Kinh tế

Thị trường bán lẻ Việt Nam khởi sắc bởi các nhà đầu tư nước ngoài

Hồng Nhung 28/11/2024 14:16

Từ đầu năm 2024 đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tiếp tăng trưởng qua các tháng, tạo đà cho sản xuất của doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Hoạt động kinh tế khởi sắc đã giúp cho tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2024 ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,0%). Doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2024 ước đạt 4.487,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,1% tổng mức và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,9%; may mặc tăng 8,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 7,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 5,6%.

anh-kem-tiinttcs-1.jpg
Tập đoàn BRG phối hợp với Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản có tới 11 điểm bán của hệ thống FujiMart tại Hà Nội.

Thị trường bán lẻ nội địa nước ta tiếp tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư. Lũy kế đến tháng 11/2024, ngành bán buôn bán lẻ có tổng vốn đăng ký đạt gần 1,37 tỷ USD, đứng thứ 3 về thu hút FDI trong số các ngành. Xét về số lượng dự án, bán buôn, bán lẻ là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,3%) và số lượt giao dịch góp vốn mua cổ phần (chiếm 42,4%).

Nhiều đại gia đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore đã hiện thực hóa mục tiêu mở rộng tại thị trường Việt Nam. Đơn cửa như Tập đoàn BRG phối hợp với Tập đoàn Sumitomo có tới 11 điểm bán của hệ thống FujiMart tại Hà Nội; Công ty TNHH Aeon Việt Nam (Aeon Việt Nam) có 8 trung tâm thương mại thứ 8 tại Việt Nam với kế hoạch sẽ tiếp tục mở mới đa dạng các điểm mua sắm với nhiều mô hình và quy mô khác nhau…

Việc các nhà bán lẻ nước ngoài liên tục đổ vốn vào thị trường Việt Nam gây nên sức ép nhất định đến thị phần cho doanh nghiệp nội địa do có lợi thế về năng lực cạnh tranh, về quy mô và chuỗi liên kết toàn cầu với các nhà sản xuất. Như vậy khi thị trường bán lẻ hoàn toàn mở cửa, các doanh nghiệp trong nước có nguy cơ mất thị phần.

Trước thực trạng này, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ hàng đầu trong nước cần đạt được các mối liên kết đủ mạnh để tạo ra chuỗi cung ứng bán lẻ khép kín từ sản xuất, chế biến, vận chuyển... cho đến khâu phân phối bán lẻ tới người tiêu dùng. Đảm bảo được sự liên kết chặt chẽ và linh hoạt trong toàn chuỗi cung ứng đồng thời hoàn thiện và nâng cao chất lượng hàng hóa, các dịch vụ bán hàng và sau bán hàng.

Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần khẩn trương nâng cao chất lượng cung ứng và cạnh tranh giá bán; Nhanh chóng tạo lập và phát triển hệ thống chuỗi, chân rết ở các địa phương; Tìm kiếm vị trí kinh doanh thuận lợi và đầu tư bài bản; Chuyển đổi từ mô hình mua sắm truyền thống sang hình thức mua sắm hiện đại; Xây dựng thương hiệu và tham gia mạnh mẽ vào các mô hình bán hàng thông qua thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến trên truyền hình, điện thoại; Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững là lợi ích của người tiêu dùng và những đóng góp tích cực cho xã hội./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bán lẻ Việt Nam khởi sắc bởi các nhà đầu tư nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO