Thế nào là Báo chí số
Ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chuyển đổi số báo chí sẽ trở thành xu thế tất yếu ở tất cả các cơ quan báo chí.
Báo chí số (Digital journalism) là loại hình báo chí sử dụng công nghệ số vận hành, đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số.
Khác với tác phẩm báo chí truyền thống, tác phẩm báo chí số có những đặc điểm sau: Tác phẩm, sản phẩm báo chí số là thông điệp truyền thông đa phương tiện, trong đó việc mã hóa và giải mã được thực hiện dựa trên sự kết hợp của nhiều phương tiện; Sáng tạo tác phẩm và sản xuất sản phẩm dựa trên dữ liệu số: Thông tin cần được số hóa, phân tích, xử lý, lưu trữ thành dữ liệu số, được sử dụng thông qua mạng máy tính và môi trường truyền dẫn Internet chất lượng cao. Sau quá trình phân tích, xử lý, dữ liệu đầu ra luôn được đồng bộ hóa.
Tác phẩm, sản phẩm báo chí số gắn liền với công nghệ số, luôn “sống” trong hệ sinh thái truyền thông số; Báo chí số chỉ có thể vận hành trong hệ sinh thái số được xây dựng trên cơ sở 5 thành phần: Phần cứng (Hardware), phần mềm (Software), mạng lưới (Network), các dịch vụ (Services), nội dung (Content).
Báo chí số mang đặc tính của báo chí trên nền tảng số và báo chí đa phương tiện, bao gồm: Tính thời gian thực, tính tương tác, tính đồng bộ trên nền tảng số và trong hệ sinh thái số. Đặc tính này tạo ra sự khác biệt giữa báo chí số và các loại hình báo chí truyền thống, trọng tâm là công nghệ số - công cụ số - công chúng số. Báo chí số bao gồm các thành tố: Nhà báo/ robot, nội dung số, nền tảng số, công cụ số, công chúng số; Hoạt động trên cơ sở liệu lớn và các chương trình tương tác, vận hành trong hệ sinh thái số.
Nhà báo/robot là nguồn phát của báo chí số. Chủ thể báo chí số có quyền tạo và xuất bản nội dung, tương tác với công chúng qua các bình luận hay live chat. Nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) mà robot có thể trở thành chủ thể báo chí số. Sự tham gia của robot và các công cụ số khác giúp chủ thể sáng tạo nội dung số có cả chức năng nhận thông điệp, phân tích thông điệp, xây dựng nội dung và tạo tương tác.
Công chúng số là nhóm đối tượng có năng lực sử dụng kỹ thuật và công nghệ, các nền tảng số, chủ động trong tiếp cận và tiếp nhận thông tin, có khả năng cao hơn trong tham gia và tương tác truyền thông với nhiều nhóm đối tượng, ở nhiều mức độ, cấp độ, nhiều hình thức biểu hiện khác nhau. Công chúng số là người tiếp nhận tác phẩm báo chí số, đồng thời có thể chính là nguồn phát - người tạo nội dung báo chí số. Các nhà báo giữ vai trò nguồn phát là những người có kiến thức, kỹ năng báo chí số, là chủ thể chính trong sáng tạo nội dung số, tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí, truyền thông số. Họ đảm nhiệm trách nhiệm chính về nội dung, hình thức các tác phẩm/sản phẩm báo chí số.
Nội dung số - nền tảng số - công cụ số: Nội dung số là nội dung chéo dựa trên các yếu tố đa phương tiện, các chương trình tương tác, sử dụng các công cụ số (Bao gồm phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng là thành quả của cách mạng công nghệ), được tạo lập, phát hành trên các nền tảng số, ứng dụng và phát triển trong hệ sinh thái số.
Hiện nay, có 5 loại báo chí số cơ bản sau: Báo chí tự động (Automation journalism) hay còn gọi là báo chí robot (Robot journalism) là thể loại báo chí số có chủ thể là robot và các phần mềm AI thông qua việc “tự động hóa” một số quy trình mà trước đây các nhà báo, phóng viên hay nhân viên truyền thông phải thực hiện một cách thủ công. Báo chí tự động ra đời năm 2016 với phần mềm viết tin tự động Heliograf của The Washington Post.
Báo chí dữ liệu (Data journalism) là thể loại báo chí số dựa trên quá trình phân tích, xử lý, lưu trữ thành dữ liệu số. Báo chí đa phương tiện (Multimedia journalism) là thể loại báo chí số, trong đó mô phỏng và sử dụng đồng thời nhiều dạng phương tiện chuyển hóa thông tin như: Văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa, hoạt hình và bất kỳ phương tiện nào khác… Báo chí đa nền tảng (Multi-plasform) là thể loại báo chí số trong đó nội dung báo chí được thiết kế phù hợp để phát hành ở các nền tảng số khác nhau, chẳng hạn như: Tin tức của VTV có thể phát sóng trên các kênh VTV1, trên VTVGo, VTVNews và các nền tảng mạng xã hội khác nhau.
Báo chí đa loại hình (Integrated types of journalism) là thể loại báo chí mà các tác phẩm, sản phẩm báo chí được xuất bản trên các nền tảng số, được tổ chức theo cách tích hợp các loại hình báo chí, phổ biến nhất là chương trình phát thanh, truyền hình xuất bản trên các giao diện báo điện tử hay podcast.
Thực chất của báo chí số là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông.
Ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nhà báo; Hỗ trợ phát triển nền tảng số quốc gia cho báo chí. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực báo chí chuyển đổi số của Nhà nước là giải pháp cấp bách. Tương lai báo chí chuyển đổi số còn dài, chắc chắn trở thành xu thế tất yếu ở tất cả cơ quan báo chí, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng được một nguồn lực cho báo chí chuyển đổi số toàn diện, thực chất, bài bản.