Thị trường bán lẻ Việt Nam: Những nút thắt cần gỡ trong bối cảnh Hiệp định thương mại EVFTA

Chuyên gia Kinh tế Vũ Vinh Phú| 21/08/2020 10:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo ý kiến chuyên gia, cần tháo gỡ 04 nút thắt tại thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định thương mại EVFTA.

Trong Nghị quyết 84-NQ-CP ngày 29/5/2020, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ ngành về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid 19.

 Riêng đối với ngành Công thương, Chính Phủ có định hướng những nội dung liên quan để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường nội địa: "Thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục sự gián đoạn nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh, bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam, tổ chức kiểm soát giá bán của chuỗi cung ứng thịt, thịt lợn trên thị trường. Tăng cường kết nối giữa các khâu trong hệ thống phân phối, giảm bớt những khâu trung gian không cần thiết, đảm bảo cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu để bình ổn giá tiêu dùng trong nước. Phát động chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh."

Sự chỉ đạo của Chính phủ là rất kịp thời và rất đúng hướng nhằm vực dậy sự phát triển của thị trường nội địa sau đợt dịch Covid vừa qua. Có thể nói, trong hàng chục năm nay, thị trường nội địa Việt Nam đã phát triển đáng khích lệ, hệ thống phân phối gắn kết với nguồn cung sản xuất trong nước chặt chẽ hơn, hàng hóa đa dạng phong phú, được nâng cao một bước về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với hàng Việt. Tuy nhiên chúng ta cần phải phân tích sâu hơn, thẳng thắn hơn về những nút thắt còn tồn tại.

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Những nút thắt cần gỡ trong bối cảnh Hiệp định thương mại EVFTA - Ảnh 1.

Bán lẻ là thị trường Việt Nam rất có tiềm năng mà các doanh nghiệp nội địa cần khai thác. Ảnh: Bình Minh

Về nút thắt thứ nhất và cũng là lớn nhất, ai cũng đều biết, đó là sản xuất nội địa chưa gắn kết với hệ thống phân phối một cách chặt chẽ. Hiện nay sức sản xuất các mặt hàng Việt ở trong nước, nhất là hàng nông sản thực phẩm rất lớn, có đủ sức để phục vụ tiêu dùng nhưng hệ thống phân phối bao gồm 9000 chợ dân sinh và chợ đầu mối, 800 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 4000 cửa hàng tự chọn, siêu thị mini tuy số lượng màng lưới tiêu thụ phát triển trong nhiều năm nay là khá lớn song vẫn chưa là trợ thủ đắc lực để đảm bảo đầu ra cho nguồn cung hàng hóa đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn nhiều năm trước. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này làm cho hàng hóa có lúc dư thừa, phải đổ bỏ hoặc bán dưới giá thành thua lỗ, trong khi đó, người tiêu dùng lại phải mua lẻ các mặt hàng với mức giá cao vô lý. 

Như vậy cung cầu luôn luôn mất cân đối, do cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan đem lại. Về nguyên nhân khách quan: sức mua trong nước còn yếu, sản phẩm làm ra chưa đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm còn yếu kém, còn về chủ quan thì sao? sự yếu kém của hệ thống phân phối thể hiện ở chỗ: hàng hóa, nhất là nông sản thực phẩm, mặc dù đạt tiêu chuẩn theo quy định của các siêu thị nhưng kết quả của hàng nghìn sự kết nối được tổ chức trong các năm vừa qua mới thực hiện được khoảng 15-20% (Theo Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công thương).

 Nguyên nhân chưa kết nối được đầy đủ thì đã rõ, nào là chiết khấu cao 25-30%, các chi phí khó nói khác, nhà sản xuất bị chiếm dụng vốn khi thanh toán chậm theo hợp đồng, hoặc phí tạo mã của một lô hàng nhập vào một số siêu thị phải đóng góp từ 10-20 triệu cho tới hàng trăm nghìn USD thì hàng hóa mới có chỗ đứng ở trong những siêu thị lớn có thế mạnh khi kí kết hợp đồng với các nhà cung ứng trong nước. Những bản hợp đồng kí gửi đại lý hàng hóa được một số siêu thị soạn sẵn, mang tính áp đặt là chủ yếu, bao gồm những điều khoản vô lý được dự thảo trong đó, coi như bên gửi hàng phải chấp nhận. Sự "thỏa thuận" bất bình đẳng này có lúc buộc bên gửi hàng phải gật đầu chỉ vì họ muốn tạo dựng vị thế của thương hiệu mình ở một số siêu thị,... Đây là nút thắt lớn nhất, cần phải khắc phục sớm khi nó đã tồn tại hàng chục năm nay và rất ngạc nhiên khi có rất ít ý kiến can thiệp của cơ quan Bộ Công thương, Sở Công thương các tỉnh thành phố, các Hiệp hội liên quan đến bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Câu nói nhận định của Ông Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam: "Chúng ta chăm chút cho khâu sản xuất, nhưng khâu trung gian và bán lẻ lại hưởng lợi nhuận quá nhiều, cần phải phân phối lại lợi nhuận trong chuỗi sản xuất và phân phối". Đã nói lên tất cả những gì mà nút thắt đầu tiên đang phải xem xét giải quyết.

Nút thắt thứ hai đó là hạ tầng của hệ thống phân phối và các chi phí khác của thương mại bán lẻ ở thị trường. Câu chuyện một kilogam hàng chuyển từ Ecuador về Việt Nam có chi phí vận chuyển và logistic thấp hơn chi phí từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Hay chuyện một con lợn trong quá trình chăn nuôi giết mổ và tiêu thụ phải chịu 51 loại phí, một quả trứng chịu 13 loại phí là những dẫn chứng rõ nét cho vấn đề hạ tầng và chi phí sản xuất kinh doanh ở nước ta còn nhiều tồn tại chưa được giải quyết. 

Ngoài ra hàng hóa khi vận chuyển đi tiêu thụ còn chịu những chi phí vận chuyển và những chi phí BOT vô lý do hệ thống giao thông, kho bãi chưa đồng bộ, bị đứt đoạn và chưa được khai thác đúng mức đối với các loại hình vận tải có thế mạnh ở Việt Nam. Hạ tầng thấp kém còn làm cho hàng hóa tăng chi phí, tăng tỷ lệ hao hụt mất mát ở chỗ những sản phẩm nuôi trồng và đánh bắt khi làm ra không có kho dự trữ chiến lược, chính vì vậy bị xuống phẩm cấp, vừa bị ép giá của một số đối tượng thương lái, tình trạng này làm giảm chí tiến thủ của những người sản xuất chân chính. Chính vì vậy dẫn tới hệ quả là 1kg cá từ chỗ thu hoạch tới chỗ tiêu dùng có lúc tăng từ 2-3 lần, 1 số các mặt hàng khác cũng tương tự như vậy.

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Những nút thắt cần gỡ trong bối cảnh Hiệp định thương mại EVFTA - Ảnh 2.

Cần tháo gỡ những nút thắt để doanh nghiệp hội nhập và phát triển trong bối cảnh Hiệp định EVFTA. Ảnh: Bình Minh

Nút thắt thứ ba, giao dịch mua bán hàng hóa ở Việt Nam ít được công khai minh bạch, thiếu thông tin bởi chưa có một hệ thống các chợ đầu mối vùng cho đúng tiêu chuẩn của khu vực, chưa có những sàn giao dịch hàng hóa nông sản thực phẩm nằm trong các chợ đầu mối hoặc hoạt động độc lập, mua bán không có hóa đơn chứng từ, thanh toán bằng tiền mặt khá phổ biến. Chính sự giao dịch không minh bạch như vậy luôn luôn đem lại thua thiệt cho người sản xuất, trong bối cảnh một nền kinh tế chia sẻ chưa được hình thành một cách tự giác và phổ biến ở thị trường Việt Nam.

Nút thắt thứ tư, đó là sự cạnh tranh không công bằng ở thị trường nội địa Việt Nam. Việc kinh doanh bán lẻ trốn thuế, lách thuế, chuyển giá không phải là cá biệt, cả bán hàng trực tiếp và bán hàng online. Tình trạng bán hàng vi phạm pháp luật kinh doanh, doanh thu lợi nhuận nộp ngân sách không được công khai để mọi người giám sát. Chúng ta có nhiều lực lượng công an kinh tế, tài chính, quản lý thị trường,... nhưng những tác động quản lý của các lực lượng này chưa đủ sức răn đe những vi phạm pháp luật và chưa đẩy tiến trình thực hiện một nền thương mại công bằng ở Việt Nam đi nhanh hơn. 

Kinh tế không chính thức ở Việt Nam theo một số chuyên gia dự đoán có tỷ lệ không nhỏ chưa được kiểm đếm, ghi chép vào sổ sách hợp pháp ( trong đó có yếu tố của gian lận thương mại, trốn thuế chuyển giá,…). Việc áp dụng các kĩ thuật để quản lý doanh thu và sử dụng hóa đơn điện tử mới ở trong thời kì thí điểm ở một số đơn vị kinh doanh dịch vụ lớn. Nếu tiến độ thực hiện chậm theo kế hoạch, sẽ tiếp tục hạn chế sự cạnh tranh công bằng giữa những doanh nghiệp bán lẻ, làm ăn nghiêm túc, chân chính và những tổ chức cá nhân kinh doanh vi phạm pháp luật...

Những nút thắt kể trên đã đem lại những hậu quả không thể lường hết được cho sản xuất và đời sống tiêu dùng xã hội. Cho sự cạnh tranh công bằng, minh bạch ở thị trường Việt Nam, đồng thời làm ảnh hưởng tới những doanh nghiệp mong muốn làm ăn nghiêm túc, đi lên bằng đôi chân của mình chứ không phải kinh doanh sản xuất gian lận, thu lợi nhuận qua trốn thuế và làm ăn phi pháp.

Những nút thắt trên còn làm cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam bị đẩy giá lên cao, không cạnh tranh được với hàng hóa hội nhập ở thời kì mở cửa ngay ở thị trường nội địa. Những nút thắt trên còn làm cho những người làm ra những sản phẩm sạch, đạt chất lượng bị thua thiệt, hàng hóa của mình bán lẫn lộn với hàng hóa không đạt tiêu chuẩn ở ngoài thị trường tự do bởi rất khó chen chân vào một số siêu thị mang tính chất độc quyền mua trên thị trường Việt Nam hiện nay, mục tiêu sản xuất sạch để sản xuất đại đa số nhân dân theo chủ trương của nhà nước sẽ bị hạn chế.

Tại Hội nghị triển khai Hiệp định Thương mại EVFTA, Thủ tướng Chính phủ phát biểu: "Quyết tâm một, biện pháp phải mười". Định hướng của người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ chắc chắn phải biến thành những hành động thực tế để giải quyết những bất cập ở thị trường nội địa. Sản xuất phải theo quy hoạch, sớm hình thành các chuỗi sản xuất và phân phối hoạt động hiệu quả, phân chia lợi nhuận hợp lý giữa các khâu trong chuỗi. Từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Xây dựng văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh và nền kinh tế chia sẻ ở thị trường Việt Nam. Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước thì bản thân các doanh nghiệp phải chủ động đầu tư đổi mới công nghệ quản lý kinh doanh, xây dựng thương hiệu bán lẻ và hàng hóa, đẩy mạnh tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tạo dựng niềm tin vững bền đối với người tiêu dùng, bởi mất niềm tin là mất tất cả. Hàng hóa cần đi thẳng từ khâu sản xuất tới khâu bán lẻ, giảm bớt các khâu trung gian không cần thiết.

Cuối cùng, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, cần liên kết lại để làm ăn, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, tự giác hợp tác liên kết để sớm hình thành một số tập đoàn sản xuất và bán lẻ mạnh, đủ sức dẫn dắt thị trường nội địa hiện nay và trong tương lai. Người Việt phải làm chủ được hàng Việt, làm chủ được hệ thống phân phối trên sân nhà, đó là mệnh lệnh quốc gia rất cần thiết trong lúc này và cả mãi mãi về sau. Chúng ta tin tưởng rằng, việc tháo gỡ sớm những nút thắt đang tồn tại, sẽ góp phần vào việc thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa chống dịch trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bán lẻ Việt Nam: Những nút thắt cần gỡ trong bối cảnh Hiệp định thương mại EVFTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO