫn là: Công nghệ sẽ khiến vai trò của họ trở nên thừa thãi (chiếm 51%); họ sẽ không có năng lực phù hợp (chiếm 26%) và sẽ không thể học các kỹ năng phù hợp (chiếm 12%).

"Trong thế giới đột phá ngày nay, không có công việc nào đứng ngoài những thay đổi trong tương lai. Lời khuyên của tôi dành cho Gen Z là nên bắt đầu nhìn nhận bản thân mình như một sự tổng hòa các năng lực và kỹ năng, thay vì chỉ gắn mình trong một nghề nghiệp hay vai trò nhất định", ông Quách Thành Châu, lãnh đạo Nguồn nhân lực tại PwC Việt Nam cho biết.

Nhìn chung, thế hệ Z đón nhận các phương thức làm việc linh hoạt một cách tích cực và đây có thể là lực lượng lao động từ xa hiệu quả nhất. 80% Gen Z dự đoán làm việc từ xa sẽ trở thành thông lệ mới và 57% Gen Z tham gia lao động cho biết họ cảm thấy hiệu quả khi làm việc tại nhà. Đây là tỷ lệ cao nhất ghi nhận trong các nhóm thuộc độ tuổi lao động.

"Các tổ chức sẽ cần áp dụng một tư duy khác để thu hút và giữ nhân tài Gen Z tại Việt Nam, những người sẽ sớm trở thành động lực phát triển cho lực lượng lao động cũng như nền kinh tế. Đặc biệt, kết quả khảo sát nhấn mạnh sự cấp thiết đối với các tổ chức trong việc sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu đặt ra bởi mô hình làm việc từ xa - về văn hóa lẫn cơ sở hạ tầng, trong khi cân nhắc các bước để giảm thiểu rủi ro an ninh mạng" - ông Quách Thành Châu khuyến nghị.

Sinh ra trong thời đại công nghệ bùng nổ, Gen Z là những "công dân số" đích thực với nhiều lợi thế khi gia nhập lực lượng lao động trong thời kỳ công nghệ thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, trên thực tế giới trẻ Việt Nam quen thuộc và am hiểu về công nghệ, nhưng nhiều người vẫn chưa được đào tạo chính quy về kỹ thuật và các kỹ năng mềm cần thiết để theo kịp yêu cầu từ CMCN 4.0. Đây là thực tế đáng lo ngại, vì thanh niên Gen Z Việt Nam có xu hướng chiếm những công việc có nguy cơ tự động hóa cao hơn so với các nhóm tuổi lao động khác.

Với những lợi thế không phải bàn cãi, nhưng để có thể sẵn sàng nhập cuộc vào kỷ nguyên số đầy biến động thì Gen Z cũng cần có lộ trình cho bản thân trong việc nâng cao trình độ và những kỹ năng cần thiết để có thể đáp ứng được những yêu cầu của nền kinh tế số phát triến triển mạnh mẽ trong tương lai.

Thế hệ Z đã sẵn sàng nhập cuộc với kỷ nguyên số? - Ảnh 2.

Gen Z là thế hệ đầu tiên lớn lên gắn liền với công nghệ, với những chiếc điện thoại thông minh.

Trang bị thế hệ Z cho tương lai

Gen Z là thế hệ đầu tiên lớn lên gắn liền với công nghệ, với những chiếc điện thoại thông minh. Điện thoại và kết nối mạng là cách họ giao tiếp, sử dụng thông tin, kết nối với các cơ hội và học hỏi những điều mới. Họ là những người học tích cực, nhanh chóng và độc lập, muốn kết nối mọi thứ họ nghe, thấy và đọc với thế giới thực.

Vì họ là những công dân số, thay vì ngăn cản nhu cầu sử dụng thiết bị di động liên tục của thế hệ Z, trường học, tổ chức, doanh nghiệp (DN) hãy trao cho họ cơ hội học hỏi, trau dồi và vận dụng các kỹ năng công nghệ bằng cách cho phép họ sử dụng điện thoại thông minh trong công việc và biến những thiết bị này thành công cụ học tập.

Theo khảo sát của PwC Việt Nam, Gen Z Việt Nam có cái nhìn cân bằng hơn so với các thế hệ trước về vai trò của các bên liên quan trong việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Trong khi 50% người được hỏi cho rằng phát triển kỹ năng là hành trình của mỗi cá nhân, 46% cho biết họ kỳ vọng DN và chính phủ sẽ có vai trò quyết định trong việc hỗ trợ người lao động nâng cao kỹ năng nghề.

Nhận định về vấn đề này, ông David Tay, Lãnh đạo chương trình "Thế giới mới. Kỹ năng mới" của PwC Việt Nam cho biết: "Đây là thời điểm để mở ra những thảo luận chân thực và toàn diện với các nhà tuyển dụng, chính phủ và rộng hơn là xã hội về những thay đổi mang tính hệ thống cần được thực hiện ngay hôm nay, để trang bị cho thế hệ trẻ Việt Nam những kỹ năng cho ngày mai".

Theo đó, tất cả khởi đầu với tầm nhìn chiến lược cần được dẫn dắt bởi chính phủ xuyên suốt trong toàn hệ sinh thái giáo dục Gen Z. Tầm nhìn chiến lược này có thể được đưa vào thực hiện ngay từ cấp mầm non và xuyên suốt hành trình giáo dục. Trọng tâm giáo dục chuyển đổi từ đào tạo theo cấp bậc thuần túy sang xây dựng sự vững vàng cho học sinh, sinh viên khi đối mặt với sự thay đổi, phát triển khả năng chấp nhận rủi ro và đổi mới sáng tạo, nuôi dưỡng thói quen tự học cả đời.

Chính phủ có thể hợp tác với các DN và đơn vị trong nhiều ngành để hiểu rõ hơn về nhu cầu công việc trong tương lai và ban hành các chính sách can thiệp hỗ trợ kịp thời. Các định hướng đầu vào này sẽ mang lại lợi ích cho các trường học và cơ sở đào tạo khi thiết kế các chương trình giảng dạy để giải quyết khoảng cách giữa cung và cầu về năng lực của lực lượng lao động.

Các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nói chung và các trường đại học nói riêng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Đây là nơi mà hệ thống giáo dục trước đây tập trung vào sự xuất sắc trong học tập, thì giờ đây có cơ hội để các nhà cung cấp giáo dục chuyển trọng tâm sang hợp tác với cộng đồng DN và các ngành công nghiệp để xác định lại sự sẵn sàng nghề nghiệp và trao quyền cho sinh viên với các kỹ năng phù hợp cho một loạt vai trò mới.

Đặc biệt, khoảng thời gian chú ý của thế hệ Z rất ngắn - khoảng 8 giây, so với khoảng 12 giây của thế hệ Y. Điều đó có nghĩa là các chương trình đào tạo định dạng dài với những lời giải thích phức tạp sẽ không còn phù hợp. Thay vào đó, cung cấp nội dung học tập dễ hiểu thông qua những công cụ quen thuộc mà họ sử dụng hàng ngày sẽ đem lại hiệu quả hơn.

Học tập mang tính trải nghiệm được kết nối với thế giới thực có thể mang lại cơ hội phản ánh, phân tích, kiểm tra và thử nghiệm. Các khóa đào tạo càng thực tế, thì càng khuyến khích thế hệ trẻ tham gia nhiều hơn. Có nhiều định dạng học tập thân thiện với Gen Z như: trò chơi, mô phỏng, nghiên cứu, hackathon, chạy đua kỹ năng...

Theo PwC Việt Nam, các DN trong ngành và các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục cần tìm cơ hội để hợp tác với nhau, chẳng hạn như: Cung cấp các khóa học đào tạo mang tính vi mô/ngắn hạn nhằm nâng cao khả năng phát triển năng lực; Ưu tiên các chương trình dạy nghề và giáo dục đại học "đúng lúc" (just in time) hơn là "phòng bị" (just in case); Nâng cao hệ thống bằng cấp chứng chỉ vốn chặt chẽ, mang tính chuyển đổi, được công nhận cao và nhanh nhạy hơn; Tăng cường tính chặt chẽ của chương trình đào tạo và phát triển trong doanh nghiệp.

Đào tạo đầu vào cho một nhân viên mới cũng khá giống với tiếp thị thông thường: các tổ chức, DN cần tiếp cận đối tượng mục tiêu của mình trong môi trường sống bản địa của họ.

Theo báo cáo Xu hướng Nguồn nhân lực toàn cầu năm 2021 của Deloitte, việc thiết kế lại công việc xoay quanh trải nghiệm của nhân viên là điều bắt buộc đối với các công ty muốn phát triển mạnh. Các chương trình luân chuyển, đào tạo chéo hay thậm chí là cố vấn giữa các phòng ban khác nhau có thể giúp nuôi dưỡng sự tò mò của thế hệ Z và tăng động lực phát triển trong công ty. Mặc dù thiếu kinh nghiệm có thể khiến một số nhà quản lý không khuyến khích việc cung cấp cho nhân viên Gen Z cơ hội để chủ động và khám phá, nhưng họ có thể sẽ ngạc nhiên trước chất lượng ý tưởng và sự sáng tạo của các nhân viên trẻ.

Bên cạnh đó, học các kỹ năng có thể ứng dụng ngay là ưu tiên hàng đầu của Gen Z và thậm chí họ sẽ tham gia nhiều hơn nếu các kỹ năng đó liên quan trực tiếp đến sự phát triển nghề nghiệp. Theo Báo cáo học tập của LinkedIn 2021, khoảng 76% nhân viên thuộc Gen Z kết nối học tập với cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp cao hơn các thế hệ khác.

Mặc dù họ nắm bắt các kỹ năng kỹ thuật khá nhanh và có thể học độc lập thông qua các nguồn trực tuyến có sẵn, nhưng việc thiếu các tương tác bên ngoài có thể khiến họ dễ bị tổn thương và thiếu kinh nghiệm cũng như các kỹ năng mềm. Vì thế, thiết kế các chương trình tương tác cho phép nhân viên Thế hệ Z phát triển cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng giao tiếp sẽ tăng kết quả học tập và nâng cao kỹ năng nhanh chóng.

Số lượng nhân viên Gen Z sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Nâng cao kỹ năng cho họ trong giai đoạn đầu của sự nghiệp là rất quan trọng để tạo ra những nơi làm việc đa dạng và toàn diện cũng như tận dụng sự hiểu biết về công nghệ của họ. Điều quan trọng mà DN, tổ chức cần lưu ý là tạo không gian để họ thử nghiệm, phân tích và đưa ra các giải pháp riêng, cũng như khai thác học tập thông qua công nghệ mà họ hiểu và sử dụng hàng ngày. Và với thế hệ Z, nếu bạn thấy họ đang xem video TikTok, rất có thể là họ đang học Excel.

"Dù đang làm việc cho một doanh nghiệp hay tự khởi nghiệp, tư duy phát triển và tinh thần ham học hỏi sẽ cho phép Thế hệ Z tham gia đầy đủ vào nền kinh tế số trong tương lai", Nguyễn Hiền Giang Trưởng phòng cao cấp, Dịch vụ Tư vấn hoạt động, PwC Việt Nam chia sẻ./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thế hệ Z đã sẵn sàng nhập cuộc với kỷ nguyên số?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO